Bố mẹ nên nắm những kiến thức cơ bản này để bé tập lẫy dễ dàng nhé!

Ai trong chúng ta cũng biết bé tập lẫy là cột mốc quan trọng đánh dấu cho việc bé dần tự mình di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác sau khoảng thời gian chỉ nằm yên một chỗ. Để con được phát triển tốt nhất cũng như có thể biết lẫy đúng giai đoạn, các mẹ cùng tham khảo thông tin dưới đây nhé!

Bé tập lẫy khi nào? 

Hiểu một cách nôm na, lẫy là hành động khi bé lật mình từ nằm ngửa sang tư thế nằm nghiêng hoặc nằm úp. Đây là sự phát triển tự nhiên của bé, cho thấy khả năng vận động của bé tốt. Lẫy cũng là cột mốc quan trọng của trẻ nhỏ, bước đệm cho việc bé học ngồi, đứng về sau này.

khi nào bé tập lẫy

Bé thường tập lẫy ở tháng thứ 3

Vậy, đến mấy tháng tuổi thì bé tập lẫy? Người xưa từng nói “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” khi nói về từng cột mốc quan trọng của một đứa trẻ sơ sinh. Như vậy, có thể thấy theo quan sát của dân gian thì trẻ sẽ bắt đầu biết lẫy khi được 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong thực tế thì không phải bé nào cũng biết lật vào thời điểm này vì sự phát triển của từng bé là khác nhau. Có bé đến tháng thứ 4 mới bắt đầu biết lật. Thậm chí, có bé chậm biết lẫy và “trốn lẫy” ở tháng thứ 4, thứ 5 rồi “nhảy cóc” sang giai đoạn biết lẫy, biết bò ở tháng thứ 6 trở đi. 

Tóm lại, mỗi bé sẽ có cột mốc phát triển không giống nhau nên mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con được 3 tháng tuổi nhưng vẫn chưa tự biết lẫy nhé! 

Các dấu hiệu bé tập lẫy, mẹ quan sát để hỗ trợ con

Đa số, khi trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi sẽ bắt đầu quá trình tập lẫy nhưng cách tốt nhất là mẹ nên theo dõi con và nếu thấy có những dấu hiệu sau thì biết bé đã sẵn sàng cho giai đoạn biết lẫy. Bố mẹ quan sát và nhận ra những dấu hiệu này để dạy bé tập lẫy “một phát ăn ngay” nhé! 

Dấu hiệu thứ 1: Bé có thể tự ngóc đầu dậy

Khi bé tập lẫy cũng là lúc cơ thể dần cứng cáp hơn thay vì mềm, yếu như lúc mới chào đời. Dấu hiệu bé tập lẫy là khi được đặt nằm sấp xuống thì bé có thể tự ngóc đầu ngẩng dậy. Đồng thời, bé biết tự chống tay xuống để nâng phần đầu và ngực để rướn người lên trên.

dấu hiệu khi bé tập lẫy

Bố mẹ nên theo dõi  các dấu hiệu khi bé sẵn sàng tập lẫy để hỗ trợ con

Khi bé có những dấu hiệu này thì cho thấy vùng ngực và lưng của bé đã đủ cứng cáp, có thể chịu lực nâng đỡ được cơ thể.  

Dấu hiệu thứ 2: Bé có động tác gạt hai cánh tay sang hai bên

Khi đặt bé nằm sấp, nếu bố mẹ quan sát thấy con đang gạt hai cánh tay sang hai bên như tư thế bơi hoặc bé đang cố vươn về phía đồ chơi của mình thì cho thấy bé sẵn sàng để tập lẫy rồi đấy.  

Dấu hiệu thứ 3: Bé co chân lên ngực

Khi bố mẹ đặt bé nằm ngửa và quan sát thấy con biết co 2 chân lên phía ngực hoặc thường xuyên nhấc chân lên, đung đưa qua lại và phần tay của con cố gắng kéo lấy chân thì đây là dấu hiệu bé tập lẫy. 

Dấu hiệu thứ 4: Bé thường xuyên nằm nghiêng

Khi bé thường xuyên nằm ở tư thế nghiêng được cho là dấu hiệu bé tập lẫy vì nó cho thấy bé đã dần hình thành ý thức về việc tập lẫy. 

>>> Có thể bạn quan tâm: "3 lật, 6 ngồi, 7 bò, 8 trèo, 12 đi", tiêu chuẩn vàng tập kỹ năng vận động cho bé

Bài tập hỗ trợ bé tập lẫy 

Sau khi bố mẹ quan sát được những dấu hiệu cho thấy bé đã cứng cáp, sẵn sàng cho giai đoạn tập lẫy thì hãy dần hỗ trợ con những bài tập theo gợi ý bên dưới để thúc đẩy sự phát triển của con nhé! Khi trẻ

Bài tập nằm sấp

Bài tập này sẽ giúp cơ lưng và cổ của bé được cứng cáp hơn. Ngoài ra, phần xương sống và các bộ phận khác của bé sẽ dần uyển chuyển. 

Để hỗ trợ bé thực hiện bài tập này, bố mẹ hãy để bé ở tư thế nằm sấp trên tấm thảm sạch hoặc nệm và đặt những món đồ chơi yêu thích gần đó. Lúc này, bố mẹ hướng sự chú ý của bé đến những món đồ chơi để bé rướn người về đó. 

bài tập hỗ trợ bé tập lẫy

Bố mẹ thực hiện bài tập hỗ trợ bé tập lẫy để giúp con ngày càng cứng cáp hơn

Tuy nhiên, bố mẹ hãy chú ý đến thời gian để con không quá mỏi khi nằm ở tư thế này. Trong trường hợp bé bị mỏi sẽ thường úp mặt xuống và dễ gây ngạt thở nên bố mẹ hãy cẩn thận theo dõi con nhé! 

Bài tập lăn tròn

Bài tập này sẽ giúp cơ lưng của bé được phát triển, cứng cáp hơn và trẻ sẽ biết phân biệt tư thế trái-phải mỗi khi lật mình. 

Bố mẹ hãy đặt bé ở tư thế nằm, để lưng tiếp xúc với mặt giường hoặc sàn. Sau đó, bố mẹ nhẹ nhàng lật người bé qua lại theo hướng lăn tròn, sau 30 giây thực hiện liên tục thì bố mẹ đảo chiều.

Tạo “cú hích” cho con

Khi bố mẹ thấy con nằm nghiêng người, mông sang hẳn một bên thì có thể hơi ủn nhẹ mông con để bé có đà lẫy. Sau vài lần được bố mẹ tạo “cú hích” thì bé sẽ có những cú lẫy thành công mà không cần có người giúp “lấy đà”. 

Những lưu ý khi bé tập lẫy

Không nên để con lẫy quá lâu

Lúc đầu khi mới biết lẫy, trẻ có thể không thể tự lật mình nằm ngửa trở lại và tư thế nằm sấp trong thời gian dài sẽ khiến bé khó chịu, ọc sữa hay ngạt thở vì úp mặt xuống… Ngoài ra, khi bé vừa bú sữa no bụng thì bố mẹ không nên để con lẫy vì điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến dạ dày của bé. 

Do đó, bố mẹ hãy luôn ở cạnh và quan sát con để kịp thời giúp bé trở lại tư thế nằm ngửa sau khi lẫy được vài phút. Khi con mới biết lẫy, bố mẹ chỉ nên cho con lẫy vài lần mỗi ngày để bé được an toàn. 

Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng quá lo lắng sợ con lật lâu sẽ bị mệt vì lợi ích trẻ lật, trườn, bò là giúp cơ thể của bé được phát triển, cứng cáp và linh hoạt hơn.

Chú ý đến nơi nằm ở của con

Khác với lúc bé chỉ biết nằm im một chỗ, ở giai đoạn bé tập lẫy thì bố mẹ phải hết sức cẩn thận, không để con nằm một mình ở ghế sofa hoặc giường cao vì có thể bé sẽ rơi xuống sàn sau một cú lẫy. Để tránh bé lẫy khi không cần thiết, gợi ý là bố mẹ hãy dùng gối chắn hai bên người để bé hạn chế lật người. 

Thường ở tháng tuổi thứ 3, bé tập lẫy theo đúng cột mốc phát triển chuẩn nhưng bố mẹ cũng đừng quá áp lực nếu bé chậm lẫy. Thay vào đó, bố mẹ nên bình tĩnh và quan sát để kịp thời nhận thấy những dấu hiệu bé đã sẵn sàng và cùng con thực hiện những bài tập hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu khi bé được 12 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết lẫy, biết bò, không hứng thú với mọi thứ xung quanh thì bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra và có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời nhé. 

Xem thêm bài viết liên quan:

6 lợi ích khi trẻ lật, trườn, bò: Tốt cho việc tập đi và phát triển cơ thể, mẹ cứ để con thỏa thích trở người

Nghiên cứu cho thấy trẻ tập bò nhiều sẽ thông minh và phát triển các giác quan nhanh nhạy hơn