Người mẹ hối hận khôn nguôi sau sự việc, trách mình hời hợt khiến con bị ngã nứt hộp sọ.
Hôm trước, mẹ em mới la chị gái vì cái tật cứ hay bế con bằng một tay, nách ngang eo nhìn thôi đã thấy sợ. Mẹ em nói bế kiểu đó, lỡ thằng nhỏ oặt người, ngã bật ngửa về sau, đỡ không kịp thì cụp sống lưng, trật cổ chứ chẳng đùa. Thế mà chị em cứ kiểu gan lì ra, bảo cháu cứng cáp rồi, chả sao.
Em thì thấy mẹ nói cũng đúng lắm, con chưa đến 1 tuổi, đã nách ngang một tay, tay còn lại cứ cầm cái này, xách cái kia, lỡ xảy ra chuyện sao đỡ con kịp. Để bà chị tỉnh ra, biết cẩn thận hơn, em lên mạng tìm kiếm mấy trường hợp con té ngã vì bế sai cách.
Không ngờ có thật các mẹ ạ, có trường hợp con bị ngã do mẹ bế một tay khiến con va đầu xuống nền nhà. Đến lúc cấp cứu, bác sĩ bảo bé bị nứt hộp sọ luôn, chị em xem xong giờ biết sợ rồi, bế con hai tay đàng hoàng. Các mẹ xem để chú ý hơn, hoặc thấy ai bế con mà ẩu ẩu là mình nhắc ngay.
2 mẹ con trong bệnh viện. Ảnh: MommyMannegren
Liz Mannegren là một bà mẹ, nhà văn 30 tuổi sống ở Vancouver, Canada. Chị đã từng trải qua 4 lần sảy thai và cuối cùng là mất một đứa con trong cặp đôi song sinh do đẻ non. Theo lời kể của người mẹ này thì chỉ một chút bất cẩn, chị đã khiến con gặp tai nạn ngay trước mắt mình. Còn nỗi đau nào hơn khi chứng kiến tai nạn ập xuống đứa con nhỏ bé mới chỉ 1 tuổi mà không thể làm được gì nữa để cứu vãn tình hình.
“Tôi thấy mình là một người mẹ tồi tệ nhất trên đời”, người mẹ đã tự trách sau sự việc con bị ngã do mẹ bế không cẩn thận. Đây là bài đăng chia sẻ trên mạng của chị, hy vọng với câu chuyện của chính mình, sẽ không có người mẹ nào như chị, khiến con chịu tổn thương.
Ảnh: MommyMannegren
“Hôm nay đánh dấu một ngày kỷ niệm thật đau buồn khi nhớ lại. Khi con 1 tuổi, mẹ đã đánh rơi con của mẹ và khiến con bị nứt xương sọ. Đó là một ngày như bao ngày khác, mẹ bế con trai mẹ đến nhà bếp giống như đã làm 1000 lần trước đó, quá bình thường.
Và nó xảy ra, với một tốc độ quá nhanh, con trai bỗng nhào lộn, bật ngửa ra khỏi vòng tay mẹ và nằm trên sàn. Chỉ vài giây, ngày bình thường biến thành ác mộng. Vội đưa con đi cấp cứu, con chỉ còn thút thít rất yếu trên tay, nước mắt mẹ rơi không ngừng. Cô y tá cố trấn an mẹ rằng ở đây cũng thường gặp những trường hợp như vậy.
Cảm giác tội lỗi tràn ngập trong mẹ. Tệ hơn nữa, khi các bác sĩ gọi đi chụp X-quang, họ phát hiện ra con bị nứt hộp sọ, điều lo sợ nhất cũng đã đến rồi. Mẹ giận bản thân vì đã để chuyện này xảy ra, giận vì lúc đó mẹ không chụp con lại kịp.
Con còn quá nhỏ, vậy mà mẹ không thể bảo vệ được con, giữ con khỏi tổn hại. Mẹ là người mẹ tồi tệ nhất thế giới này. Làm mẹ luôn sẽ gặp những khó khăn. Mẹ chỉ mong mọi người mẹ đều cố bảo vệ con mình hết sức có thể.
Sẽ có những ngày mẹ hụt hẫng, suy sụp, những ngày mà nụ hôn của mẹ không đủ mạnh để xoa dịu nỗi đau của con. Nhưng mẹ tin những ngày tháng khốn khổ này là lời nhắc để mẹ luôn tỉnh táo, không để tai nạn xảy ra lần nữa”.
Gia đình hạnh phúc trở lại sau tai nạn, thật mừng vì con đã vượt qua. Ảnh: MommyMannegren
Thật may là sau đó, bé trai cuối cùng đã thoát khỏi nguy hiểm và lớn lên khỏe mạnh với bố mẹ. Nếu thật sự đứa con duy nhất này có chuyện gì, chắc người mẹ sẽ không thể sống nổi.
Chuyện con té ngã từ trên giường, va đầu vào cạnh bàn, thậm chí là con bị ngã trong lúc mẹ bế cũng không phải hiếm. Thường nhiều người sẽ chọn cách che giấu vì sợ bị nói là mẹ hư, mẹ tồi.
Nhưng với Liz Mannegren, chị đã dám đối diện với sai lầm của mình, sẵn sàng chia sẻ để những người mẹ khác chú ý hơn khi chăm con nhỏ. Nhiều người mẹ khi xem bài đăng động viên của chị đã cảm thấy được an ủi vì thấy mình không cô đơn, vơi đi phần nào cảm giác tội lỗi.
Làm mẹ là một việc vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc. Tai nạn luôn có thể xảy ra với con nhỏ nên các mẹ phải luôn cẩn thận hết mức có thể. Hoặc nếu chẳng may trải qua những điều tồi tệ, các mẹ cũng hãy cố gắng vượt qua, bù đắp cho con bằng những điều tốt nhất có thể.