“Mẹ ra đi theo gió và nắng. Mỗi khi con thấy ánh nắng và cảm nhận làn gió mát, hãy nghĩ rằng đó là mẹ. Mẹ luôn ở cạnh con”.
Cha mẹ trên đời này, không một ai muốn mình trở thành gánh nặng của con cái. Chưa bao giờ cha mẹ muốn con cái tốn hao, không ăn của con mà còn cho lại con nhiều nữa là đằng khác. Nhưng đâu phải đứa con nào cũng hiểu được tấm lòng cha mẹ. Đôi khi xem cha mẹ già là phiền phức, là gánh nặng.
Nếu vẫn còn có những người con xem cha mẹ là gánh nặng, là oan gia nợ báo thì hãy đọc câu chuyện của gia đình này. Để hiểu rằng người mẹ đã thương đã nghĩ cho con mình như thế nào. Cho đến phút cuối đời, bà thà chọn chấm dứt sớm còn hơn để mình bệnh tật dai dẳng, tốn hao cho con gái. Sao mà mẹ nghĩ quẩn quá mẹ ơi, con gái ở lại biết phải làm sao.
Mẹ hóa thành mây gió rồi, nhưng sẽ mãi ở cạnh con
Thuở nhỏ, cứ mỗi lần con bệnh, mẹ túc trực bên giường, cha thì lo lắng không yên. Dù cho con bệnh nặng đến đâu, chữa trị tốn kém thế nào, dù cho bán hết nhà cửa đi, cha mẹ vẫn chấp nhận miễn con được bình an. Chưa bao giờ cha mẹ nghĩ con cái là gánh nặng của mình.
Nhưng chính cha mẹ lại sợ mình trở thành gánh nặng cho con cái. Bệnh tật không dám than nửa lời, cứ cố chịu đựng ngày này qua tháng khác. Chỉ vì sợ đi khám lại tốn tiền của con. Rồi khám ra bệnh, có phải làm khổ con mình hay không. Cũng chính vì những suy nghĩ thương con đến tận hơi tàn đó mà một người mẹ đã chọn cách ra đi sớm khi hay tin mình bệnh nặng.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sina
Em xem trên trang nước ngoài, có Anh M.T, một người chuyên xử lý các di vật người đã khuất đã kể lại câu chuyện chính anh chứng kiến. Câu chuyện rất xúc động nhưng gây ám ảnh. Một người mẹ già vì thấy mình bệnh tật đã quyết định phi người khỏi tòa nhà. Bà sợ trở thành gánh nặng cho con gái nên đã đi trước một bước.
Khi chia sẻ câu chuyện này, anh M.T. đã phải mất mấy ngày để lấy lại tâm trạng bình thường. Khi đó anh nhận được cuộc gọi nhờ đến thu nhặt đồ còn lại của một cụ bà vừa qua đời. Là bà tự chọn ra đi chứ không phải bị bệnh mất.
Bà có 3 người con gái, nương tựa vào nhau mà sống. Hiện 2 con gái đã có gia đình, con cháu sum vầy, hạnh phúc viên mãn. Một người con còn lại cũng chuẩn bị đám cưới, nhưng lúc phát hiện bệnh tình của mẹ rất nặng, con gái quyết tạm hoãn đám cưới.
Một người con của cụ nghẹn ngào nói họ sớm biết mẹ phải ra đi, vì bệnh quá nặng. Nhưng chẳng ai mong điều đó đến sớm như vậy. Ai cũng không ngại chuyện mẹ bệnh, chị gái còn hoãn đám cưới để chăm sóc mẹ. Họ không thể hiểu vì sao người mẹ lại chọn con đường cụt này.
Chỉ có thể có một lý do, người mẹ quá yêu thương các con của mình. Bà sợ bệnh tật của mình liên lụy, làm gánh nặng cho các con. Bà mặc cảm vì mình mà con gái phải hoãn đám cưới. Cảm thấy tội lỗi khi khiến con không thể đi lấy chồng.
Việc ra đi của người mẹ đã khiến những đứa con gái vô cùng đau lòng. Nhưng khi nhận lấy di vật của mẹ, họ càng đau khổ hơn. Trước khi mẹ ra đi mãi mãi, trong những giờ phút bệnh tật cuối đời, mẹ vẫn chưa nguôi nỗi lo cho con.
Cô con gái được trao lại một túi của hồi môn mẹ đã chuẩn bị sẵn. Rất tiếc, mẹ đã không chờ được đến ngày nhìn đứa con của mình thành gia lập thất. Trong đó còn có một tấm ảnh cũ có vết ố vàng. Kèm theo là những dòng thư tuyệt mệnh của người mẹ.
“Mẹ không làm được gì lớn lao, chỉ là mẹ yêu thương các con rất nhiều. Tất cả những gì tốt nhất mẹ có thể để lại cho các con là tình yêu của mẹ. Mẹ sẽ ra đi theo gió và nắng. Khi các con nhìn thấy ánh nắng và cảm nhận làn gió mát, hãy biết đó là mẹ của các con. Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh các con”.
Đây là câu cuối cùng trong bức thư, khi đọc đến đây ai cũng rơi nước mắt. Cả ba người con gái đều khóc ngất và cần người đến dìu họ. Sau khi họ rời khỏi nơi bà cụ sống, đón họ là nắng và gió mát. Cảm giác như người mẹ đang đến ôm họ, xoa dịu nỗi lòng mất mát khi không còn mẹ của các con.
Cha mẹ hãy cho con cái cơ hội tận hiếu
Tình yêu cha mẹ là thế đó, yêu thương con cái, lo cho con đến phút cuối cuộc đời, cho đi không cần điều kiện. Chỉ tiếc thương cho bà cụ kia, cứ tự trách mình là gánh nặng con cái, đưa ra quyết định khiến người ở lại phải day dứt cả đời. Rồi đây các con của cụ sẽ mãi ám ảnh vì sự ra đi của mẹ.
Thà rằng mẹ vẫn ở lại, các con sẽ cố gắng chăm sóc, có gắng chữa trị cho mẹ hết sức có thể. Dù sau đó mẹ không thể chống chọi nữa, mẹ mãi ra đi thì họ cũng không quá day dứt. Đằng này mẹ vẫn còn thời gian, vẫn đang sống sờ sờ ra đó, lại chọn cách ra đi từ nhà cao tầng.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: wasabien
Khung cảnh ấy có lẽ theo trong tâm trí của các con đến hết cuộc đời này. Giá như mẹ đừng đi vội, ở lại với các con. Giá như mẹ có thể trăn trối vài lời, cho các con thêm thời gian để chuẩn bị tâm lý, có lẽ họ sẽ dễ chấp nhận hơn. Mẹ đi theo nắng và gió, để các con ở lại với sự cạn khô lạnh lẽo.
Chắc người mẹ lúc đó bị bệnh tật quấn thân, lại thấy con gái vì mình mà hoãn đám cưới nên tự trách, tự tìm lối thoát cho mình và con. Nhưng người mẹ ấy đâu biết rằng, còn mẹ ở bên ngày nào, con cái còn hạnh phúc ngày đó. Được chăm sóc mẹ thêm ngày nào, con sẽ thấy ấm lòng ngày đó.
Mà ba cô con gái của cụ bà đâu phải là những người con bất hiếu. Đúng là nghịch lý ở đời, người mong con cái hiếu thảo thì gặp phải đứa bất hiếu. Con cái hiếu thuận, muốn được chăm sóc mẹ lúc ốm đau, bệnh tật thì mẹ lại không cho các con cơ hội.
Với những đứa con, điều đau khổ nhất là tốc độ thành công không theo kịp với tuổi già của cha mẹ. Lúc cha mẹ còn thì chẳng có gì trong tay, nhiều lúc muốn mua cho cha mẹ đồ ngon, đồ bổ cũng không có khả năng. Lúc cha mẹ bệnh tật thì tay trắng, đến tiền viện phí cũng phải chạy nợ ngược xuôi mà không có.
Nhưng đau khổ nhất là gì, là khi trong tay có tiền rồi, có thể ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng mà cha mẹ không còn. Mỗi lần có món ngon, chỉ có thể ăn trong nước mắt, nhớ đến cảnh cha mẹ chưa kịp ăn bữa ngon nào đã tạ thế. Ngồi trong căn nhà lớn, lại nhớ về lúc còn sống, cha mẹ đi ra đi vào trong căn nhà dột mưa. Những lúc đó cứ ước phải chi cha mẹ còn trên đời, để con cái được trả hiếu.
Trên đời này, không chỉ có cha mẹ thương con cái, mà con cái cũng thương cha mẹ rất nhiều. Biết bao người con chịu cực chịu khổ, chỉ mong mang tiền về sửa cho mẹ mái nhà bị dột, trị cho hết căn bệnh đau chân, sưng khớp của cha. Chỉ mong, cha mẹ cố gắng mạnh khỏe, cho đến khi con cái thành công, để cho con có cơ hội đền đáp ơn sinh thành.
Chứ cha mẹ đừng vội ra đi quá sớm, để lại con cái trên cõi đời này. Chịu đựng nỗi khổ chưa kịp tận hiếu, chưa kịp làm gì cho cha mẹ. Điều đó sẽ trở thành nỗi day dứt theo con đến hết đời.
Báo hiếu đơn giản lắm, con không có lòng mới nghĩ là gánh nặng
Riêng với những người con, nếu vẫn chưa có suy nghĩ sau này sẽ cố gắng báo hiếu cho cha mẹ thì tỉnh táo lại ngay đi. Người mà con cái nợ nhiều nhất không phải là chủ nợ, mà là cha mẹ. Họ đã cho đi mà không cần nhận lại, không cần hồi đáp.
Nợ tiền thì có ngày trả, trả hết thì thôi, chứ nợ tình, nợ công ơn của cha mẹ thì mãi mãi chẳng bao giờ trả đủ. Nhưng không phải vì trả không bao giờ hết mà nghĩ đến chuyện “quỵt”. Càng là công ơn của cha mẹ, con cái càng phải nhớ mà trả, trả bằng cách báo hiếu.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sina
Nghe đến báo hiếu, nhiều người lại nghĩ nó nặng nề, lớn lao quá. Chắc phải đợi đến khi thật thành công, có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng mới rước cha mẹ về báo hiếu được. Nếu nghĩ như vậy thì có khi cả đời vẫn không báo hiếu cha mẹ được. Vì bản thân làm sao biết khi nào mình giàu, trong khi cha mẹ thì già đi từng ngày.
Có phải lòng hiếu thảo có nghĩa là phải cho cha mẹ ăn ngon, mặc đẹp, nhà rộng, xe sang? Đạo hiếu khó đến vậy sao? Thực tế, cha mẹ đâu cần con cái báo đáp những thứ bên ngoài. Cái cha mẹ cần là sự quan tâm của con, một ánh mắt, một lời hỏi han và một món quà nhỏ thôi cũng đã khiến họ hạnh phúc rồi.
Nếu chưa biết nên làm gì để trả hiếu cha mẹ, có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:
1. Nhớ ngày sinh nhật của cha mẹ bạn, gửi quà sinh nhật hoặc lời chúc mừng, kèm theo câu “con nhớ cha mẹ”. Nếu được, hãy về nhà cùng thổi nến với cha mẹ.
2. Về nhà thường xuyên để nắm tình hình của cha mẹ. Nếu không về được, gọi điện thoại ít nhất 2 lần/tuần.
3. Nếu được, hãy đưa cha mẹ đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, hoặc 2 năm một lần.
4. Chụp ảnh cùng cha mẹ thường xuyên, những bức ảnh nên hội tụ đủ mặt con cháu nhất có thể.
5. Nghiêm túc nghe điện thoại, tin nhắn của cha mẹ, đừng tỏ ra cáu kỉnh khi cha mẹ nói quá dài.
6. Đưa cha mẹ đi du lịch.
7. Trò chuyện với cha mẹ thường xuyên, kể cha mẹ nghe về công việc cho cha mẹ yên tâm.
8. Nhắc nhở cha mẹ luôn ăn thức ăn nóng, mới. Nếu được, về nhà nấu cho cha mẹ bữa cơm ngon hoặc ăn cơm cùng cha mẹ.
9. Gửi cho cha mẹ đồ giữ ấm nếu trời trở lạnh.
10. Tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe người già, xoa bóp, đấm lưng cho cha mẹ.
11. Đưa người yêu về nhà ra mắt cho cha mẹ yên tâm.
12. Nếu có thể, thường xuyên gửi về những khoản tiền nhỏ cho cha mẹ hoặc lập một quỹ tiết kiệm tuổi già để dành riêng cho cha mẹ.
13. Quay clip cùng cha mẹ để ghi lại những khoảnh khắc quý giá.
14. Khi cha mẹ ốm đau, phải nhớ gia đình là thứ nhất, công việc là thứ hai. Trong lúc cha mẹ ốm đau phải ở bên chăm sóc. Đừng vì công việc mà bỏ bê cha mẹ.
15. Những dịp quan trọng như lễ, tết, hãy cố gắng ở bên cạnh cha mẹ.
16. Lắng nghe cha mẹ khuyên răn, có chửi mắng cũng phải nghe, đừng cáu giận.
17. Đừng chỉ tay vào cha mẹ, đừng làm trái ý cha mẹ, đừng xúc phạm cha mẹ.
18. Tránh cãi nhau với vợ/chồng trước mặt cha mẹ.
19. Dặn dò vợ/chồng, con cái cũng phải biết tôn trọng cha mẹ mình.
20. Mua bảo hiểm cho cha mẹ (nếu có điều kiện).
21. Lắng nghe và giúp cha mẹ những ước mơ chưa hoàn thành.
22. Cùng cha mẹ đi dạo, trò chuyện, tập thể dục.
23. Đưa cha mẹ đi trải nghiệm những thứ đổi mới như rạp phim, karaoke…
24. Tôn trọng quyết định của cha mẹ.
Báo hiếu cha mẹ thật ra rất đơn giản, chỉ cần làm những điều thiết thực nhất cho cha mẹ là được. Chỉ có những người con vô ơn mới viện cớ bản thân không đủ sức báo hiếu. Có lòng thì sẽ tìm cách đền đáp công ơn cha mẹ. Không có lòng thì xem cha mẹ là gánh nặng, báo hiếu là nợ đời.