Người dùng mạng cũng cho rằng, mô hình xây dựng này chỉ có trong tương lai nên hiện tại các shark chưa đầu tư cũng phải. Trong khi đó, Shark Bình từ chối thẳng vì không muốn “đếm cua trong lỗ”.

Đối với người Việt chúng ta, căn nhà là nơi để trở về, là nơi an toàn, là niềm tự hào. Nhà lớn nhà nhỏ không quan trọng, chủ yếu vẫn là vững chãi để tồn tại bền vững với thời gian. Các cụ ngày xưa cũng dạy rằng trên đời có 3 việc quan trọng phải làm: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Trong đó, làm nhà chính là chuyện không hề đơn giản và là ước mơ mãi không thể chạm đến với một số người.

Chẳng phải khi không mà tôi nhắc chuyện làm nhà. Nay tình cờ xem chương trình Shark Tank, tôi thấy có phần gọi vốn khá ấn tượng của một công ty nọ. Nôm na là công ty này làm những ngôi nhà được hình thành từ tấm module định hình chịu lực bao gồm sàn, vách, mái và dễ dàng tạo thành các không gian kiến trúc khác nhau. Một đặc điểm nữa của sản phẩm này chính là sản xuất, lắp đặt ở trong nhà xưởng.

hình ảnh

2 startup đem sản phẩm của mình đến gọi vốn. Ảnh Thanh niên

Theo công ty này thì đó là giải pháp xây dựng ứng dụng công nghệ module hóa các tiện ích 4.0 mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người Việt. Thấy 2 người startup là Nguyễn Xuân Nam và Dũng đại diện công ty đến gọi vốn, tôi có biết họ muốn kêu gọi 50 tỷ đồng cho 10% giá trị cổ phần công ty.

Về phía mình, anh Dũng cho biết sản phẩm của mình có những ưu thế như hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan, hạn chế phát sinh không đáng do phụ thuộc vào tay nghề của thợ. Đồng thời sản phẩm có thể cơi nới, di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác và thời gian thi công chỉ dưới 30 ngày. Và cuối cùng là, sản phẩm này có thể mua đi bán lại hoặc cho thuê như tài sản di động. 

Thế nhưng sản phẩm họ mang đến dường như có tính ứng dụng chưa cao trên thị trường hiện nay. Ngay khi nghe họ trình bày, các shark đã có những nhận xét riêng và tựu chung là không hài lòng. Shark Hưng với vốn hiểu biết phong phú và sâu rộng đã nói:

"Tôi đang hình dung là các bạn đang có một cái nhà xưởng sản xuất ra cái module, khách hàng có thể tự thiết kế dựa trên module có sẵn, sau đó các bạn cung cấp và lắp ráp cho khách hàng? Thế thì bây giờ giá thành của bạn nói là khoảng 70% so với giá bán, vốn hàng bán là khoảng 70%? Nếu như thế thì đang rất là rủi ro cho việc quản lý vận hành, gần như không còn room cho việc marketing cũng như là phát triển thị trường… kể cả bạn khấu hao trong vòng 10 năm là khấu hao dài, thì giá thành vẫn rất cao. Tôi cảm thấy như vậy sẽ mất tính cạnh tranh của sản phẩm. Quá đắt”, Shark Hưng nhận xét.

Shark Hưng cũng thắc mắc rằng sản phẩm của công ty này có gì độc đáo khác biệt so với sản phẩm truyền thống mà giá bán lại gấp đôi? Nếu nhà 1 - 2 tầng thì xây dựng giá thấp hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra cho công ty. “Chắc là qua phân tích của tôi thì các bạn cũng đã nhận thấy được những nhược điểm về sản phẩm của mình. Vấn đề chính là bản thân mô hình kinh doanh của các bạn. Đầu tư tại thời điểm này thì quá sớm và đặc biệt là định giá của các bạn quá xa với những gì mà chúng tôi có thể nhìn thấy giá trị của bạn. Nên tôi không đầu tư”, Shark Hưng khẳng định.

hình ảnh

Shark Hưng nhận xét về sản phẩm. Ảnh Shark Tank

Về phía mình, Shark Liên thẳng thắn chia sẻ rằng ở Việt Nam, người ta xem ngôi nhà là tài sản, khi đã xây là phải kiên cố, vững chắc và phải bền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bà không đầu tư vì sản phẩm này không nằm trong hệ sinh thái của bà.

Tới lượt mình, Shark Bình hỏi về việc đầu tư và thu lợi nhuận như thế nào: “6-8 lần sau 5 năm đúng không? Tại sao nghe hấp dẫn thế? Đúng như thế này thì anh xuống tiền luôn. Exit như thế nào?”.

Startup trả lời, năm nay công ty lên kế hoạch doanh thu từ 150 - 200 tỷ đồng tương đương 4 căn nhà đều đặn mỗi tháng và năm sau có thêm mảng dịch vụ với lợi nhuận sẽ nằm 25 - 30%. Shark Bình thẳng thắn nói luôn rằng đây là “đếm cua trong lỗ”. Trong 20 năm khởi nghiệp và đầu tư, ông gặp nhiều trường hợp như thế này. Startup thường vẽ ra kế hoạch kinh doanh rất đẹp nhưng 90% đều fail do vậy ông không đầu tư. 

hình ảnh

Shark Bình quyết định không đầu tư. Ảnh Shark Tank

Shark Erik cũng cho rằng việc đầu tư giống “đếm cua trong lỗ” định giá doanh nghiệp hơi khó hiểu nên ông không đầu tư. Shark Hùng Anh cũng không xuống tiền.

Mặc dù khởi đầu cho màn gọi vốn là câu chuyện khá xúc động về nguyên nhân thành lập nên công ty của Xuân Nam, thế nhưng công ty anh vẫn không thuyết phục được các shark vì quá nhiều bất ổn trong sản phẩm và định giá doanh nghiệp. Anh kể, trước đây gia đình anh vất vả, ba mẹ phải ra ngoài công trường để phối hợp, giám sát các đội thi công và ban đêm phải trông nom vật tư. Chính vì vậy anh càng quyết tâm nghiên cứu và tìm ra giải pháp xây dựng để rút ngắn thời gian và giảm áp lực xây dựng cho mọi người.

Nhưng nghiên cứu như thế nào cũng không bằng tính thiết thực của sản phẩm. Đúng như shark Liên nói thì người Việt rất muốn căn nhà của mình phải kiên cố, vững chãi và tồn tại qua các thế hệ. Còn kiểu lắp ráp như công ty này thì khó tạo được lòng tin và chọn sử dụng của mọi người. 

Nếu là tôi thì thật sự tôi cũng phân vân nhiều và chưa dám đưa tiền bạc của mình để thử nghiệm loại hình xây dựng đầy mới lạ này. Hy vọng công ty sẽ có cách đưa sản phẩm đến gần hơn với đời sống, tiện ích và thực tế hơn để gặt hái thành công trong tương lai.