Dậy thì sớm và việc điều trị
Dậy thì là quá trình phát triển và hoàn thiện các đặc điểm giới tính thứ phát trên cơ thể trẻ (mọc lông cơ thể, phát triển bộ phận sinh dục,...). Hiện nay, dậy thì được coi là sớm khi các biểu hiện dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam.
Khi dậy thì, song song với tăng trưởng chiều cao là quá trình “khóa” các sụn tăng trưởng. Việc các sụn tăng trưởng đóng sớm sẽ làm trẻ ngừng cao sớm, nên trẻ dậy thì sớm lúc đầu cao hơn các bạn cùng tuổi, nhưng khi trưởng thành lại thấp hơn. Bên cạnh đó, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với những thay đổi về cơ thể (ngực to, kinh nguyệt,...) khi nhận thức và kỹ năng vẫn còn quá non nớt. Vì những lý do trên mà yêu cầu điều trị đối với trẻ dậy thì sớm được đặt ra.
Đồng vận GnRH trong điều trị dậy thì sớm
Về mặt sinh lý, quá trình dậy thì được kiểm soát bởi trục Hạ đồi – Tuyến yên – Tuyến sinh dục. Hệ thống này “ngủ” trong suốt “thời thơ ấu”. Dậy thì được khởi động bằng sự “thức giấc” của vùng dưới đồi: bắt đầu tiết hormone GnRH để báo hiệu cho tuyến yên. Đến lượt mình, tuyến yên lại tiết ra hormone riêng để báo hiệu cho các tuyến sinh dục. Các tuyến sinh dục (tinh hoàn ở nam, buồng trứng ở nữ) sau đó sản xuất ra hormone sinh dục (testosterone và estrogen). Các hormone sinh dục này lưu thông trong máu kích thích cơ thể phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát mà ta quan sát được ở trẻ dậy thì.
Như vậy, một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm là do trục hạ đồi “thức giấc” quá sớm (dậy thì sớm trung ương). Trong trường hợp này, đồng vận GnRH được đưa vào cơ thể định kỳ đều đặn sẽ giúp ức chế hạ đồi, làm hạ đồi ngưng sản xuất GnRH. Tuyến yên và cơ quan sinh dục theo đó ngừng thúc đẩy dậy thì, quá trình dậy thì ngừng lại.
Đồng vận GnRH đã có lịch sử lâu dài (hơn 30 năm) trong điều trị dậy thì sớm và thể hiện độ an toàn cao khi sử dụng dài hạn. Hiện nay đồng vận GnRH thường dùng trong điều trị dậy thì sớm là triptorelin, tiêm lặp lại mỗi 1 hoặc 3 tháng. Que cấy dưới dahistrelin, tác dụng kéo dài 1 năm, đã được FDA (Mỹ) chấp thuận cho điều trị dậy thì sớm nhưng chưa có mặt ở Việt Nam.
Các phản ứng thường gặp của điều trị triptorelin là sưng, đau, ngứa tại vị trí tiêm, thường nhẹ và không ảnh hưởng tới việc học tập. Mật độ xương có thể giảm trong lúc dùng thuốc nhưng phục hồi khi kết thúc điều trị. Kinh nguyệt trung bình sẽ xuất hiện khi ngưng điều trị khoảng 16 tháng. Chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị vô sinh sau khi điều trị.
Sử dụng đồng vận GnRH: cần theo đúng chỉ định
Như đã trình bày, đồng vận GnRH chỉ có tác dụng khi dậy thì sớm gây ra do vùng dưới đồi bắt đầu hoạt động sớm (dậy thì sớm trung ương). Trên thực tế, dậy thì sớm có nhiều dạng và gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác – lúc này đồng vận GnRH không có tác dụng mà phải điều trị theo bệnh lý nguyên nhân. Để phân biệt đúng các dạng dậy thì để bắt đầu điều trị, đòi hỏi sự thăm khám và phân tích xét nghiệm bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi.
Ngoài ra, đồng vận GnRH không đồng nghĩa với tăng trưởng chiều cao. Tác dụng của thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi của trẻ, tốc độ tăng trưởng, mức độ cốt hóa xương (tuổi xương),... tại thời điểm điều trị. Do đó, dù đã chẩn đoán xác định dậy thì sớm trung ương, đôi khi bác sĩ có thể vẫn phải theo dõi vài tháng trước khi quyết định hướng điều trị.
Chính vì những lý do trên, ba mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, mà phải đưa trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được thăm khám và xét nghiệm đầy đủ, để trẻ được điều trị đúng bệnh, hiệu quả, an toàn.
Tài liệu tham khảo
- Kota AS, Ejaz S. Precocious Puberty. . In: StatPearls . Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544313/
- John S. Fuqua, Treatment and Outcomes of Precocious Puberty: An Update, The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, Volume 98, Issue 6, 1 June 2013, Pages 2198–2207, https://doi.org/10.1210/jc.2013-1024. https://academic.oup.com/jcem/article/98/6/2198/2536872