Đọc báo riết rồi mỗi ngày đi chợ em chẳng biết mình nên mua gì cho cả nhà ăn để an toàn, không rước bệnh vào người luôn đó chị em. Càng đọc càng thấy lo, sao mà người ta có thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, kể cả sức khỏe và tính mạng của người khác.
Ngày trước nhà em hay ăn thịt cá lắm, nói chung là các thể loại động vật í ạ, nhưng về sau nghe mọi người khuyên ăn thịt cá nhiều không tốt, nên thay thế và bổ sung thêm các loại rau củ quả và thực vật, như vậy sẽ tốt cho sức khỏe của cả gia đình hơn.
Thế là em chuyển sang giảm dần lượng thịt cá và tăng cường lượng thực phẩm thực vật, nhưng vừa rồi đọc báo phanh phui vụ rau chợ dán nhãn VietGAP tràn vào các siêu thị mà em thấy hãi quá. Hóa ra lâu nay em bỏ nhiều tiền đi siêu thị mua rau, cũng chỉ là mua cái mác chứ không phải mua theo đúng rau chuẩn VietGAP như mình hiểu trước giờ. Kể từ lần mất niềm tin ấy, em đã chuyển sang thói quen mua rau chợ vì nghĩ rau nào cũng như rau nào, trước mua rau ở siêu thị vì không biết chứ giờ biết rồi thì mình phải thay đổi thói quen chứ.
Đi qua các quầy bán hàng, em chợt dừng lại ở hàng nấm và mua dùng vì nghĩ đó cũng là loại thực vật, tốt cho sức khỏe. Thông thường có 2 loại nấm tự nhiên và nhân tạo, đối với loại nhân tạo ở Việt Nam mình trồng nhiều và họ phải có kỹ thuật mới tạo ra thành phẩm như mình thấy.
Tuy nhiên, cho cả nhà ăn nấm chưa được bao lâu thì hôm qua em đọc được bài viết trên báo Tuổi trẻ chia sẻ về việc cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm soát nguồn gốc của tất cả các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay, đặc biệt là rau củ quả ở trong siêu thị bấy lâu vốn là nơi được rất nhiều người tin cậy.
Thông qua quá trình đi thực tế ở khắp các chợ đầu mối từ Hóc Môn, Thủ Đức đến Bình Điền thì họ cho biết đa số các loại nấm ở chợ này đều là nhập từ Trung Quốc?! Đáng nói là không chỉ có nấm, các loại rau khác như súp lơ, cải thảo cũng tương tự...
Thật ra nói hàng Trung Quốc không có nghĩa là không tốt, thậm chí nếu xét từng vấn đề thì thấy họ có nhiều quy trình quản lý tốt hơn mình, tuy nhiên điều khiến mọi người lo ngại rằng hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chẳng có tem nhãn dán gì cả, ngay cả các loại nấm được bày bán trong siêu thị cũng vậy. Điều này chẳng khác nào đánh gạt người tiêu dùng.
Nghe đánh giá về vấn đề này, quản lý của chợ đầu mối Hóc Môn thông tin rằng tất cả hàng nhập vào chợ đều được ghi sổ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường là chợ cùng với các tiểu thương sẽ cùng bỏ tiền lấy mẫu có nguy cơ cao nhằm kiểm tra tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố khác nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm bán ra. Đây cũng là cách để giữ uy tín cho người bán lẫn chợ.
Nói đến các loại rau như súp lơ, cải thảo, theo quản lý chợ cho biết chắc chắn có lẫn hàng Trung Quốc, bởi vì nhập hàng về từ Đà Lạt không thôi vẫn chưa đủ, các tiểu thương phải nhập thêm của Trung Quốc hoặc ở tỉnh Hải Dương nữa mới đủ để bán cho người dân.
Còn nấm thì khác, vì có nhiều loại, như nấm rơm họ thường nhập về từ các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, còn nấm kim châm hay nấm đùi gà do ở mình chưa thể tự sản xuất được nên buộc phải nhập khẩu và tất cả đều có ghi rõ nguồn gốc từ Trung Quốc khi về đến chợ đầu mối, được kiểm tra đầy đủ.
Tuy nhiên, quản lý chợ đầu mối lo ngại rằng từ nguồn chợ đầu mối này, các loại nấm được chia về cho các chợ nhỏ thì chưa rõ được thực hiện ra sao, nên mới có vụ rau chợ dán nhãn VietGAP như trong thời gian qua, hoặc là các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được dân buôn xe đẩy gắn cho cái mác Hàn Quốc với giá rẻ hơn bản chất của nó.
Được biết, tại chợ đầu mối, xe hàng vào phải có đăng ký mã, vùng chuyển, người cung cấp... để quản lý kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và xuất trình khi có yêu cầu.
Nếu có dịp đến chợ đầu mối Hóc Môn, chị em sẽ thấy hàng rau củ quả được nhập vào khoảng từ 10 – 11 giờ đêm, trong đó rau quả Đà Lạt chiếm 50% và số này do các nông dân tự sản xuất và cung cấp, trao đổi với các tiểu thương ở chợ. Sau đó từ điểm này, các sản phẩm được phân phối đi các điểm chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng.
Đề cập đến chuyện kiểm định chất lượng thực phẩm, đại diện của một công ty chuyên kiểm tra, xét nghiệm thực phẩm cho biết, theo khả năng của họ việc kiểm tra nhanh nhất sẽ có kết quả trong vòng 24 giờ hoặc chậm nhất là 03 ngày.
Đối với những trường hợp rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hàm lượng cao thì kiểm tra nhanh sẽ cho kết quả ngay, song nếu còn dư lượng nhưng hàm lượng thấp thì khó phát hiện ra.
Rau củ quả là mặt hàng có giá trị thấp và thời gian sử dụng ngắn nên mình không thể đợi kết quả xét nghiệm đạt tiêu chuẩn mới bán ra được. Hơn nữa, chi phí kiểm tra và xét nghiệm không hề rẻ, có khi còn hơn giá trị cả lô hàng nên không thể thực hiện thường xuyên mỗi lần xuất bán được. Điều này là vô lý, phi thực tế và không thể áp dụng được, nên nếu bắt buộc phải thực hiện thì e là khó cho người bán.
Vả lại, mọi người vẫn đang hiểu sai rằng cứ rau củ quả sử dụng phân và thuốc hóa học là không an toàn, trong khi thực tế không như vậy, nếu người nông dân biết cách sử dụng đúng và đủ liều lượng hợp lý vẫn có tác dụng giúp bảo vệ thực vật và an toàn cho người sử dụng.
Bây giờ mọi người cứ chạy theo cái mác thực phẩm hữu cơ, rau củ quả không dùng phân hay thuốc hóa học, song lại không chấp nhận giá cả vì chúng quá cao, không phù hợp với tất cả người tiêu dùng, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp, bữa ăn với họ còn quá khó khăn phải tiết kiệm chi phí.
Thay vào đó, vị này có ý kiến rằng tại sao lực lượng quản lý không kiểm tra ngay tại thời điểm sản xuất và canh tác, như thế sẽ hiệu quả hơn, ít tốn kém chi phí và cũng phù hợp với thực tiễn nữa.
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, vì sao rau củ quả và các sản phẩm thực vật khác như nấm của Trung Quốc lại có thể đội lốt hàng trong nước tràn vào thị trường dễ dàng đến vậy?
Thực tế mà nói, bây giờ đi chợ mua đồ ăn, chị em mình khó phân biệt và phát hiện được đâu là rau củ quả được trồng ở trong nước hay ở Trung Quốc. Thực sự chỉ có những người bán lâu năm, qua quan sát theo dõi từng chi tiết và có kinh nghiệm họ mới nhận ra rau củ quả có nguồn gốc từ đâu, chị em ạ.
Qua nhiều lần trò chuyện với những người này, em có biết sơ qua rằng hàng rau củ quả hay các sản phẩm thực vật khác của Trung Quốc thường có đặc điểm chung là to, tròn đều, bề mặt láng mịn, chứ không nhỏ và sần sùi như các loại rau củ quả ở mình.
Có lẽ vì điểm này cộng với giá cả rẻ và phải chăng nên được đa số người tiêu dùng lựa chọn, mãi đến khi biết được nguồn gốc của hàng hóa này thì hỡi ôi. Chính vì rau củ quả không có nhãn mác, trống trơn trên bao bì nên việc truy xuất nguồn gốc cũng trở nên khó khăn hơn.
Do đó, trong thời gian tới, đại diện quản lý Hiệp hội Thực phẩm đề xuất rằng phải kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ vùng nguyên liệu.
Cụ thể là theo họ, sắp tới cần phải có quy định bắt buộc cùng lộ trình thực hiện cụ thể và sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước trong việc chuyển đổi. Rau củ quả đều phải được đóng gói và ghi rõ các thông tin nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn chất lượng như thế nào trên bao bì.
Quản lý các chợ đầu mối cũng từ thông tin này để xem xét có cho phép nhập loại rau củ quả và các sản phẩm thực vật đó vào chợ không? Tại thời điểm quyết định cho phép hay không, phải truy xuất thêm nguồn gốc xuất xứ chứ không thể chờ đợi khi gặp sự cố mới bắt đầu thực hiện.
Theo vị đại diện Hiệp hội Thực phẩm này, rau củ quả và các sản phẩm thực vật phải ít nhất đạt tiêu chuẩn VietGAP mới được nhập hàng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Rất nhiều người tiêu dùng đồng ý với các tiêu chuẩn và yêu cầu nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm và an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình họ, tuy nhiên câu hỏi đặt ra rằng với những yêu cầu đặt ra như thế này có làm giá thành của thực phẩm tăng lên gấp nhiều lần không?
Chị em cũng biết đấy với thời buổi kinh tế thị trường khó khăn như hiện nay, đâu phải ai cũng có đủ điều kiện bỏ ra rất nhiều tiền để mua rau củ quả đâu. Không kể đến vụ rau chợ được dán nhãn VietGAP tràn vào siêu thị bán với giá trên trời, nhiều người vẫn chọn rau ở chợ vì cho rằng chúng tươi và đặc biệt là có giá rẻ.
Nếu như tất cả được kiểm định an toàn và giá cả không đổi hoặc thậm chí thấp hơn thì quá tốt cho người tiêu dùng, nhưng mà nếu vì lý do này mà đội giá lên, kể cả rau được bày bán ở chợ thì người tiêu dùng biết phải làm sao? Đó mới là vấn đề cần phải suy tính trước khi quyết định.
Luật lệ là một chuyện nhưng cũng cần xem xét đến tính thực tế và hợp lý, phù hợp với đại đa số thì mới đảm bảo tất cả đều đồng bộ và thực hiện tốt quy định được. Nếu không, việc áp dụng cũng chỉ mang tính chất chiếu lệ, hoặc thậm chí chỉ là cái mác để đối phó với lực lượng chức năng, còn bản chất thì đâu vẫn vào đấy, không có tác dụng như mong muốn và chỉ làm lợi cho một số người lập lờ đánh lận con đen.