Tùy theo từng trường hợp sốt của trẻ sau khi tiêm vắc xin nCoV mà cha mẹ có cách xử lý khác nhau.
Mấy hôm nay ở trường học con em nhiều phụ huynh xôn xao chuyện chuẩn bị cho con đi chích ngừa vắc xin nCoV. Theo em thấy thì đa phần phụ huynh đều ủng hộ chuyện tiêm phòng cho con nhưng cũng không ít người lo lắng về những phản ứng phụ sau khi tiêm đối với trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
Tuy nhiên các mẹ đừng quá lo lắng vì theo các chuyên gia thì sau tiêm vắc xin nCoV, trẻ có thể bị đau tại chỗ tiêm, đau đầu, đau mỏi các cơ, sốt nhẹ. Những tác dụng phụ này có thể khiến trẻ thấy mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ… Đây là phản ứng bình thường chứng tỏ đáp ứng miễn dịch của trẻ với vắc xin. Trên trang thông tin của Sở Y tế cũng hướng dẫn rất kỹ về cách xử lý khi trẻ tiêm vắc xin nCoV khi bị sốt, em xin chia sẻ trong bài viết này để các mẹ cùng tham khảo nhé:
Trường hợp trẻ bị sốt nhẹ (dưới 38 độ)
Trong trường hợp này, cha mẹ chưa cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt mà tiếp tục theo dõi nhiệt độ và toàn trạng của trẻ. Dùng khăn ấm chườm hoặc lau người cho trẻ, đặc biệt ở một số vùng như bàn tay, bàn chân, nách bẹn, nơi có mạch máu lớn đi qua để nhanh hạ nhiệt. Cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi, không mặc quá nhiều lớp khiến trẻ khó chịu.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung nước cho cơ thể là rất quan trọng, Khi uống nước, nên uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép để cung cấp thêm vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
Trường hợp trẻ sốt cao (trên 38 độ)
Khi trẻ sốt trên 38.5 độ thì phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt (Thông thường là Paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi lần uống cách nhau 4-5 giờ, tổng liều không quá 100mg/kg cân nặng/24 giờ) và kiểm tra chỗ tiêm xem có bị sưng, đỏ, bầm tím bất thường hay không.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
Trường hợp trẻ sốt cao kèm các dấu hiệu nguy hiểm
Nếu trẻ sốt 38.5 độ, kéo dài, không hạ sau khi uống thuốc hạ sốt hoặc vết tiêm bị sưng đau bất thường thì nên báo ngay cho cơ sở tiêm chủng và đưa trẻ đi cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu sau: Sốt trên 39 độ; Không đáp ứng với thuốc hạ sốt (uống thuốc 1 giờ không hạ); Co giật hay mệt lả, gọi, hỏi không phản ứng; Tím tái, khó thở; Quấy khóc, khóc thét kéo dài trên 3 giờ; Phát ban cùng các phản ứng thông thường kéo dài hơn 1 ngày; Áp xe, sưng đau nhiều tại vị trí tiêm. Những trẻ có phản ứng mức độ vừa, nặng sau khi tiêm vắc xin sẽ được cho nhập viện theo dõi sát và điều trị tích cực.
Bên cạnh đó, khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin nCoV, cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý ba điều sau:
1. Tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của tiêm vắc xin phòng nCoV đối với trẻ. Trước khi đưa trẻ đi tiêm, cần chuẩn bị tâm lý thật tích cực cho trẻ; cho trẻ ăn đủ no; ký giấy đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin phòng nCoV.
2. Tại điểm tiêm chủng, cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế. Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
3. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh và tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng... Nếu trẻ sốt, sưng, đau tại vết tiêm…thì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin. Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 độ, cho trẻ hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.