Ngay cả việc dùng nước sạch nhưng không đun sôi để pha sữa là đã  sai rồi, đây lại là nước sông, đến người lớn cũng chịu không nổi chứ huống hồ gì là con nít 3 tháng tuổi.

Nuôi con rồi mới thấy chỉ cần con khôn lớn, khỏe mạnh thì bao nhiêu vất vả, cố gắng của mình cũng đều cảm thấy xứng đáng các mẹ nhỉ. Như em đây dù kinh tế cũng không khá giả là mấy nhưng những máy móc liên quan đến vệ sinh hay tiệt trùng bình sữa, em đều phải lên danh sách mua đầu tiên. Gì chứ chuyện ăn uống của con là phải luôn đảm bảo tốt nhất vì chỉ cần chút sai sót thôi sẽ dẫn đều nhiều hậu quả đáng tiếc. Như sáng nay em đọc trên báo Tuổi Trẻ thông tin về trường hợp bé gái 3 tháng tuổi bị xuất huyết đường tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, nhiễm giun... do gia đình có thói quen dùng nước sông lắng phèn, không đun sôi để pha sữa cho con bú mà thấy vừa xót cho con, vừa thấy đáng trách những người cha, người mẹ đã quá cẩu thả trong việc chăm sóc trẻ nhỏ quá các mẹ ạ.

Ít nhiều gì làm cha mẹ chúng ta cũng phải nắm vững kiến thức căn bản về nguyên tắc pha sữa vì 6 tháng đầu đời, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào sữa để phát triển. Vậy mà trong thời đại phát triển như hiện nay, vẫn còn đâu đó những gia đình quá lạc hậu trong cách chăm sóc con cái.

Theo như thông tin em đọc thì trước khi bé gái D.T.N.T. (3 tháng tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM), con đã được bố mẹ đưa đi khám bác sĩ tư và được chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng. Mặc dù đã được điều trị 8 ngày, hết sốt nhưng vẫn còn đi cầu phân đen, lỏng 3-4 lần/ngày.

Nhận thấy da và môi con ngày càng tái nhợt, gia đình đã đưa bé T. đến bệnh viện huyện, sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh và được bác sĩ chẩn đoán bị viêm ruột nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa và phải điều trị thêm 7 ngày với kháng sinh, truyền hồng cầu lắng.

hình ảnh

Hình ảnh giun trong nội soi. Nguồn hình: VTV

Thấy tình hình không thuyên giảm nên bé T. đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng sốc mạch nhanh 168 lần/phút, nhẹ, chi mát, huyết áp khó đo, tim đều, phổi trong, bụng mềm chướng, da xanh tái, niêm nhợt nhạt, chỉ số các tế bào hồng cầu trong máu chỉ còn 14% (bình thường ở tuổi này là 28-32%).

hình ảnh

Bé gái 3 tháng tuổi được điều trị tại bệnh viện. Nguồn hình: Tuổi Trẻ

Trên Tuổi trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết bé gái D.T.N.T. (3 tháng tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) bị xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, nhiễm giun... nghi do bú sữa pha bằng nước sông lắng phèn, không đun sôi.

Rất may sau hơn một tuần điều trị bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, chế phẩm máu, kháng sinh, xổ giun... bé T. đã tỉnh táo, hồng hào, hết xuất huyết tiêu hóa, cai máy thở, bú khá.

Thực sự bản thân là một người mẹ, khi đọc đến đoạn gia đình cho con uống sữa bằng nước sông lắng phèn mà còn không đun sôi, em nghĩ bất kỳ ai đang có con nhỏ cũng có cảm giác xót xa.

Khi bắt đầu lên chức cha mẹ, điều tối thiểu mà ai cũng phải nắm bắt được chính là cách pha sữa cho con uống, vậy mà không hiểu, cha mẹ của bé T. đã trang bị cho mình kiến thức gì trước khi quyết định có con.

Ngay cả việc dùng nước sạch nhưng không đun sôi để pha sữa là đã không được rồi, đây lại là nước sông không đun sôi đem về pha sữa cho con, đến người lớn cũng chịu không nổi chứ huống hồ gì là con nít, thật không hiểu nổi những người làm cha, làm mẹ này.

Trên thực tế, việc pha sữa sai cách cho con bú sai cách sẽ dẫn đến việc mất chất dinh dưỡng trong sữa, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Có 3 sai lầm mà nhiều mẹ bỉm sữa thường xuyên phạm phải khi cho con uống sữa công thức như:

Pha sữa với nước quá nóng hoặc quá nguội là sai lầm

Nếu mẹ pha sữa với nhiệt độ đun sôi lên đến 100 độ C thì một số dưỡng chất có trong sữa như lysin, acid folic, các vitamin nhóm B dễ bị hư hỏng, biến chất, mất tác dụng do tác dụng của nhiệt độ cao không còn tốt cho sức khỏe.

Ngược lại nếu mẹ dùng nước nguội pha sữa cho con như trong trường hợp bé gái 3 tháng tuổi ở bài viết trên thì dễ làm sữa bị vón cục, các dưỡng chất vì thế cũng mất đi khiến trẻ không được hấp thu. Theo các bác sĩ dinh dưỡng cho biết, nhiệt độ tốt nhất để pha sữa cho trẻ là nước ấm 40-60 độ C.

Pha sữa quá đặc hơn so với quy định

Tâm lý người mẹ lúc nào cũng muốn tranh thủ bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho con nên việc bổ sung sữa nhiều hơn so với nhà sản xuất. Tuy nhiên đây chính là sai lầm nghiêm trọng bởi nếu sữa quá đặc, bé sẽ bị thiếu nước, hoặc sinh ra táo bón, chán ăn, bỏ ăn, tình trạng này kéo dài có thể khiến con có nguy cơ bị xuất huyết ruột cấp tính nữa đấy, rất nguy hiểm.

Pha sữa công thức với nước ép trái cây

Nhiều bà mẹ đã nghĩ ra cách pha hỗn hợp nước ép trái cây kết hợp cùng sữa công thức để con thích uống sữa hơn. Nhưng đây là một điều sai lầm bơi thành phần vitamin trong nước ép trái cây sẽ phá hủy thành phần protein trong sữa, sữa dễ có hiện tượng bị kết tủa, đồng thời khiến trẻ khó hấp thu, khó tiêu hóa hơn.

Hy vọng đây sẽ là bài học để các mẹ cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc con cái.