Bà con bây giờ thấy cái gì kiếm tiền dễ quá cũng nên xem lại và cảnh giác nha, kẻ gian thường lợi dụng lòng tham của mình để gạt mất tiền lắm. Nhiều nạn nhân sập bẫy, đến lúc nhận ra thì cũng đã muộn màng rồi.
Theo bài đăng trên báo Công an TP.HCM em đọc được vừa qua, chị L.A. và chị T.H. cùng ngụ tại tỉnh Gia Lai đã báo với cơ quan chức năng rằng mình bị gạt mất hơn 2 tỷ đồng.
Nghe họ kể ra em thấy chiêu trò cũng không phải là mới, thực ra nó là một hình thức biến tướng của thủ đoạn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online... rồi chuyển các ứng dụng OTT từ Zalo, Messenger sang các ứng dụng khác như Telegram, Lark... nhưng nạn nhân không nhận ra được nên mãi đến khi sập bẫy mất tiền mới biết.
Trước đó, các nạn nhân lướt mạng xã hội thấy có bài đăng tuyển cộng tác viên làm việc online. Công việc đơn giản lắm ạ, là chỉ cần thả tim và tương tác bài đăng của các diễn viên nổi tiếng trên Tiktok bằng việc chia sẻ, bình luận... là có thể kiếm được 10.000 đồng/bài và mỗi ngày tối đa chỉ được nhận 300.000 đồng.
Tất nhiên, với thời buổi công nghệ hiện đại như bây giờ, công việc này quá dễ, đâu phải tốn tiền xăng di chuyển lại phải đội mưa gió, nắng nôi vẫn kiếm được tiền ngon ơ. Thế nên, nhiều nạn nhân tưởng thật đã đăng ký nhận làm, nhưng không ngờ đấy là hình thức chiêu dụ con mồi.
Sau khi đăng ký tham gia xong, làm đúng theo hướng dẫn từ cài đặt Telegram, Lark đến các bước thả tim, tương tác bài đăng, nạn nhân được nhận 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Dần dần lấy được lòng tin của nhiều người, các đối tượng biết họ muốn kiếm thêm nhiều tiền nữa nên đã ‘dụ’ họ làm thêm việc mới với lợi nhuận hấp dẫn lên đến 40%. Tuy nhiên, đổi lại mới bước đầu thực hiện phải chuyển tiền đặt cọc và số tiền không hề nhỏ, vài ba triệu lận đó mọi người.
Hoàn tất xong bước đặt cọc, các nạn nhân sẽ được đưa vào một nhóm kín để cùng nhau làm nhiệm vụ được giao. Quá trình làm việc họ thường xuyên được nhận những tin như người này người kia được nhận tiền với lợi nhuận cao nhằm củng cố thêm lòng tin nơi các nạn nhân, rồi bọn chúng còn gọi điện và nhắn tin để tạo thêm áp lực, thôi thúc lòng tham muốn kiếm được nhiều tiền của nạn nhân để họ tranh thủ nạp tiền.
Mới ban đầu, làm xong họ được nhận tiền về tài khoản nhưng khó cái là muốn cầm chắc số tiền ấy trong tay, họ lại phải tiếp tục nhận thêm các nhiệm vụ khác nữa mà nói đến em vẫn thấy khó thực hiện bởi mục tiêu lên đến hàng chục hàng trăm triệu. Ai không cố gắng hoàn thành coi như mất hết tiền đã đặt cọc trước đó. Đặt mình trong hoàn cảnh đó, ai mà không lo sợ nên vội vàng làm theo hướng dẫn của bọn chúng với niềm mong mỏi sẽ sớm rút được tiền về tài khoản cá nhân của mình. Như một dòng xoáy cứ bị cuốn theo, mãi đến khi tính lại tổng số tiền mình đã nộp rất lớn và không thể lấy lại được, nạn nhân mới nhận ra mình đã bị gạt và báo với cơ quan chức năng.
Được biết, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9/2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Gia Lai cho biết họ đã tiếp nhận rất nhiều đơn tố giác tội phạm tương tự như thế này, dùng công nghệ cao trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà con.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng với Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1997, ngụ tại tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi gạt tiền người dân nhằm chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra cho thấy Hùng đã tạo tài khoản zalo ảo rồi kết bạn, nhắn tin cho N., sinh năm 1967, ngụ ở tỉnh Kon Tum nhằm dụ hùn góp vốn đầu tư ngoại hối. Có lẽ ban đầu chị N. nghi ngại, nhưng qua quá trình trao đổi, trò chuyện chị tin tưởng nên đã chuyển 635 triệu đồng cho Hùng. Song song đó, Hùng nhờ Tuân, sinh năm 1995, cùng ngụ tại địa bàn mua thêm nhiều sim điện thoại khác với mục đích là để mở ví tiền điện tử cùng tài khoản ngân hàng ảo rồi sau khi nhận tiền từ chị N. xong chia nhỏ ra các khoản, chuyển thành tiền ảo cùng các phần khác và chuyển cho tiệm vàng nhằm xóa mọi dấu vết.
Nhưng lưới trời lồng lộng làm sao thoát được, sau khi nhận thấy có ‘mùi’ bị gạt, chị N. đã báo với cơ quan chức năng, cùng hợp tác với họ lần ra dấu vết của bọn gian này. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian và phải phối hợp với Công an nhiều địa phương mới bắt được Hùng cùng các tài liệu và thiết bị liên quan đến vụ án.
Theo em tìm hiểu, căn cứ quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi gạt người nhằm chiếm đoạt tài sản với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính mà còn tái phạm hoặc xét thấy hành vi đó ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội, tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện mà nạn nhân dùng để kiếm sống... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 06 tháng đến 20 năm hoặc chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đồng thời phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho nạn nhân và bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có) cho nạn nhân trong trường hợp họ có yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu hành vi gạt người nhằm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý người phạm tội theo Điều 290 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với án phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 06 tháng đến 20 năm và có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tương tự, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm trả lại tài sản đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có) cho nạn nhân trong trường hợp có yêu cầu.
Trong thời gian qua, dù lực lượng chức năng liên tục khuyến cáo bà con nên đề cao cảnh giác với tội phạm công nghệ cao nhưng nhiều người vẫn sập bẫy mất tiền. Nạn nhân đa số là các chị em phụ nữ, đặc biệt nhất là các bà mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con, trước áp lực tài chính đè nặng lên đôi vai nên mong muốn tìm kiếm được việc làm có thể thực hiện tại nhà để vừa có thời gian chăm con, vừa kiếm thêm được chút đỉnh phụ giúp gia đình. Nắm trúng tâm lý này của đại đa số nên kẻ gian đã lên kế hoạch bài bản, bước đầu lấy được lòng tin rồi sau đó chiêu dụ con mồi phải nạp tiền để kiếm được nhiều tiền hơn?!
Do đó, để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo, bà con nên sớm nhận diện các dấu hiệu sau đây:
- Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online không có địa chỉ, thông tin công ty cụ thể.
- Đăng tin tuyển dụng ‘việc nhẹ lương cao’...
Không chỉ bị mất tiền mà có khi còn hại sức khỏe, mất mạng nữa đó nha bà con ơi. Vừa rồi, bà con nếu ai có theo dõi báo đài thường xuyên sẽ biết được vụ rất nhiều người Việt mình vì nhẹ dạ cả tin về công việc nhẹ lương cao, nên đã nghe lời dụ dỗ sang Campuchia làm việc.
Thông tin đăng tuyển yêu cầu đơn giản lắm không cần người lao động phải có kinh nghiệm, không tốn chi phí gì, chỉ cần biết dùng máy tính là được. Qua đó làm công việc nhẹ nhàng, được nhận visa chính ngạch và thu nhập lên đến 20 triệu đồng/tháng. Nghe lời quảng cáo hấp dẫn quá, nhiều người sau khi đọc tin đã tìm cách liên lạc với người đăng tin để được ứng tuyển sang đó làm việc. Kẻ gian nắm được tâm lý thậm chí chấp nhận ứng trước tiền công để chiêu dụ con mồi.
Sang nơi xứ người, lạ nước lạ cái, không rành tiếng nói cũng như văn hóa nơi đây, họ mới biết mình đã bị gạt, họ kể mình bị nhốt lại với yêu cầu phải ‘giúp’ kẻ gian tiếp tục đi gạt người khác, không làm theo những gì bọn chúng bảo là y như rằng ‘ăn roi’. Còn muốn về lại Việt Nam, phải gọi cho người thân mang tiền qua chuộc lại, đối với họ, số tiền chuộc đó là rất lớn, có khi bằng cả gia sản lúc đấy không chừng.
Suốt những năm tháng sống ở đấy không khác gì địa ngục, phải đến khi không chịu nỗi và lên ý định trốn thoát chạy về quê hương cầu cứu họ mới dám kể lại toàn bộ vụ việc. Đau lòng nhất là trong số những người tìm cách trốn thoát về quê hương, có một số người đã qua đời vì bị chìm trên sông.
Đây là vụ án lớn mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam lẫn Campuchia để làm sáng tỏ vụ việc.
Sau vụ việc này chắc nhiều người sẽ cảnh tỉnh hơn với lời kêu gọi làm việc nhẹ lương cao, nhất là ở nơi xứ người.
Bà con hãy nhớ rằng đồng tiền bây giờ kiếm ra khó lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, nên làm việc nhẹ lương cao chỉ có là công việc phạm pháp hoặc là chiêu dụ con mồi của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tài sản của bà con thôi. Vì vậy phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước các thông tin đăng tuyển này nha. Mình càng cẩn thận chừng nào, càng tốt chừng đó bà con ạ. Đừng để mất tiền rồi mới đi trình báo Công an, mất thời gian vả lại phải rất lâu mới có thể lấy lại được tài sản đã mất.