Tưởng đâu tình hình dịch bệnh ổn rồi, ngờ đâu hồi cuối tháng trước bắt đầu nhen nhóm phát hiện các ca mắc bệnh mới ở tỉnh phía Bắc rồi sau lan dần ra ở miền Trung và ở miền Nam, nghe nói đợt này nguy hiểm và phức tạp hơn đó, nên mẹ đừng chủ quan nha.

Nhắc đến dịch bệnh tiếp tục hoành hành là em lại rầu, biết bao nhiêu người thất nghiệp, mất việc rồi đó. Cứ càng kéo dài tình hình này sẽ càng có nhiều người đói meo cho xem. Công ty không có khách thì lấy đâu ra việc làm rồi thuê nhân công và trả tiền cho họ.

Nay em nghe thêm tin này thấy khá là vui nên muốn chia sẻ với các mẹ đây. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Quyết định 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này, bao gồm: đơn vị tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.

Trong đó, đối với nhóm thứ nhất là đơn vị tuyến đầu, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có 6 loại đối tượng được hưởng, cụ thể:

#1. Lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung: Được hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đơn vị.

#2. Đoàn viên; người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch: Được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Người Lao Động. 

#3. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch: Được hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

#4. Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch: Được hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

#5. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Được hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân. 

#6. Các trường hợp đặc biệt khác sẽ do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương xem xét quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phòng chống dịch cũng như khả năng cân đối tài chính của địa phương và đơn vị nhưng không quá mức tối đa nêu trên.

Lưu ý:

- Đoàn viên, người lao động nếu thuộc nhiều đối tượng hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất theo quy định, trường hợp đã hưởng theo mức thấp sau chuyển thành đối tượng có mức hưởng cao hơn sẽ chỉ được hưởng mức chênh lệch của 2 mức được hỗ trợ.

- Các đối tượng nêu trên nếu là lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi thì được hưởng mức tối đa.

- Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần. Các đối tương F0, F1 đang được điều trị bệnh, bị cách ly, phong tỏa ở địa phương nào thì địa phương đó lập danh sách hỗ trợ chi tiền.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính Phủ và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị. 

- Công đoàn có trách nhiệm thông tin, phối hợp để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.

- Đặc biệt nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, nếu vi phạm tùy mức độ sẽ phải bồi thường và xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang là tỉnh có nhiều khu công nghiệp mà trong đó xuất hiện nhiều ca lây nhiễm là công nhân làm việc tại đó. Sự việc là bài học cảnh giác cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp và khu chế xuất tránh nguy cơ lây nhiễm chéo giữa những người lao động với nhau. Hôm qua lướt báo em cũng thấy tin TP.HCM bắt đầu yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp buộc người lao động làm việc tại đó phải khai báo y tế mỗi ngày.

Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để bớt đi lao động mất việc, thất nghiệp gây khó khăn cho bản thân họ và gia đình.