Mẹ chú ý rèn sớm từ mẫu giáo thì con sẽ có nền tảng toán tốt từ lớp 1, càng lên lớp trên càng vững.
Em nghe bảo những đứa trẻ học giỏi toán thường rất thông minh, không biết có đúng không nữa. Em thì cũng chẳng muốn ép con thành thiên tài toán học gì. Nhưng nếu có phương pháp phù hợp hoặc mách nước nào hay để con học toán tốt hơn thì em sẵn sàng thử. Vì em nghĩ, học toán mang lại nhiều lợi ích sau này cho con lắm.
Dưới đây là kỹ năng cần rèn từ mẫu giáo giúp học toán giỏi. Em thấy trên ICM họ phân tích cũng hay nên chia sẻ lại. Mẹ rèn sớm cho con từ mẫu giáo luôn thì sau này con sẽ học toán tốt lắm.
Ảnh mang tính minh họa: kknews
Kỹ năng giúp học toán giỏi chính là tính tự chủ. Để dễ hiểu thì đó là khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát hành vi của con. Vì trẻ nhỏ thiên về cảm xúc, nên khi muốn giải tỏa, diễn đạt, con thường hét lên, khóc to, ăn vạ. Nhiều bé mất bình tĩnh khi bị lấy mất đồ chơi, không được mẹ cho ăn kẹo.
Nhưng cũng có một số bé, từ nhỏ đã rất ổn định, con biết điều chỉnh cảm xúc rất tốt. Khi con buồn, con chỉ rơm rớm nước mắt, biểu hiện một cách từ từ, nhẹ nhàng chứ không làm ầm lên. Tạm gọi các bé này là kiểu trầm ổn, ôn hòa.
Không biết các mẹ thấy sao chứ em thì thấy những bé có tính cách trầm ổn, ôn hòa học toán rất tốt. Điều này có liên quan đến kỹ năng tự chủ được nhắc đến ở trên.
Tính tự chủ ảnh hưởng thành công khi học toán có nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Các nhà khoa học Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow (MSU) và Học viện Giáo dục Nga (RAE) đã chứng minh. Một đứa trẻ có khả năng điều chỉnh cảm xúc, hành vi càng tốt thì càng dễ trở thành học sinh xuất sắc.
Alexander Veraksa, thành viên của Học viện Giáo dục Nga, trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục và Sư phạm tại MSU đưa ra khẳng định. Trẻ em có khả năng tự điều chỉnh hành vi ở mức độ cao có khả năng học rất tốt. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ràng trong Toán học, cả trong việc đọc hay viết.
Điều đáng quan tâm là theo các nhà khoa học, cứ 3 trẻ vào lớp 1 thì có 1 trẻ thiếu hụt hoặc phát triển kém kỹ năng này. Vậy làm sao để rèn tính tự chủ cho con từ mẫu giáo? Trên trang Mầm nhỏ, em thấy họ có chia sẻ 7 cách giúp trẻ tự kiểm soát cảm xúc. Em để ngắn gọn tại đây dành cho các mẹ không có thời gian.
Ảnh mang tính minh họa: kknews
1. Đặt ra quy tắc
Phụ huynh nên có quy tắc như không được nói bậy, không mắng nhau, ẩu đả, không vứt đồ ăn. Nếu làm sai sẽ bị phạt thì trẻ tự nhiên sẽ có chừng mực về thái độ.
2. Dạy con gọi tên cảm xúc
Con nóng nảy, mất kiềm chế có thể do con bất lực, không nói ra được điều mình muốn. Thay vào đó con la hét, đập phá, ném đồ. Mẹ dạy con cách diễn đạt cảm xúc thì sau đó con sẽ dễ dàng nói ra, không cần hành động bộc phát nữa.
3. Kỹ năng giải quyết tình huống và kiềm chế tức giận
Ví dụ khi tức giận, hãy dạy con hít vào thở ra 5 lần rồi hãy nói ra điều mình khó chịu. Hay khi con gặp một bài toán khó và có xu hướng cáu gắt, bỏ cuộc thì có thể cho con giải lao, uống nước, ăn vặt. Con lên cơn giận mà không dập tắt ngay thì sẽ thành thói quen. Nhưng nếu hạn chế sự nóng giận, lâu dần con sẽ tự hình thành kỹ năng kiềm chế.
4. Dạy con về sự tích cực
Suy nghĩ tích cực cũng giúp tinh thần tốt hơn và cảm xúc thoải mái hơn. Điều này giúp giải phòng những suy nghĩ tiêu cực, nguyên nhân khiến trẻ dễ mất bình tĩnh.
5. Thống nhất hình thức kỷ luật
Chỉ cần con làm sai, có hành vi mất khống chế, la hét, ném đồ thì mẹ hãy phạt. Bất cứ khi nào con sai thì phải phạt ngay, dần dần con sẽ tự kiểm soát được hành vi của mình.
6. Khen thưởng khi con biết kiểm soát cảm xúc
Có phạt phải có khen, khi con rõ ràng có thể khóc to, la hét nhưng con chọn cách nói chuyện với mẹ thì nên khen con. Như vậy sẽ nâng cao ý thức kiểm soát cảm xúc ở con.
7. Cha mẹ làm gương
Trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người lớn. Nếu cha mẹ trong nhà cãi nhau, mất kiểm soát thì trẻ cũng sẽ làm y như vậy. Cha mẹ ôn hòa, tự nhiên sẽ dạy dỗ được đứa con tính cách trầm ổn.
Dù các mẹ không để ý lắm đến việc con học toán giỏi thì kỹ năng tự chủ, quản lý cảm xúc vẫn rất cần rèn luyện cho con. Tiến sĩ Matthew Rouse, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Tâm trí Trẻ em có nói về tính quan trọng của kỹ năng tự chủ. Theo tiến sĩ, một em bé gặp khó khăn trong việc tự làm dịu cảm xúc của mình có thể sẽ gặp nhiều rắc rối và khó khăn với sự tự điều chỉnh khi lớn lên.
Thông tin tham khảo ICM, Mầm nhỏ