Sử dụng kem chống nắng là một công đoạn quan trọng trong quá trình chăm sóc và bảo vệ da hàng ngày, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về kem chống nắng. Bài viết sau sẽ trả lời một số câu hỏi về thành phần, công dụng, cơ chế tác động hay cách sử dụng kem chống nắng để có hiệu quả tốt nhất.
1. Chỉ số SPF trong kem chống nắng bao nhiêu để đạt hiệu quả chống nắng?
Chỉ số SPF là mức đo lường về khả năng chống tia UVB trong một loại mỹ phẩm, được định mức bằng tỷ lệ phần trăm và số giờ tác dụng khi bôi kem chống nắng lên da. Theo thang định mức quốc tế thì 1 SPF sẽ hạn chế tác động của tia UV lên da trong khoảng 10 phút.
Không có sản phẩm chống nắng nào chống được 100% tia UVB, hiện nay kem chống nắng có chỉ số SDF cao nhất là 100 và thấp nhất là 15. Thông thường, chỉ nên chọn các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 60 với tỷ lệ chống lại tia UVA:UVB là 1:1⁄3. Vì SPF càng cao thì chỉ số chống lại tia UVB cao nhưng khả năng chống UVA bị giảm xuống và kem sẽ lưu lại lâu trên da dễ làm bít tắc lỗ chân lông gây mụn, nhờn, tăng quá trình lão hóa da.
Các sản phẩm có SPF trên 60 chỉ nên dùng ở những vùng da đang điều trị nám, vùng da dị ứng hay có các bệnh lý đặc biệt khác. Đối với da mụn, da đang bị sưng viêm chỉ nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 15 - 60 để giảm kích ứng.
2. Kem chống nắng hoạt động như thế nào?
Trong ánh nắng mặt trời khi chiếu xuống Trái Đất có tia tử ngoại (tia UV) gây tổn thương cho da khi tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài. Các tia tử ngoại có thể làm sạm da, khô da, cháy nắng hay thậm chí gây các bệnh lý ác tính như ung thư da.
Tia tử ngoại bao gồm 3 loại là: UVA (làm teo da, đen, nám da), UVB (làm bỏng da, cháy da, lâu ngày có thể gây ung thư da), UVC (bị tầng ozon giữ lại nên không gây tổn thương da).
Kem chống nắng tác dụng theo 2 cơ chế:
- Cơ chế vật lý: Thành phần chứa kẽm Oxit (ZnO) hoặc titan dioxit đánh bật tia UV, không cho nó tiếp xúc với làn da.
- Cơ chế hóa học: Thành phần chứa các chất hóa học như octisalate, oxybenzone, avobenzone, homosalate, octinoxate, octocrylen,.. các chất này thấm vào da, giups ngăn chặn các tác hại của tia UV.
3. Nên bôi kem chống nắng vào thời gian nào?
Kem chống nắng phải được sử dụng vào mỗi ngày, trước khi ra ngoài từ 15-30 phút. Nếu bạn phải làm việc ngoài trời với cường độ ánh sáng và nhiệt độ cao nên bôi lại kem chống nắng vào mỗi 2 giờ.
Nên sử dụng một lượng kem chống nắng vừa đủ cho da, không quá nhiều, cũng không quá ít để đạt được hiệu quả. Dù ở trong nhà liên tục, hay làm việc trong môi trường văn phòng vẫn nên sử dụng kem chống nắng, vì các tia UV vẫn có thể tác dụng thông qua cửa sổ hay cửa kính.
4. Có sự khác nhau giữa kem chống nắng cho da mặt và cho cơ thể không?
Thông thường da mặt sẽ mỏng và nhạy cảm hơn các vùng da khác trong cơ thể và chịu tác động trực tiếp nhất của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, nên lựa chọn riêng kem chống nắng có khả năng chống nhiệt cao, ít nhờn rít, không làm bít tắc lỗ chân lông cho da mặt.
Tránh sử dụng các loại kem chống nắng dạng xịt cho mặt do nguy cơ dễ hít phải qua đường mũi miệng. Nếu bạn sử dụng kem chống nắng dạng xịt cho da mặt thì nên xịt lên tay sau đó thoa đều trên da.
Để bảo vệ da mặt tốt nhất khi tiếp xúc trực diện với ánh nắng, ngoài bôi kem chống nắng nên sử dụng ô, nón, khẩu trang, kính râm,...
Tóm lại, kem chống nắng là một sản phẩm không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày. Không những ngăn ngừa lão hóa, làm đẹp mà nó còn bảo vệ làn da khỏi một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư da.
Để tìm hiểu thêm về các sản phẩm kem chống nắng vui lòng nhấn tại đây