Làm lụng mệt mỏi ai mà không muốn nghỉ nhưng mẹ phải nhớ rằng để có thời gian nghỉ hưu an nhàn không lo lắng về kinh tế thì mẹ cần phải phấn đấu cả quá trình.
>>> Áp dụng "giữ 7, tiêu 3": Sau 4 năm đi làm cô gái lương 9 triệu mua được nhà tiền tỷ
Việc cần làm đầu tiên đó là vạch định kế hoạch và xác định mình muốn gì. Mẹ phải trả lời được các câu hỏi bao gồm mức chi tiêu và tiết kiệm hiện tại của mẹ như thế nào, khi nghỉ hưu mẹ sẽ theo lối sống ra sao (nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già hay du lịch khám phá).
Trả lời xong rồi sẽ lập kế hoạch để thực hiện điều mình muốn khi nghỉ hưu.
Bước 1: Lập kế hoạch
Đầu tiên là mẹ cần xác định thu nhập và chi tiêu ở thời điểm hiện tại của mình là bao nhiêu. Dự kiến trong tương lai khoản chi tiêu của mình bao nhiêu bằng cách liệt kê từng hạng mục chi tiêu trong tháng ở thời điểm hiện tại và lên kế hoạch theo thời gian khoản nào được giữ nguyên, khoản nào phải thay đổi (tăng lên hoặc giảm xuống) và nếu được thì xem xét khoản nào sẽ không còn phải chi tiêu khi nghỉ hưu.
Việc này cần thực hiện song song với kế hoạch mẹ dự định đến tuổi nào sẽ nghỉ hưu. Thực hiện theo Luật định hay thấp hơn hoặc cao hơn? Căn cứ Bộ luật lao động năm 2019 thì tuổi nghỉ hưu của lao động nam ở thời điểm hiện tại là 60 tuổi 03 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 04 tháng. Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ, phấn đấu đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Kế đến mẹ cần liệt kê cho những hạng mục mình mong muốn chi tiêu sau này khi nghỉ hưu bao gồm du lịch, học khiêu vũ… từ đó dễ hình dung được các khoản cần thiết sau này. Tính sơ khoản này trong tháng và nhân với 12 để biết mỗi năm mình cần bao nhiêu tiền. Rồi so sánh với hiện tại để cân đối mức thu nhập mỗi tháng của mình. Tất nhiên cũng cần phải tính đến sự trượt giá của đồng tiền trong tương lai.
Bước 2: Áp dụng quy tắc tiết kiệm
Mình học hỏi vài kinh nghiệm của người đi trước, muốn có thời gian nghỉ hưu an nhàn thì hãy học cách tiết kiệm. Hãy tự quy ước rằng mỗi tháng mình nên trích bao nhiêu % thu nhập của mình để vào khoản tiết kiệm và phần còn lại là để chi tiêu. Cần phải nghiêm túc thực hiện việc này thì mới đạt được mục đích.
Một số chuyên gia khuyên rằng áp dụng 50/30/20 là 50% thiết yếu (nhà cửa, thực phẩm, xăng xe và hóa đơn), 30% linh hoạt (tụ tập bạn bè, mua sắm, giải trí và du lịch) và 20% tiết kiệm (dự phòng, trả nợ…). Thật ra không phải mọi trường hợp đều phải áp dụng cứng tỷ lệ này, mẹ có thể linh hoạt tùy điều kiện và hoàn cảnh của mình nhưng phải đảm bảo duy trì được 3 khoản này và tuân thủ đúng kế hoạch phân chia mình đã lập ra.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet.
Bước 3: Sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu trong điện thoại
Các ứng dụng này sẽ giúp mẹ hạn chế tình trạng chi tiêu quá trớn ngoài dự tính và hoàn toàn nắm được các khoản tiền của mình dùng vào mục đích gì.
Lưu ý:
* Kế hoạch có thể được điều chỉnh theo thời gian để phù hợp với thực tế
Không phải lúc nào cũng áp dụng cứng ngắc kế hoạch đã đặt ra, mẹ cần linh hoạt điều chỉnh nhưng vẫn giữ nguyên định hướng mục tiêu an nhàn khi nghỉ hưu. Bởi trong cuộc sống có những điều xảy đến không biết trước được chẳng hạn như dịch bệnh vừa qua khiến cho công việc của nhiều người có thay đổi, mất việc hoặc bị giảm lương, điều này đồng nghĩa với kế hoạch sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống hiện tại.
* Nếu mẹ làm việc tại cơ quan, tổ chức và tham gia BHXH thì đã yên tâm phần nào cho cuộc sống an nhàn khi về hưu
Mẹ có biết mỗi tháng mình trích 10,5% tiền lương ra để đóng các khoản BHXH, trong đó đáng kể nhất là 8% vào quỹ hưu trí, còn lại 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ BHYT. Khi đủ điều kiện đóng BHXH từ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu luật định mẹ sẽ được hưởng lương hưu mỗi tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (nếu có). Mẹ hãy nhớ rằng mình đóng BHXH càng nhiều thì sẽ được hưởng nhiều và ngược lại.
Việc quyết định hưởng BHXH một lần sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng lương hưu sau này của mình nên mẹ phải cân nhắc khi lựa chọn.