Kể từ khi xuất hiện đến nay, 'cô vy' chưa bao giờ ngừng đột biến. Mỗi lần có thông tin biến chủng mới xuất hiện là mọi người lại được phen ‘lao đao’, nhất là kể từ khi Delta xuất hiện. Cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Hiện tại là hàng loạt cảnh báo về sự đột biến của siêu biến thể có tên gọi Omicron. Đây là biến thể được đánh giá là ‘tồi tệ nhất’ khi sở hữu khả năng ‘siêu đột biến’ khiến giới chuyên gia lo ngại. Nhất là về khả năng lây nhiễm và lẩn tránh miễn dịch.
Trong khi đó, vắc xin từng được đánh giá là hiệu quả thấp hơn với biến chủng Delta rồi. Vậy thì với ‘siêu đột biến’ Omicron, không biết tác dụng của vắc xin sẽ đến đâu. Và người tiêm đủ 2 mũi rồi sẽ thế nào trước Omicron?
Về vấn đề này, mình có đọc được trên 2 tờ báo là Sức khỏe Đời sống và Vietnamnet. Theo đó, các chuyên gia đã giải thích cụ thể về ảnh hưởng của Omicron với người đã được tiêm đủ 2 mũi. Mình chia sẻ lại bên dưới cho mọi người cùng biết nhé.
'Cô vít' không ngừng đột biến và sản sinh ra biến thể mới. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Vắc xin có tác dụng với biến thể Omicron không?
Ở Anh, toàn bộ vắc xin được cấp phép hoạt động bằng cách ‘huấn luyện’ cho hệ thống miễn dịch chống lại các gai protein. Với biến thể Omicron, nó có tới hơn 30 đột biến ở gai protein trong đó có 10 đột biến liên quan tới liên kết thụ thể (RBD). Đây là một khu vực đặc biệt cho phép chúng bám vào thụ thể tế bào. Trong khi đó, ở Delta thì con số này chỉ có 2 mà thôi.
‘Nếu nhìn vào tổng thể các đột biến, bức tranh này trông rất khủng khiếp, giống như toàn bộ kháng thể quan trọng nhất đều trở nên vô dụng’, GS. Danny Altmann (ĐH Imperial College London) nhận xét.
Song, theo vị giáo sư này, các thông tin từ phía Nam Phi cho thấy tình hình không quá mức ‘bết bát’ như vậy. Những người phải nhập viện vẫn chủ yếu là nhóm chưa tiêm chủng nên có lẽ vắc xin vẫn đang bảo vệ tốt.
Hơn nữa, tế bào lympho T còn có chức năng huấn luyện tế bào sản sinh kháng thể trước những rủi ro mà nó phải đối mặt. Các nhà khoa học đều đống ý rằng: tế bào T có thể nhận ra sự khác biệt giữa các biến chủng nên nó sẽ cho bạn sự bảo vệ nhất định.
Thực tế cho thấy: Những người chích ngừa đủ 2 mũi vẫn có thể nhiễm Delta nhưng tỷ lệ đã thấp hơn 3 lần so với người chưa tiêm. Hơn nữa, người đã chích ngừa còn làm giảm nguy cơ không qua khỏi lên tới 9 lần nếu chẳng may nhiễm.
GS. Paul Morgan (ĐH Cardiff, Anh) đánh giá: Điều này cũng sẽ xảy ra tương tự với Omicron. Ông cho rằng mức độ bảo vệ chỉ giảm đi chứ không biến mất hoàn toàn. Bởi, Omicron không thể loại bỏ toàn bộ các biểu mô trên bề mặt do một khi làm vậy các gai protein cũng không thể hoạt động được. Nghĩa là, dù kháng thể và tế bào T từng chống lại các biến chủng trước kia có khả năng không hiệu quả. Song, vẫn sẽ còn một phần tác dụng.
Ông cho rằng việc sử dụng mũi tăng cường là một nước đi tốt. ‘Dù phân nửa, thậm chí là 2/3 miễn dịch không còn tác dụng nhưng bạn vẫn sẽ còn lại một ít kháng thể. Và việc bổ sung thêm đương nhiên là điều rất tốt’, vị giáo sư này nói thêm.
Vắc xin vẫn có thể có tác dụng với Omicron. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Còn GS. David Matthews (ĐH Bristol) đánh giá: Những người đã tiêm chủng 2 mũi rồi nhiễm Delta thì viễn cảnh với họ còn tươi sáng hơn. Bởi, họ sở hữu hệ miễn dịch rất rộng nên đủ xử lý được phần lớn các biến chủng mới.
Lý giải về điều này, ông cho hay: Những người này đã tiếp xúc với virus và các gai protein từ cả Delta qua việc lây nhiễm và chủng gốc SARS-COV-2 thông qua vắc xin. Như vậy, họ có kháng thể cho cả chủng gốc lẫn chủng mới cùng lượng tế bào T phủ rộng.
Trong khi đó, nỗi lo lớn nhất vẫn thuộc về những người chưa tiêm. Vị chuyên gia này đánh giá Omicron có khả năng sẽ lây nhiễm còn mạnh hơn Delta. Khi đó, chúng sẽ nhanh chóng tìm kiếm người chưa tiêm và xâm nhập vào phá hủy cơ thể, đẩy họ vào bệnh viện. Từ đó làm tăng áp lực cho hệ thống y tế.
‘Điều này có thể dẫn tới lệnh phong tỏa mới nếu số ca nhập viện vượt quá ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế’, GS. Matthews thông tin.
Không loại trừ khả năng người đã tiêm chủng đầy đủ được 'bảo vệ hoàn chỉnh'
Đến nay, Omicron vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nên thật khó để nói trước bất cứ điều gì. Các chuyên gia cho rằng vẫn sẽ có những mặt tích cực để chúng ta hy vọng. Đặc biệt là khả năng thực sự của Omicron với cộng đồng có tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng sẽ thế nào.
‘Rất có thể những người đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin hiện hành được bảo vệ trước nó. Song, cũng có thể vắc xin hiện nay chẳng làm được gì trước Omicron cả’, TS. Peter English cho hay.
Mặt khác, những loại thuốc kháng ‘cô vít’ hiện nay như molnupiravir được cho là vẫn sẽ có phản ứng tốt với Omicron. Hay như phương pháp điều trị hiện hành dexamethasone cũng có thể sẽ hiệu quả. Bởi, nó nhằm vào phản ứng của cơ thể thay vì tấn công trực tiếp vào ‘cô vy’.
Tiêm vắc xin có lẽ vẫn là phương án tốt nhất bây giờ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Không chỉ thế, khả năng biến chuyển và đáp ứng của các loại vắc xin hiện nay cũng rất nhanh nhờ công nghệ mới nếu Omicron thực sự có thể né tránh hoàn toàn miễn dịch từ vắc xin. Bởi, công nghệ mARN và vắc xin vector định hướng cho phép sửa đổi vắc xin rất nhanh để đáp ứng với biến thể mới. Nghĩa là sẽ có vắc xin mới được tạo ra rất nhanh nhằm dành riêng cho Omicron, có khi chỉ trong vài tháng.
Nói chung, với những thông tin mà báo chí cung cấp thì đúng là Omicron là thách thức lớn trong con đường thoát khỏi cô vy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Bởi, hiện giờ chúng ta không chỉ hiểu biết về chúng hơn mà còn có thuốc, vắc xin rồi. Thế nên có lẽ tình hình sẽ không tồi tệ như những ngày tháng trước đây đâu mọi người. Giờ thì hãy cứ tiêm chủng và 5K để bảo vệ bản thân đi nha.
Nguồn: Tổng hợp