Làm ngành nghề gì cũng vậy, nhưng đặc biệt là ngành tài chính cần phải giữ tôn chỉ tuyệt đối bảo mật thông tin khách hàng, bằng không việc để lộ hay làm rò rỉ thông tin cũng sẽ khiến những người khác bắt đầu cảm thấy nghi hoặc và mất niềm tin.

>>> Giữa lùm xùm Hoài Linh giữ 14 tỷ tiền từ thiện: Sắp có quy định phải công khai, minh bạch

Mới mấy hôm trước, cộng đồng mạng đặt nghi vấn về số tiền từ thiện 14 tỷ đồng của nghệ sĩ Hoài Linh trong thời gian 6 tháng vừa qua dùng để làm gì và tại sao chưa kịp giải ngân cho đồng bào miền Trung gặp khó khăn do ảnh hưởng của lũ lụt.

Cơ quan chức năng chưa vào cuộc thì đâu đó có người lại tung ra ‘bằng chứng’ là bảng sao kê tài khoản ngân hàng của nam danh hài. Dân mạng được phen thỏa mãn hả hê vì cho rằng mình ‘nghi đâu có đó’. Chưa biết sự tình rõ ràng như thế nào, nhưng việc tung ra bảng sao kê tài khoản ngân hàng của một cá nhân được xem là hành vi tiết lộ thông tin cá nhân.

hình ảnh


Ảnh: Nghệ sỹ Hoài Linh liên tục được nhắc đến về những lùm xùm xung quanh việc làm từ thiện. Nguồn: An ninh Thủ đô. 

Ngay sau đó, ngân hàng nơi nghệ sĩ Hoài Linh có tài khoản lập tức mở cuộc điều tra nhân viên nào đã thực hiện hành vi này. Tối qua ngày 27/5/2021, ngân hàng đã chính thức công bố tìm ra được nhân viên tiết lộ thông tin và cho biết sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với nhân viên này, trước mắt là đình chỉ công tác. Đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý.

Cơ quan chức năng cần hoàn tất quá trình điều tra và nếu đủ cơ sở vẫn có thể khởi tố tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

hình ảnh


Ảnh: Nội dung sao kê được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh. Nguồn: VTC News. 

Theo đó, người nào có hành vi công khai thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Không chỉ vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại là điều chắc chắn phải làm và dựa trên thiệt hại thực tế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

hình ảnh


Ảnh trái: Nghệ sĩ Hoài Linh. Nguồn: Người Lao Động. Ảnh phải: Tài khoản được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh bị phát tán trên mạng xã hội mở tại ngân hàng M. Nguồn: VOV. 

Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai làm các công việc có liên quan đến thông tin của khách hàng cần thực hiện đúng quy định và bảo mật thông tin khách hàng.

Theo quy định hiện hành, chỉ có 3 trường hợp nhân viên ngân hàng được quyền cung cấp thông tin của khách hàng:

#1. Do khách hàng có yêu cầu.

#2. Do khách hàng đồng ý khi có sự xin phép của bên thứ 3.

#3. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc phục vụ cho hoạt động nội bộ.

Nếu việc cung cấp thông tin không thuộc 1 trong 3 trường hợp này và vì mục đích tư lợi, trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trên đã dẫn chứng.

Mẹ nắm rõ, để nếu mình là nạn nhân của các hành vi tiết lộ bí mật thông tin khách hàng, hãy yêu cầu giải quyết và xử lý để đảm bảo quyền lợi cho mình.