Bố mẹ tôi chỉ sinh được 2 người con trai và đều cho anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Anh trai tôi lập nghiệp và lấy vợ thành phố. Vì thế bao năm nay vợ chồng anh cả sống trên Hà Nội. Còn tôi là con trai thứ, sau khi học xong tôi xin về quê công tác. Sau này khi lấy vợ, vợ chồng tôi cũng sống chung cùng bố mẹ.
Lúc bố mẹ tôi còn sống, một năm vợ chồng anh trai thường rất hay kéo cả nhà về chơi vào cuối tuần. Không khí gia đình đầm ấm vui vẻ. Khi mẹ mất đi, do có bố tôi đứng ra lo liệu nên mọi việc vẫn ổn thỏa. Anh chị lễ tết, giỗ chạp vẫn về nhà hương khói cho bà và cùng mọi người làm giỗ chu đáo lắm.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
3 năm trước bố tôi 2 lần tai biến nên sức khỏe yếu dần. Từ đó tới khi ông mất, mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ cậy con cháu. Khi ấy 2 anh em tôi đã tổ chức cuộc họp gia đình khẩn. Kết quả, vợ chồng tôi là con út ở cùng ông bà nên phải chăm sóc. Còn vợ chồng anh cả không có thời gian thì hàng tháng sẽ gửi vài triệu đóng góp. Riêng tiền thuốc men chữa bệnh thì cộng lại chia đều cho 2 anh em.
Cứ tưởng tính toán như vậy đã ổn thỏa nhưng 6-7 tháng bố nằm bệt tôi nghe vợ chồng anh trưởng than vãn chuyện tiền gửi tiền thuốc men tẩm bổ cho ông tốn kém và nhiều tháng không gửi đủ như đã thống nhất.
“Tháng này anh chỉ đưa được 2 triệu thôi vì cái Na ốm phải đi viện”
“Tháng này anh chị xin khất đóng sau vì chị chú quản kinh tế, không đưa tiền nên không nộp đúng hẹn”
Có lúc vợ chồng anh cả lại ganh tỵ việc chia tài sản của bố mẹ:
“Cả căn nhà này vợ chồng chú thím đang ở cũng là của ông bà cho nên chăm sóc, lo cho tuổi già của bố là trách nhiệm chính của chú thím chứ”.
Từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng căng thẳng ấy, cuối cùng tôi tự nhận sẽ chăm sóc bố để anh cả khỏi so bì. Dù bố ốm nằm đó mà mỗi tháng vợ chồng anh chỉ về được 1 lần thăm hỏi. Thậm chí khi ông hấp hối, anh chị cũng chẳng kịp có mặt.
Thế mà lúc ông mất, anh trai tôi đòi đứng lên tổ chức tang gia hoành tráng, long trọng lắm. 2 cái giỗ của ông cũng được vợ chồng anh làm cả trăm mâm mời hết khách trong họ, trong làng và đối tác. Lần nào giỗ bố mẹ cũng căng phông căng bạt, cỗ bàn ê hề, đi lại rầm rập. Vợ chồng anh cả chụp ảnh khoe cả trăm mâm lên facebook khiến ai nấy đều xuýt xoa, khen hiếu thuận.
Chị dâu tôi bày biện mua đồ lễ vàng mã nhiều kinh khủng, sắm quần áo, nhà cửa xe cộ, tiền vàng đốt cả tiếng bên lò lửa cháy ngùn ngụt giữa cái nắng như thiêu đốt vẫn không hết.
Nhìn cảnh đó tôi thấy chướng tai gai mắt kinh khủng. Anh chị ấy nói thì nghe hay lắm, nào là tri ân tổ tiên, tưởng nhớ công đức... Thế mà trước bố ốm đau, vợ chồng anh có chăm lo gì đâu, giờ ông mất rồi làm giỗ chạp to để khoe khoang thật nực cười.
Cá nhân tôi thì ngày giỗ chỉ cần nén hương, nhành hoa và cái tâm sáng, thanh tịnh là bề trên đã chứng cho rồi chứ dâng lên đủ thứ lễ vật, mâm cao cỗ đầy ai ăn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet