Trở thành F0 ai chẳng muốn mình được cách ly và điều trị tại nhà, bởi nó mang lại sự thoải mái dễ chịu, nhất là về vấn đề tâm lý đối với người bệnh. Tuy nhiên có một thực trạng đáng nói hiện nay là số F0 cách ly tại nhà thực hiện không nghiêm túc còn nhiều, dẫn đến lây nhiễm cho những người ở cùng. Lo lắng nhất vẫn là ở cùng với người già và trẻ nhỏ, dễ dẫn đến lây nhiễm chéo, số ca nhiễm tăng lên gấp bội. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến F0 và còn cả những người ở cùng.

Do đó, ngày 01/12/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5225/QĐ-BYT hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm COVID-19 và định hướng xử lý, cách ly, điều trị. Được biết, Quyết định này thay thế Quyết định 3646/QĐ-BYT ban hành ngày 31/7/2021.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân. 

Theo đó, hướng dẫn này phân loại F0 thành 4 nhóm nguy cơ gồm nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao (tương ứng với màu xanh, vàng, cam và đỏ) để có hướng xử lý và điều trị phù hợp. Cụ thể:

Nhóm 1: Nhóm nguy cơ thấp (màu xanh).

- Đối tượng gồm: Người từ 03 tháng tuổi trở lên đến dưới 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin, chưa có dấu hiệu bất thường về sức khỏe và SpO2 từ 97% trở lên.

- Nhóm này được cách ly và điều trị tại nhà khi có đủ điều kiện theo quy định.

- Trạm Y tế và nhân viên y tế cùng tình nguyện viên… sẽ theo dõi, quản lý F0 và phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn. Đồng thời sẽ hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi  sức khỏe liên tục để đánh giá nguy cơ. Đặc biệt là cung cấp túi thuốc gồm vitamin, thuốc kháng virus, nhu yếu phẩm…

Nhóm 2: Nhóm có nguy cơ trung bình (màu vàng).

- Đối tượng gồm: Người từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc người từ 03 tháng tuổi đến dưới 49 tuổi nhưng chưa tiêm đủ liều vắc-xin và có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, khó thở nhẹ, chỉ số SpO2 từ 97% trở lên.

- Nhóm này được cách ly và điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tại tầng 1. Nếu tầng 1 quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng.

- Nhóm này cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi thì nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn. Việc điều trị sẽ là dùng thuốc kháng virus và điều trị các triệu chứng hạ sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý…

Nhóm 3: Nhóm có nguy cơ cao (màu cam).

- Đối tượng gồm: Người từ 65 tuổi trở lên và đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đang mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc từ 50 đến 64 tuổi nhưng chưa phát hiện bệnh lý và chưa tiêm đủ liều vắc-xin, phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tất cả đều có SpO2 từ 94% đến 96%.

- Nhóm này được điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2).

- Nhóm này cần được theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu để chuyển lên tầng cao hơn. Việc điều trị tương tự với nhóm nguy cơ trung bình nhưng sẽ dự phòng thêm thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ oxy, dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp và theo dõi cùng với bệnh lý nền.

Nhóm 4: Nhóm có nguy cơ rất cao (màu đỏ).

- Đối tượng gồm: Người từ 65 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc có bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin, có tình trạng cấp cứu (như rối loạn ý thức, khó thở, thở nhanh, SpO2 dưới 94%, nhịp tim nhanh trên 120 nhịp/phút, huyết áp tụt và bất kỳ dấu hiệu bất thường khác).

- Nhóm này được điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2 và tầng 3), Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19, căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và số giường bệnh.

- Việc điều trị đối với nhóm này khác đặc biệt, tập trung hỗ trợ thở gồm thở oxy, thở HFNC, thở máy, ECMO, hỗ trợ các cơ quan chức năng như chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch… Đồng thời điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng. Bên cạnh đó phải theo dõi kết hợp với bệnh lý nền, chuyển tầng điều trị thấp hơn khi đáp ứng điều trị.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Sức khỏe Đời sống. 

Cũng tại hướng dẫn này còn một số lưu ý cho bà con như sau:

Thứ nhất, nhóm 20 bệnh nền có nguy cơ cao gồm:

#1. Đái tháo đường.

#2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác.

#3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

#4. Bệnh thận mạn tính.

#5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

#6. Béo phì, thừa cân.

#7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

#8. Bệnh lý mạch máu não.

#9. Hội chứng Down.

#10. HIV/AIDS.

#11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ.

#12. Bệnh hồng cầu hình liềm.

#13. Bệnh hen suyễn.

#14. Tăng huyết áp.

#15. Thiếu hụt miễn dịch.

#16. Bệnh gan.

#17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

#18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

#19. Các loại bệnh hệ thống.

#20. Các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.

Thứ hai, khi điều trị F0 cần tuân thủ 7 nguyên tắc, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là các nguyên tắc sau đây:

- Ưu tiên theo dõi, chăm sóc các ca nhiễm không triệu chứng, các ca bệnh nhẹ tại nhà khi đủ điều kiện. Tập trung điều trị tốt ở tầng 1 và 2 cho người bệnh để tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên.

- Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất 2 tầng điều trị, đảm bảo tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị.

- Đánh giá sớm nguy cơ và cập nhật tình trạng bệnh để chủ động xử lý các tình huống tiên lượng nặng.

- Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, nước uống, và tinh thần thoải mái. Đồng thời cần được quan tâm kịp thời để được cấp phát thuốc và có can thiệp sớm để điều trị hiệu quả, giảm ca mất.

- Cộng đồng và y tế cơ sở cùng các bệnh viện cần đánh giá đúng và phân loại nguy cơ rồi dựa trên biểu hiện lâm sàng và tính sẵn có của cơ sở vật chất y tế để điều chuyển người bệnh vào loại giường phù hợp thực tế.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng và báo Tin tức. 

Trước đó Bộ Y tế có hướng dẫn về phân loại các tiêu chí đánh giá và hướng xử lý phù hợp, tuy nhiên hướng dẫn này hiện không phù hợp và thiếu tính nhất quán giữa các địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch. Do vậy, việc chỉnh sửa lại hướng dẫn, phân loại, đánh giá và xử lý này được ban hành là cần thiết và để thống nhất trên toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn cho các F0 và người xung quanh.

Tình hình này chẳng ai muốn mình trở thành F0 cả, do đó bà con cần chung tay bằng cách tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng dịch 5K của Bộ Y tế gồm đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc, không tụ tập đông người, thường xuyên khử khuẩn tay và khai báo y tế. Nếu lỡ nhiễm bệnh thì cũng cần bình tĩnh hiểu rõ mình thuộc nhóm nào để có cách ứng phó phù hợp nha.