Vì con còn nhỏ nên dù bị bắt nạt con cũng không biết cách nói ra, để lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ.
Một người mẹ than vãn con dạo gần đây rất hư, cứ suốt ngày khóc nói không muốn đi học mẫu giáo. Mới đầu chị nghĩ chắc con lười hoặc kiểu bướng, khóc như các bạn khác thôi. Chị cũng chiều theo cho con tạm ở nhà vài ngày. Nhưng đã một tuần rồi con vẫn không chịu đi học, nhắc đến việc đi trường là con giãy nãy lên, mất bình tĩnh.
Có người hỏi chị là cháu bé có bị bắt nạt ở trường không. Chỉ thở dài nói hỏi cô giáo thì cô bảo không, các bạn cũng không, hỏi con thì con nhất quyết không nói. Người này tiếp tục phân tích cho chị rằng bé có thể gặp chuyện không hay ở trường. Một trong những dấu hiệu con bị bắt nạt khi đi mẫu giáo chính là việc bé gay gắt không chịu đi học.
Nếu con bị bắt nạt, bố mẹ không thể bỏ qua, cần can thiệp ngay để giúp con. Nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non, ngôn ngữ hạn chế nên thường chỉ có dấu hiệu hành vi, cần bố mẹ quan sát thật kỹ mới được.
Dấu hiệu bất thường báo hiệu trẻ bị bắt nạt
Dù con không nói nhưng có thể đã gửi một số tín hiệu về chuyện con bị bắt nạt, Quan trọng là bố mẹ có hiểu được hay không.
Dấu hiệu con bị bắt nạt đầu tiên đó chính là quấy khóc, sợ hãi, không chịu đi nhà trẻ. Nếu chỉ 1, 2 ngày thì không sao. Nhưng nếu kéo dài một thời gian mà không có tiến triển, thậm chí ngày càng nặng hơn kèm theo các chứng như tè dầm, mất cảm xúc thì đó có thể là dấu hiệu con bị bắt nạt khi đi học.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: 163
Ngoài ra còn có các dấu hiệu sau:
- Ác mộng vào ban đêm, la hét, thức dậy khóc;
- Rất dễ khóc vì những điều nhỏ nhặt;
- Dễ dàng mất kiểm soát và cảm thấy không vui khi ở nhà;
- Thương tích không đáng có trên cơ thể;
- Phàn nàn về việc không được yêu thích.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: toutiao
Nếu có biểu hiện bất thường như vậy, bố mẹ nên cảnh giác, trẻ có thể bị bắt nạt, trong lòng có những nỗi sợ hãi không nói nên lời. Nếu trẻ không chịu nói, chúng ta cần khéo léo khi đặt câu hỏi.
Nhà tâm lý học Jane Nelson đề xuất khi trò chuyện với con, đầu tiên có thể nói về những điều vui và không vui mà bố mẹ gặp phải trong ngày. Sau đó hỏi trẻ về những điều vui và không vui mà trẻ đã gặp phải ở lớp. Bằng cách này, con sẽ cởi mở và chịu chia sẻ hơn.
Dạy trẻ các kỹ năng xã hội và nhận biết bị bắt nạt, xung đột
Sau 3 tuổi, trẻ sẽ có nhu cầu phát triển tương tác xã hội. Trong quá trình hòa đồng với mọi người, trẻ học cách giải quyết các xung đột và phát triển các kỹ năng xã hội.
Nếu một đứa trẻ nói, cãi nhau với bạn học này, xô đẩy với bạn học kia, lỡ làm đổ nước vào người, bỏ chơi với bạn... thì đó đều là những quá trình mà trẻ phải trải qua khi lớn lên. Bố mẹ đừng quá lo lắng và để con tự xử lý.
Nếu lo lắng, bố mẹ cần giúp trẻ nhận biết đâu là mâu thuẫn và đâu là hành vi bắt nạt. Sau khi trẻ hiểu ra sẽ biết khi gặp tình huống bị bắt nạt nên nói “không” thật to, chạy đi hoặc gọi người lớn đến giúp đỡ. Nhất định phải nói lại chuyện này với bố mẹ để bố mẹ giúp đỡ con.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: kknews
Bắt nạt có thể gây ra những tổn thương về mặt tâm lý cho trẻ. Ví dụ trẻ bị nói dối, bị chế giễu, bị cô lập… là những hành vi bắt nạt. Có thể ảnh hưởng đến tính cách của trẻ trong suốt cuộc đời.
Bố mẹ cần dạy con không sợ khi bị bắt nạt, dũng cảm đứng lên và không nao núng. Đã có bố mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất của con. Bằng cách này, trẻ có sự tự tin để chống lại và bảo vệ mình. Việc một đứa trẻ quá ngoan không hẳn là một điều tốt. Đừng tùy tiện dạy con phải chia sẻ, nhịn hoặc chấp nhận chịu đựng. Những đứa trẻ ngoan thường dễ bị bắt nạt hơn.
Chỉ khi con biết cách tự bảo vệ mình, đủ dũng cảm, mạnh mẽ thì bố mẹ mới bớt lo lắng con không bị bắt nạt khi đi mẫu giáo, lên cấp lớn hơn.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo 163