Không ít mẹ bầu cho rằng cân nặng thai nhi là chỉ số quan trọng và cần chú ý nhiều nhất mỗi khi đi khám thai. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy.
Cân nặng của thai nhi là một chỉ số vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của con. Nếu con bị thiếu cân, nguy cơ mắc một số căn bệnh nguy hiểm sẽ rất cao, trẻ quá nhỏ cũng thường mắc chứng biếng ăn, khó nuôi. Trong khi đó, nếu thai to, hành trình vượt cạn của mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn và ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng không kém đến sức khỏe. Thế nhưng cân nặng không phải là thứ duy nhất mẹ cần lưu ý mỗi lần đi khám thai, có 4 chỉ số quan trọng khác trên giấy siêu âm mẹ bầu cũng buộc phải để ý nếu muốn con khỏe mạnh, an toàn.
Bảng tính chiều dài xương đùi thai nhi theo tuần, mẹ kịp bồi bổ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho con
5 thực phẩm "vào con không vào mẹ", bầu chăm chỉ ăn con tăng cân nhanh, khỏe mạnh tới tận ngày sinh
Đường kính lưỡng đỉnh
Đường kính lưỡng đỉnh nói dễ hiểu hơn chính là chỉ số đo đường kính đầu của em bé. Chỉ số này được đo tại đường mắt cắt lớn nhất nơi hộp sọ của thai nhi. Nhiều mẹ thường bỏ qua chỉ số này trên giấy siêu âm nhưng đây là những con số cực kỳ quan trọng, chúng phần nào cho biết tốc độ phát triển của thai nhi, em bé có đang khỏe mạnh và ổn định hay không. Bên cạnh đó, dựa vào đường kính lưỡng đỉnh cũng có thể tính được tuổi thai, trọng lượng thai để xem có phù hợp với sự phát triển theo từng tuần tuổi.
(Ảnh minh họa)
Nhịp tim thai
Nhịp tim thai bình thường sẽ dao động trong khoảng từ 120 – 160 lần/phút và từ khoảng tuần thứ 6 -7, mẹ có thể nghe được nhịp tim báo hiệu cho sự sống này của con. Thế nhưng vẫn có một số trường hợp phải ở tuần thứ 8 hoặc thứ 9 mới có thể nghe được nhịp tim thai, vì thế các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Càng về cuối thai kỳ, nhịp tim thai có thể bị chậm lại và đây là một điều hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, mẹ cần lưu ý chỉ số này không nên dưới 80 lần/phút. Theo dõi và chú trọng đến nhịp tim thai là vô cùng cần thiết và các bác sĩ chắc chắn cũng sẽ nhắc nhở mẹ điều này trong mỗi lần thăm khám, siêu âm.
Chiều dài xương đùi
Bên cạnh cân nặng, chiều dài xương đùi là một trong những chỉ số cực kỳ quan trọng để dự đoán sự phát triển thế chất của em bé về sau này. Xương đùi là phần xương dài nhất trong cơ thể con người và dựa vào chiều dài của bộ phận này các bác sĩ có thể dự đoán em bé có phát triển ổn định hay gặp bất thường gì hay không. Chiều dài xương đùi thường có sự thay đổi liên tục, nhất là trong 3 tháng giữa. Ngoài việc hỏi bác sĩ những điều chưa hiểu, mẹ có thể sử dụng các bảng tra chiều dài xương đùi uy tín để tự mình biết được thai nhi có đang phát triển khỏe mạnh hay không. Nếu chiều dài xương đùi ngắn không đủ chuẩn, đây cũng có thể là một trong những dấu hiệu thai nhi mắc bệnh Down nhưng việc xác định chính xác còn phải tùy thuộc vào nhiều thông số khác nữa nên mẹ không cần quá lo lắng. Để con có chiều dài xương đùi đạt chuẩn, mẹ nên đi thăm khám thường xuyên, nghe theo tư vấn của bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và sinh hoạt hợp lý giúp cải thiện chỉ số này cách hiệu quả hơn.
(Ảnh minh họa)
Chỉ số nước ối
Nước ối là môi trường sống của thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ, vì thế chúng rất quan trọng đối với sự phát triển và sức khỏe của em bé trong 9 tháng 10 ngày mang thai. Thiếu hay dư nước ối đều không có lợi cho sức khỏe của thai nhi. Chỉ số nước ối thông thường dao động khoảng từ 300 – 1000ml, nếu dưới hoặc trên mức này, các bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp giúp mẹ cải thiện chất lượng, mức nước ối sao cho phù hợp trong ngưỡng quy định nhất.