Phụ huynh này cho biết, cô không ngờ mình bị các phụ huynh khác cô lập chỉ vì từ chối khoản phí đóng góp để mua quà tặng giáo viên.

Để bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với giáo viên đang dạy học cho con, từ lâu, việc phụ huynh tặng cho các thầy cô giáo những món quà vào các dịp đặc biệt là điều vốn dĩ hết sức bình thường. Người ta có thể hiểu rằng, đây đơn giản chỉ là hành động bày tỏ sự biết ơn, cảm kích khi giáo viên đã có công dạy dỗ con cái mình. Thế nhưng càng về sau, văn hóa tặng quà cho giáo viên lại càng dễ bị “’bóp méo” và dần trở nên một khái niệm xấu bởi một số bộ phận phụ huynh, và câu chuyện dưới đây chính là một ví dụ điển hình nè các mẹ.

Mạng xã hội gần đây “rần rần” với một vụ việc tại Liễu Châu, Quảng Tây. Một phụ huynh học sinh đăng tải chuyện mình bị kích ra khỏi nhóm chat lớp của con chỉ vì…. không đồng ý đóng góp phí tặng quà cho cô giáo. Câu chuyện gây ra nhiều luồng tranh luận, nhất là đối với các bố mẹ cũng đang có con nhỏ trong độ tuổi đi học.

Người mẹ cho biết con mình đang học Tiểu học, vừa nhận lớp và bắt đầu năm học mới không lâu. Ban đầu, cô cảm thấy rất hài lòng vì môi trường học tập của con cũng khá ổn, giáo viên quan tâm đến học sinh. Thậm chí để tiện theo dõi và hỗ trợ nhau, tất cả các phụ huynh trong lớp con còn lập ra một nhóm chat lớp riêng để bàn luận bên cạnh nhóm chat do cô giáo thành lập.

Một ngày nọ, vài người đưa ra ý kiến trong nhóm chat riêng không có cô giáo rằng, họ muốn phụ huynh cả lớp đóng góp một số tiền để tặng quà đầu năm học cho cô giáo. Khi cô vui lòng, chắc chắn con cái của họ cũng sẽ được chăm chút kỹ càng hơn. Món quà được nhóm phụ huynh này chọn lựa là một bộ mỹ phẩm hàng hiệu rất đắt tiền, thế nên phần đóng góp của mỗi phụ huynh cũng không hề rẻ.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Người mẹ trên cảm thấy khoản đóng góp này là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, hơn nữa, số tiến không phải nhỏ nên đã lên tiếng từ chối không tham gia. Nghĩ rằng mọi chuyện đơn giản chỉ có thế, không ngờ cô đã bị phụ huynh của cả lớp con đang theo học cô lập và mời ra khỏi nhóm chat.

Những phụ huynh khác cho rằng tặng quà đắt tiền cho cô giáo là điều hết sức bình thường, vậy mới chứng tỏ được tấm lòng. Phụ huynh cả lớp ai cũng đồng ý, chỉ riêng cô từ chối tham gia, xem như là không cùng chung chí hướng, thế nên tốt nhất là cứ… ra ngoài nhóm chat và chơi một mình. Vài người khác lại lên tiếng rằng chẳng hiểu người mẹ này nghĩ gì mà từ chối đóng góp, không sợ con mình không được quan tâm hay sao. Đỉnh điểm có người còn gửi tin nhắn rằng: “Nhóm này không phải nhóm chính thức có cô giáo, nhóm cũng hoạt động theo số đông, để các phụ huynh giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau. Thế nên nếu không theo số đông, mời chị tự nguyện rời khỏi nhóm”.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Người mẹ vô cùng bất ngờ và bức xúc, không hiểu nhóm phụ huynh này nghĩ gì. Cô không quên chụp lại cuộc trò chuyện, sau đó rời khỏi nhóm chat. Từ đó, các phụ huynh trong lớp cũng tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ và cô lập, không nói chuyện với cô. Người mẹ chia sẻ câu chuyện công khai vì muốn hỏi mọi người rằng liệu mình có sai hay không. Cô cũng cho biết sở dĩ mình không đồng ý với khoản đóng góp này vì thấy nó rất vô lý. Tặng quà riêng cho giáo viên không phải là nghĩa vụ của phụ huynh, đằng này lại là một khoản tiền không hề nhỏ. Mỗi năm cũng có không ít dịp lễ Tết, đóng lần này rồi những lần khác không lẽ lại tiếp tục hay sao? Trong khi dịp nhập học cũng không phải là dịp quá quan trọng để tặng quà. Giáo viên dạy học đúng là vất vả thật nhưng tiền của phụ huynh cũng có giới hạn.

Câu chuyện được đăng tải gây ra nhiều luồng tranh luận trên mạng xã hội. Người thì cho rằng tặng quà giáo viên là bình thường, vì là nhóm riêng, thấy người mẹ không cùng chung chí hướng nên mới ra khỏi nhóm cũng đúng. Nhiều ý kiến khác lại vô cùng bức xúc, cho biết họ hoàn toàn ủng hộ quyết định của người mẹ này, vì hành động của các phụ huynh khác trong lớp là đang ép buộc:

- Vậy chẳng lẽ cứ phải có tiền tặng cô giáo quà giá trị thì con mới được quan tâm hay sao? Việc này gần giống như là đang “chạy cửa sau” cho con chứ không phải bày tỏ lòng biết ơn với cô giáo.

- Tặng quà thì thiết nghĩ nên đúng nơi đúng lúc, cũng không thể ép phụ huynh nào cũng đóng góp vào khoản này được, vì đây đâu phải là khoản bắt buộc, lỡ gia đình họ không đủ điều kiện thì sao?

- Có chắc là cô giáo muốn nhận quà đắt tiền từ phụ huynh học sinh hay không? Với những giáo viên thực sự có tâm và có tầm, họ sẽ không muốn nhận quà như thế này đâu.

- Đóng lần này thì sẽ tiếp tục có những lần khác nữa, mẹ này từ chối là quá hợp lý rồi.

Thực ra cách ứng xử giữa phụ huynh học sinh và giáo viên luôn là đề tài được nhiều người quan tâm. Không ít phụ huynh nghĩ rằng, càng nịnh ngọt hoặc càng tặng quà đắt tiền, giáo viên sẽ càng quan tâm đến con mình nhiều hơn, nhưng sự thật lại không phải như thế.

Cho con đi học, chắc chắn phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có được một môi trường giáo dục tốt nhất, học được nhiều bài học hay, được bạn bè yêu thương, thầy cô giáo quan tâm dìu dắt. Không ít phụ huynh lo sợ con bị “đì”, bị đối xử bất công nên âm thầm tìm những cách “đi cửa sau” như tặng tiền, tặng quà liên tục,… để “gửi gắm” con cho giáo viên. Đây không thực sự là một cách làm hay vì với những người giáo viên chân chính, dù hoàn cảnh học sinh có như thế nào thì họ vẫn có trách nhiệm dìu dắt, dạy dỗ học sinh nên người. Nói tóm lại, với một người giáo viên có tâm thì tất cả học sinh đều sẽ được quan tâm, dạy dỗ như nhau bất kể hoàn cảnh gia đình.

Gửi con đến trường không phải là giao phó tất cả cho thầy cô giáo, mà phụ huynh vẫn phải có trách nhiệm đối với con cái mình, hợp tác đúng cách với giáo viên của con để đem lại cho trẻ một môi trường giáo dục toàn diện cả ở trường lẫn ở nhà. Đối với giáo viên, họ sẽ có thiện cảm hơn với những phụ huynh văn minh, có trách nhiệm với con cái và luôn phối hợp chặt chẽ với nhà trường.

Dưới đây là những điều phụ huynh nên làm để có thể giao tiếp, trao đổi với giáo viên một cách hiệu quả. Từ đó cũng giúp con em mình có được môi trường học tập tốt đẹp hơn thay vì sử dụng những câu xu nịnh hay tặng quà cáp đắt tiền.

Nắm rõ nội quy của trường

Trước khi cho con đến trường, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ càng về nội quy của trường học đó. Một khi đã tham gia vào tập thể, phụ huynh phải biết rõ rằng con em chúng ta bắt buộc phải tuân theo nội quy của nhà trường.

Do đó, bố mẹ đừng bao giờ làm khó giáo viên bằng cách đưa ra những đòi hỏi cá nhân. Nếu thắc mắc gì về chính sách hoặc nội quy nhà trường, lớp học, hãy trao đổi trực tiếp với giáo viên đang đứng lớp của con để có được câu trả lời thỏa đáng.

Hợp tác với nhà trường

Khi nhà trường đưa ra những thông báo, hoạt động, phụ huynh nên chủ động có trách nhiệm bằng việc xác nhận cho con em mình tham gia hoặc không tham gia đầy đủ. Nên nhớ rằng con đi học thì ngoài sự dạy dỗ của thầy cô, con còn cần sự quan tâm từ chính gia đình nữa.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Hợp tác với nhà trường trong chuyện dạy dỗ, chăm lo việc học của con sẽ giúp trẻ đạt được kết quả tốt, giáo viên cũng không bị quá mệt mỏi và từ đó, chắc chắn sẽ có thiện cảm với phụ huynh hơn.

Sử dụng công nghệ đúng mục đích

Hiện nay, việc sử dụng các nhóm chat làm phương tiện trao đổi giữa giáo viên và học sinh rất thông dụng. Đây là cách thức truyền đạt, tiếp nhận thông tin tiện lợi, không tốn kém nên được rất nhiều trường lớp sử dụng. Tuy nhiên, cũng có nhiều rắc rối và phiền phức đến từ nhóm chat này nếu phụ huynh không có cách ứng xử đúng mực.

Hãy nhớ rằng đây là group trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên – đại diện cho nhà trường. Thế nên bố mẹ cần tiết chế, không đem chuyện cá nhân ra trao đổi để tránh làm phiền người khác cũng như “trôi” thông báo – điều rất dễ xảy ra trong một nhóm chat với số lượng thành viên lên đến vài chục người. Hãy là một phụ huynh văn minh, lịch sự, không nói chuyện riêng, không trao đổi buôn bán,… trong group chung để tránh làm phiền giáo viên cũng như các phụ huynh khác nhé cả nhà.

Không bênh vực con vô lý

Một trong những điều khiến nhiều giáo viên phải đau đầu nhiều nhất đó chính là gặp phải những phụ huynh luôn bênh vực con một cách mù quáng. Đành rằng bố mẹ nào cũng yêu thương con mình, nhưng bênh vực quá mức, bất kể đúng sai, luôn nghe theo con thì lại là một điều hoàn toàn không nên.

Phụ huynh nên có cái nhìn nhận khách quan để xử lý vấn đề đúng mực, và đặc biệt cần tôn trọng thầy cô giáo là người đang trực tiếp dạy dỗ con em mình. Việc bênh vực vô lý khi chưa biết đúng sai vừa có thể khiến trẻ hình thành tính tự mãn, ỷ lại, vừa có thể khiến giáo viên bị bất mãn, không còn ánh nhìn thiện cảm dành cho phụ huynh học sinh đó đấy ạ.

Thảo luận cởi mở và trung thực

Khi con có vấn đề, bố mẹ nên học cách trao đổi trực tiếp, cởi mở và trung thực với giáo viên. Hãy tìm cách giải quyết với chính giáo viên của con đầu tiên thay vì đi kể lể với những người không liên quan ở xung quanh.

Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, và khi đang ở một môi trường đặc thù như môi trường giáo dục, phụ huynh cũng cần có cách xử sự văn minh vì chính con cái đang nhìn vào và học hỏi theo gương chúng ta. Trường học, các thầy cô giáo chắc chắn sẽ luôn đón tiếp, ghi nhận các ý kiến đóng góp đúng mực của phụ huynh thông qua những cuộc thảo luận thẳng thắn và trung thực.

Nói tóm lại là mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên sẽ luôn có sợi dây liên kết là đứa trẻ ở chính giữa. Tất cả mọi thứ sẽ đều xoay quanh mong muốn làm thế nào để con em, học sinh của chúng ta tốt lên. Mục đích hoàn toàn tốt đẹp là thế nên cả hai bên đều cần có cách cư xử đúng mực, tôn trọng lẫn nhau. Mong là các phụ huynh cũng sẽ hiểu được những nguyên tắc giao tiếp với giáo viên, đừng làm khó giáo viên và cả những người xung quanh bằng những đòi hỏi vô lý và quá đáng.