Có cha mẹ nào mong muốn con chịu khổ, cho dù cuộc sống của họ thoải mái và đầy tiện nghi?

Với sự tiến bộ của thời đại, điều kiện sống ngày càng tốt hơn, các bậc phụ huynh luôn mong con cái không phải sống cuộc sống vất vả như mình trước đây. Tuy nhiên, một số cha mẹ lại có quan điểm khác, họ cho rằng không có khổ đau thì không có thành công. Con cái sung sướng nhàn tản thì dễ vô ơn, không biết trân trọng những gì mình đang có. Vậy nên họ luôn phàn nàn rằng trước kia mình cực khổ thế nào, cơm ăn áo mặc không có, được đến trường là một đặc ân. Trên tất cả, họ khó chịu và gieo cảm giác có lỗi vào đứa trẻ khi con “được phép” thoải mái.

Đương nhiên, để có được cuộc sống tốt đẹp, chúng ta phải cần cù và chăm chỉ. Nhưng tại sao khi có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta vẫn phải bắt con mình nếm mùi đau khổ?

Nhiều phụ huynh theo đuổi “nền giáo dục gian khổ” cho rằng trẻ con ngày nay quá hạnh phúc, là những bông hoa trong nhà kính không chịu được gió mưa, sau này ra đời không chống chọi được bão to gió lớn. Nói cách khác, sẽ thích hợp hơn nếu nói rằng một số bậc cha mẹ không có khả năng thấy con mình sống tốt.

hình ảnh

Ảnh BJH

Có một phụ huynh đăng video vào ban đêm. Video đó là cảnh con gái cô đứng trên một chuyến xe không có chỗ ngồi. Sau đó cô bé không đứng nổi nữa và kéo vali ra lối đi, ngồi xuống, nhưng lâu lâu cũng phải đứng dậy khi có người qua lại. Cô bé thậm chí còn ăn mì gói trong tư thế đó, khung cảnh thật sự rất khốn khổ. Dưới đoạn clip là lời cảm thán của người mẹ: “Có khó khăn thì phải vượt qua, dù không có khó khăn thì cũng phải tự tạo và vượt qua.” Cư dân mạng tỏ ra bối rối và hỏi tại sao không lên kế hoạch trước, phải lên một chuyến xe không có chỗ ngồi.

Không ngờ mẹ thản nhiên trả lời:

“Tôi muốn cho con nếm trải những gian khổ mà tôi đã phải chịu đựng.”

Những nhận xét như vậy thực sự khiến cư dân mạng bị sốc. Họ thực sự không ngờ rằng những lời này sẽ được nói ra bởi một người làm cha mẹ, thể hiện rằng người mẹ coi thường cảm xúc của con mình đến mức nào và không muốn con mình thoải mái ra sao.

Và tình huống này không phải là trường hợp cá biệt, một phụ huynh phàn nàn trên mạng xã hội rằng con gái mình ngày càng thiếu hiểu biết. Thực ra bà đã cãi nhau to vì cô bé muốn mua một chiếc xe đạp mà không có sự đồng ý của bà. Sau khi sự thật được tiết lộ, cư dân mạng vô cùng ngán ngẩm.

hình ảnh

Ảnh minh họa (Nguồn 163)

Hóa ra khoảng cách từ trường đến nhà cô bé không quá xa cũng không quá gần, đi xe buýt cũng không xa. Nhưng ngạc nhiên chưa, phụ huynh không cho tiền con đi xe buýt mà bắt con gái dậy sớm, đi bộ đến trường. Nhà họ không hề thiếu thốn, điều người mẹ muốn là một chút gian nan dành cho cô con gái của mình. Thế là cô bé chia ra ngày đi bộ, ngày đi xe buýt bằng tiền mừng tuổi của mình.

Nhưng việc di chuyển thế này hàng ngày khiến nữ sinh cảm thấy mệt mỏi. Cô bé cho rằng đi xe buýt tốn tiền, đi bộ thì đến lớp rã rồi. Vì thế cô bé đã xin mẹ mua xe đạp cũ. Nhưng mẹ lại cho rằng con phù phiếm, không chịu được cực khổ. Thế là hai mẹ con cãi nhau “có cần thiết bắt con phải chịu cực không khi có thể giải quyết vấn đề”. Cư dân mạng ở khu vực bình luận không thể ngồi yên.

Có người còn đặt câu hỏi, đó thật sự là con gái ruột sao, đi xe đạp không phải là nuông chiều hay làm hư trẻ. Câu trả lời của mẹ khiến người ta cảm thấy ngột ngạt: “Tôi muốn con nếm trải những vất vả mà tôi đã phải chịu đựng. Ngày xưa tôi toàn đi bộ đường núi để đến trường có sao đâu.”

hình ảnh

Ảnh minh họa (Nguồn 163)

Nhưng điều kiện sống rõ ràng đã được cải thiện, vậy tại sao chúng ta lại phải để con cháu quay trở lại hơn mười năm trước để trải qua những khó khăn của cuộc sống lúc bấy giờ? Những gì phụ huynh cho là ý định tốt thực chất không có lợi cho trẻ, đồng thời cũng là sự “hủy hoại” đối với con.

Một số cha mẹ thực sự “ghen tị” với con mình, sợ con mình sống quá tốt. Chẳng hạn như có ti vi, có máy lạnh, có quần áo đầy đủ…

Một số phụ huynh có quan niệm sai lầm về “giáo dục gian khổ” , cho rằng nếu cuộc sống của con quá suôn sẻ sẽ không chịu được căng thẳng, rất dễ bị tổn thương. Vì thế họ tìm mọi cách để làm khó con mình.

Vì tôi sinh ra trong gia đình nghèo khổ, cuộc sống của tôi rất khó khăn, nên khi thấy con mình thoải mái, tôi cảm thấy bất công và không thể chấp nhận điều đó bằng tấm lòng người làm cha mẹ, nên tôi sẽ tạo khó khăn cho con mình. Đó mới là suy nghĩ thực sự của bậc cha mẹ nêu cao quan điểm “ngọc bất trác bất thành khí” một cách lệch lạc.

Cũng có một số bậc cha mẹ sẽ đổ lỗi cho con cái những đau khổ mà họ đã trải qua. Việc sinh con hiển nhiên là quyền lựa chọn của họ, nhưng vì có thêm một người, lại có thêm một miệng ăn, cuộc sống khó khăn, còn có câu “Nếu không có con, bố mẹ đâu vất vả đến thế”.

Những bậc cha mẹ này được giáo dục hạn chế, tinh thần không vững vàng, hình thành thói quen đổ lỗi cho người khác khi có vấn đề. Ngay cả con cái cũng là đối tượng bị đổ lỗi.

Đứa trẻ không thể chọn cha mẹ nhưng có thể chọn con người mà mình trở thành. Con cái trong quá trình lớn lên chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ, từ lời nói, việc làm cho đến phương pháp giáo dục của cha mẹ v.v. Nếu một đứa trẻ vô tình có cha mẹ như vậy mà tinh thần không vững thì sau này sẽ luôn sống trong tự ti. Khi trở thành cha mẹ, những người này sẽ lặp lại cuộc sống đau khổ ngày xưa của chính mình.

Có nên chăng bắt con phải chịu khổ trong khi điều kiện gia đình không tệ chút nào, các mẹ nghĩ sao về vấn đề này? Liệu cho con thoải mái có làm hỏng con không?