Những ngày gần đây, vì dịch dã, vì cạn kiệt tài chính, người dân ùn ùn trở về quê hương. Thế nhưng, ở một góc khác, có những mảnh đời chấp nhận ở lại, cố gắng bám trụ đến cùng nhưng lại chẳng biết sống làm sao.
Đây cũng là câu chuyện của 4 người thợ hồ gồm ông Nguyễn Khắc Bính (57 tuổi), ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi), ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi), và con trai 18 tuổi của ông Gấm, đang “mắc kẹt” tại Sài Gòn khi công trình tạm dừng hoạt động, không có xe để về quê.
Sài Gòn dạo này mưa nắng thất thường, vậy mà 4 người quê Thanh Hóa đều không có nơi ở cho đàng hoàng, chấp nhận sống tạm tại lán dựng tạm. Những ngày trời nắng, lán nóng hầm hập rát da rát thịt, những đêm trời mưa lớn xem như thức trắng.
Mắc kẹt ở Sài Gòn, 4 phụ hồ phải sống tạm ở lán (Ảnh: Thanh Niên)
Vì đi làm thuê, đất khách cũng không quen đường sá nên tất cả đều sợ không dám ra ngoài, kể cả mua nhu yếu phẩm. Mì tôm và trứng được chủ thầu là ông V. người cùng quê với ba anh em ông Bính mua mang xuống, cây quạt là của chủ nhà cho.
4 người chỉ có dăm ba bộ quần áo, vài cái bát, một ấm siêu tốc để nấu nước và gói bột giặt dùng để giặt áo quần và rửa chén bát. Tắm rửa sinh hoạt đều sử dụng vòi nước ở trong công trình, không có thau chậu, các ông sử dụng xe rùa để giặt đồ và rửa chén.
“Tiền anh em đã cạn kiệt, vì chỉ làm 2 tuần lương, mà tuần cao nhất cũng chỉ được 4 - 5 ngày, trả nợ tiền vay mượn vào những ngày đầu mới vào, tiêu xài tiết kiệm nhưng rồi cũng hết. Tính ra đã 2 tuần ăn mì tôm rồi”, ông Bính rưng rưng.
Còn ông Trần Đăng Gấm (50 tuổi) mắt đỏ hoe khi nhắc đến vợ con, ông cho biết con trai đang ngồi một góc trong lán học đến lớp 9 thì bỏ học theo ông đi phụ hồ. Ông Gấm rơi nước mắt vì nghĩ rằng mình là người cha mà hàng ngày nhìn thấy con đi làm phải chịu khổ cùng mình. Ở nhà ông còn mẹ già với một đứa con học lớp 5, cả nhà đều trông chờ vào số tiền ông đi làm thuê.
Họ bật khóc vì đi không được, ở cũng chẳng đành (Ảnh: Thanh Niên)
“Cả đời đi làm thuê chưa có năm nào như năm này, suy sụp tinh thần. 2 tuần đầu thì không sợ nhưng bước qua tuần thứ 3 thì bắt đầu sợ vì tiền mình đã cạn kiệt, thứ 2 là ăn mì tôm riết nên cơ thể không thể chịu đựng được nữa”, ông nói.
Cũng như những người nông dân khác, vợ ông Lê Duy Kỳ (47 tuổi) ở quê làm ruộng, con 2 đứa một người làm công nhân và một đang đi học. Không muốn gia đình lo lắng, ông Kỳ giấu việc thất nghiệp và ăn mì gói hơn nửa tháng qua. Mỗi lần vợ con gọi vào hỏi thăm đều cắn răng bảo đang ổn, động viên ở nhà cứ yên tâm. “
Hiện nay, nhóm ông Bính đã cộng đồng mạng giúp đỡ nồi, bếp ga mi-ni và gạo. Có cơm ăn đầy đủ qua ngày, ông Bính cũng đã liên hệ với hội đồng hương đăng ký về quê nhưng chưa được. Nhìn xa xăm, ông Bính tâm sự: “Chúng tôi đều là người nông dân có sao nói vậy. Giờ cũng không mong muốn gì chỉ mong sao có xe để được về quê, vì người nhà và chúng tôi đều nóng ruột. Dịch này không ai lường trước được gì...”.
(Ảnh: Thanh Niên)
Rời quê lên phố mưu sinh, rất nhiều người chấp nhận xa gia đình, xa vợ con, miễn là họ có tiền gửi về, nuôi sống người thân. Với những ai đang lao động chân tay, họ sẵn sàng chịu dãi nắng dầm mưa, chịu ăn bờ ngủ bụi và tất nhiên, họ giấu đi những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt sau những cái quệt tay, bởi họ biết nếu mình không nỗ lực, cơm sẽ chẳng có ăn, con cái sẽ chẳng được đi học đàng hoàng.
Thậm chí, có những người ngược từ Bắc vào Nam, xa cách cả nghìn cây số, chỉ bởi vì Sài Gòn là nơi dễ sống, cho họ cơ hội được đổi đời. Vậy mà dịch bệnh ập tới, những người ở gần còn có cơ hội về quê để tạm lánh nạn. Còn họ, đi không được mà ở cũng chẳng đành, bởi đường về nhà xa quá mà trong túi chẳng còn đồng nào dư. Giờ đây, họ chỉ biết nương tựa vào nhau, mong trời lại sáng.
Xót xa hơn, nhìn cảnh những con người phải sống tạm bợ trong lán trại, đêm nào mưa là thức trắng cả đêm mà thấy thương quá đỗi. Giá như lúc khó khăn, có gia đình ở bên, họ sẽ không thấy cô đơn, lạc lõng. Vậy mà trong gian khổ, họ phải tự động viên mình, động viên cả vợ con rằng bản thân đang rất ổn, nhưng thực ra... họ có ổn chút nào đâu.
Hình ảnh của họ, hẳn sẽ khiến nhiều người rơi nước mắt bởi chúng ta sẽ nhớ đến cha của mình. Những người cha lam lũ hy sinh cho cả gia đình, cho ước mơ của con trẻ. Những người cha, dù đổ mồ hôi, đổ lệ, hay đổ máu cũng không bao giờ kể lể hay than vãn. Họ âm thầm gồng gánh, sống đầy trách nhiệm và là chỗ dựa cho chúng ta muôn đời.
(Ảnh: Thanh Niên)
Vậy nên, những ai còn có gia đình xin hãy trân quý, còn có mẹ cha xin hãy hiếu thảo. Mùa dịch biết bao người khốn đốn, mẹ cha chúng ta còn vất vả hơn nhiều. Các bạn trẻ hãy cố gắng học hành để có tương lai tốt, sau này giúp đỡ lại cho các bậc phụ huynh. Còn ai đã ra đời, có công ăn việc làm thì hãy liên tục gọi về nhà hỏi thăm sức khỏe người thân. Bởi giờ đây, không có gì quan trọng hơn máu mủ.
Cũng may, Sài Gòn lúc nào cũng ấm áp tình người, luôn có những mạnh thường quân, những tấm lòng hào sảng sẵn sàng chìa tay giúp đỡ. Không ai bị bỏ lại phía sau. Giờ đây, chỉ mong dịch bệnh được qua mau, để những phận đời mưu sinh không còn khổ cực.
Họ sẽ phải tiếp tục sống, tiếp tục xa gia đình, tiếp tục trĩu vai vì cơm áo gạo tiền. Nhưng chắc chắn, sẽ có một điều họ luôn cảm nhận được, dù ở đâu thì người Việt cũng tử tế đến cùng!
Nguồn: Thanh Niên