Nhận được bài kiểm tra văn 2 điểm của con, người mẹ lại thấy hạnh phúc, mấy ai làm được như chị.

Các mẹ có bao giờ nhận một bài kiểm tra điểm dưới trung bình của con, cụ thể là 2 điểm chưa ạ. Không biết cảm giác lúc ấy của các mẹ thế nào, có tức giận không hay dễ dàng bỏ qua. Riêng em, nếu con em bị 2 điểm chắc em thấy thất vọng, buồn bã dữ lắm.

Em thừa nhận là em có yêu cầu hơi cao với việc học của con ạ. Không được 9, 10 điểm thì ít nhất phải trên trung bình. Dù biết không nên như thế với con, nhưng ở vị trí một người mẹ, làm sao em không mong con mình học giỏi, điểm cao cho được. Việc con học hành điểm kém luôn là khúc mắc trong lòng em.

Cho đến khi em xem được bài chia sẻ trên Vietnamnet về chị Hằng, một người mẹ thấy hạnh phúc khi nhận bài kiểm tra 2 điểm của con. Nhờ chị, em đã mở mang trong việc dạy con, cũng trút bỏ được phần nào mong muốn con phải luôn điểm cao.

hình ảnh

Bài kiểm tra Văn được 2 điểm của T.M. Ảnh: Vietnamnet

Về nội dung bài văn bị chấm 2 điểm kèm lời phê là lạc đề, em sẽ để hình ảnh ngay trong bài để mọi người xem nhé. Chủ yếu em muốn đề cập đến thái độ của người mẹ trong chuyện này mà thôi. Chị cư xử với con cực kỳ mềm mại, bình tĩnh, tỉnh táo đó ạ.

Thông tin em xem trên Vietnamnet, người mẹ đáng hâm mộ là chị Mỹ Hằng, có một con trai đang học lớp 9. Mọi người đừng vội nghĩ theo hướng mẹ vui vì con có 2 điểm là không đúng nha. Người mẹ này cảm thấy vui vì điều khác, rất là ý nghĩa luôn đó mọi người.

Chị Hằng chia sẻ niềm vui của chị đến từ sự can đảm của con. Thay vì giấu bài kiểm tra đi vì sợ bị mắng, con trai đã dũng cảm đưa bài kiểm tra cho chị xem. Con bẽn lẽn nói con làm sai đề nhưng bù lại, con đã rất trung thực. Theo người mẹ, miễn con trung thực thì đáng được tha thứ.

Cái này đúng quá đúng đi nè mọi người. Nhiều khi chính em cũng mắc lỗi khi dạy con. Rõ ràng trước đó mẹ khuyến khích con nhận lỗi đi, nói hết cho mẹ đi, mẹ sẽ không giận. Rồi thì con tin, con nói hết với mẹ, kết quả là mẹ cho con một trận. Như vậy đứa trẻ sẽ cảm thấy mẹ không đáng tin, sau này càng trốn tránh, không dám nhận lỗi nữa.

Cho nên chính em chắc phải thay đổi, mà phụ huynh nào giống em cũng phải đổi đi ạ. Con chịu nhận lỗi, dám trung thực nói ra sai lầm của mình thì mẹ cũng phải biết chấp nhận, sẵn sàng bao dung, bỏ qua cho con.

Tiếp đến, chị Hằng có nói chị thấy vui vì dù con bị chấm là lạc đề nhưng con lại thể hiện tư duy, lập luận rất hợp lý. Điều làm chị vui là con trai dù còn nhỏ tuổi, kinh nghiệm sống ít nhưng đã có góc nhìn riêng, rất hay và hiểu chuyện. Chị Hằng cũng chia sẻ là chị mong con được mẹ thấu hiểu sẽ tránh bị áp lực tâm lý.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: civilmedia

Bình thường chị Hằng cũng hay hỏi ý kiến, lắng nghe con. Dạy con, không gây áp lực tâm lý học tập cho con là cực kỳ cần thiết. Chứ dạo gần đây, em đọc báo có mấy vụ áp lực học hành rồi trẻ con nó làm chuyện liều lĩnh mà em ớn quá. Chưa kể con chị Hằng đang học lớp 9, ngay năm cuối cấp lại còn là tuổi vị thành niên. Dạy con thời điểm này nhất định phải từ tốn, mềm mỏng và khéo léo như chị Hằng thì mới được.

Nhân chuyện của chị Hằng thấy hạnh phúc khi nhận bài kiểm tra 2 điểm của con trai, em cũng ngộ ra nhiều điều về chuyện dạy con. Nói ra mắc cỡ, nhưng lúc đi học, đôi khi vì lười làm bài tập hoặc quên học bài, có lúc em cũng từng bị điểm 0.

Vậy mà tới lúc dạy con, vì sĩ diện nên luôn nói với con kiểu như xưa mẹ học giỏi lắm, chưa bao giờ bị 6 điểm chứ đừng nói là dưới trung bình. Những điểm 0, điểm 3 đều giấu nhẹm chứ làm gì dám nói với con. Nghĩ lại thì thấy mình có lỗi với con, rõ ràng mẹ lúc đi học cũng có phạm sai lầm, có điểm kém.

Nhưng chính mẹ lại không chấp nhận cho con mình bị điểm kém. Tại sao bản thân học bình thường mà cứ ép con phải thành học sinh giỏi, học sinh hạng nhất. Rồi cả tính xấu là cứ thích nhìn vào điểm kiểm tra mà nhận xét con, chì chiết con. Lại quên mất tìm hiểu xem vì sao con làm sai, con điểm thấp mà giúp con.

Thôi thì bài văn 2 điểm và sự hạnh phúc của người mẹ xem như là một bài học nhỏ nhắc nhở em và những phụ huynh khác. Dạy con, không nên chỉ nhìn vào điểm số, còn phải nhìn vào những cố gắng của con, hiểu cho những khó khăn của con. Có thế thì con mới thoải mái trong học tập và ngày càng tiến bộ được.