Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết lúc nhập viện, tay của bé gái bị tím tái có nguy cơ đoạn chi, ngay lập tức bệnh nhi được đưa ngay vào phòng mổ tái thông cấp cứu
Làm mẹ rồi mới thấy bản thân lúc nào cũng luôn muốn tranh thủ để có thời gian vừa làm việc, vừa chăm con, thế nhưng cũng vì điều này mà xảy ra nhiều vụ trẻ bị té ngã do một phút lơ là của mẹ. Như sáng nay em đọc trên fanpage Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin một bé gái 40 ngày tuổi bị gãy xương cánh tay, dập động mạch vì mẹ giăng võng vào chiếc máy may làm chiếc máy ngã đè lên cánh tay mà thấy không kìm lòng được các mẹ ạ. Phần vì thương con còn quá nhỏ, phần vì thương người mẹ dù không cố ý nhưng vẫn bị nhiều người trách vì sai lầm quá nghiêm trọng. Tuy nhiên ai đã từng làm mẹ rồi mới hiểu trong hoàn cảnh này, đứa con đau một thì mẹ đau gấp trăm lần, xin đừng trách người mẹ nữa.
Trên fanpage, bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết lúc nhập viện, tay của bé gái bị tím tái có nguy cơ đoạn chi, ngay lập tức bệnh nhi được đưa ngay vào phòng mổ tái thông cấp cứu. Tuy nhiên do vết dập quá phức tạp, dễ đông máu khiến tắc mạch, con phải mổ tái thông thêm 2 lần, cho kháng đông thì vết thương chảy m.áu nhiều, phải truyền m.áu liên tục. Song vết thương lại quá căng chèn ép khoang phải tiếp tục mổ xẻ cẳng tay.
Nguồn hình: FB Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Cả tháng nay bệnh nhi phải nằm viện để điều trị, hiện nay tình trạng vết thương đã tạm ổn được khâu hồi sức và chuyển khoa ngoại tổng hợp điều trị tiếp.
Thật may mắn là các bác sĩ của Bệnh viện Nhi thành phố đã tạm cứu được cái tay bé bỏng của con, cử động cũng tạm được, phải tập vật lý trị liệu liên tục tránh nguy cơ cứng khớp.
Phía Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: “Hành trình dài căng não, phải hội chẩn rốt ráo rất nhiều liên chuyên khoa. Đã có lúc do dự sợ phải đoạn chi để giải quyết các vấn đề nan giải, nhưng rồi vẫn quyết tâm xâm lấn tối thiểu để giữ bằng được chiếc tay ấy. Cố lên, con nhé”.
Còn đây là hình ảnh của bé gái được bác sĩ Nguyễn Dương Phi cập nhật cho biết tính đến ngày hôm qua, tay con đã tự cử động khá, tự đưa tay qua đầu. Thông tin này như điều kỳ diệu đối với gia đình con và cả những người đang theo dõi tình trạng vết thương của bé gái.
Tất nhiên ai nhìn hình ảnh cánh tay đầy vết bầm dập của bé gái đều không khỏi đau lòng, ngay cả những người không biết bé gái này là ai. Nhiều người có lẽ vì xót quá nên đã vô tình buông lời trách người mẹ “Nghĩ sao mà lại đi cột dây võng của con vào chiếc máy may” hoặc “Làm mẹ rồi mà sao lại ẩu quá vậy?”…
Ảnh mang tính minh họa
Thế nhưng có lẽ với những ai cũng đang làm mẹ và chăm con nhỏ, có lẽ họ sẽ dành những lời động viện nhiều hơn sự trách cứ lúc này dành cho người mẹ của bé gái trên, bởi chẳng phải con đau 1 thì trái tim người mẹ sẽ đau gấp 10, gấp 100 lần hay sao??? Nếu không ở tronng hoàn cảnh của người khác, đừng vội buông lời phán xét hay định tội. Cũng là những người mẹ với nhau, sự ủi an đâu quá khó phải không, các mẹ? Hơn nữa, giờ đây gia đình và mẹ bé cũng đã cố chạy chữa cho con, điều tốt đẹp nhất bây giờ là cầu mong cho bé phục hồi tốt nhất.
Bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng chia sẻ, đây là cú sốc đầu đời quá lớn cho trẻ, là chuyện đáng tiếc không mong muốn xảy ra. Ê-kíp điều trị mong người mẹ vững tinh thần để tiếp tục hành trình phục hồi chức năng cánh tay cho con.
Trên thực tế, nằm võng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng trong trường hợp cần thiết, cha mẹ vẫn có thể cho bé nằm võng nếu tuân thủ những điều kiện sau:
- Chỉ cho bé nằm võng trong những giấc ngủ ngắn vào ban ngày, không cho trẻ nằm võng trong suốt cả đêm;
- Lót chiếu nhỏ hoặc cho trẻ nằm chéo so với chiều của võng để nâng đỡ vùng lưng của bé, không làm cột sống của bé bị cong theo chiều cong của võng;
- Không cho trẻ ngủ võng quá sớm khi chưa được 3 tháng tuổi;
- Chọn loại vải võng thoáng mát, dễ tháo và dễ giặt, không treo phụ kiện như tua rua, chuông kim loại,... lên võng vì có thể khiến trẻ với tay gây té ngã hoặc ngậm vào miệng gây khó thở;
- Nên có dụng cụ chắn võng ngang để tránh trẻ bị lật võng hoặc té ngã trong khi ngủ;
- Đảm bảo võng được treo ở nơi chắc chắn, cân bằng; thường xuyên kiểm tra dây buộc võng;
- Không đu đưa võng quá lâu và quá mạnh để tránh gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh của bé.
Hy vọng đây cũng là bài học để các bà mẹ rút kinh nghiệm hơn khi cho con nằm võng, tránh để những sự việc đáng tiếc xảy ra như câu chuyện trên.