Dậy thì là giai đoạn phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát như mọc lông mu, lông nách, mụn trứng cá và phát triển ngực, có kinh nguyệt, phát triển dương vật, tinh hoàn...và trẻ bắt đầu có khả năng sinh sản. Chính những biến đổi về thể chất sẽ dẫn đến những thay đổi về mặt tâm lý của trẻ trong suốt quá trình dậy thì.

Hormone ảnh hướng chính đến quá trình dậy thì ở trẻ là GnRH (Hormone giải phóng gonadotropin hay Hormone chỉ huy dậy thì) do vùng hạ đồi ở não tiết ra. Hormone này tác động lên tuyến yên tiết ra hormone hoàng thể hóa (LH) và hormone kích thích nang (FSH). Ở nữ, những hormone này kích thích buồng trứng tiết ra hormone estrogen, ở nam kích thích tinh hoàn tiết ra testosteron. Estrogen có tác dụng phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát theo hướng nữ như vú, buồng trứng, tử cung, kinh nguyệt…Ngược lại, testosteron có tác dụng phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát theo hướng nam: dương vật, lông mu, tinh hoàn, lông nách, mụn trứng cá….

hình ảnh

Hình: Cơ chế dậy thì ở trẻ nam và nữ.

Ở trẻ bình thường, trước tuổi dậy thì có sự ức chế vùng hạ đồi tiết hormone GnRH, nên trẻ không có biểu hiện của dậy thì. Trẻ sẽ không có những đặc điểm sinh dục thứ phát như mọc lông mu, lông nách, mụn trứng cá và phát triển ngực, có kinh nguyệt, phát triển dương vật, tinh hoàn…

Đến tuổi dậy thì, trung bình là 10,5 tuổi ở bé gái và 11,5 tuổi ở bé trai, vùng hạ đồi não không còn bị ức chế và sẽ tiết GnRH kích thích con đường tiết các hormone sinh dục (estrogen, androgen) gây dậy thì ở trẻ.

Nếu quá trình dậy thì này diễn ra trước 8 tuổi ở trẻ gái và 9 tuổi ở trẻ trai thì được định nghĩa là dậy thì sớm. Dậy thì sớm do não tăng tiết hormone GnRH được gọi là dậy thì sớm trung ương, nếu dậy thì sớm do sự tăng tiết hormone sinh dục (estrogen, androgen) từ cơ quan sinh dục, tuyến thượng thận hoặc từ khối u tế bào mầm thì gọi là dậy thì sớm ngoại biên.

Dựa trên những hiểu biết về cơ chế khởi phát dậy thì và dậy thì sớm. Các nhà khoa học đã tạo ra thuốc có tác dụng trong điều trị dậy thì sớm trung ương đó là đồng vận hormone GnRH (aGnRH), là chất tương tự hormone GnRH người. Bạn không đọc nhầm đâu, dậy thì sớm được điều trị bằng thuốc có tác dụng tương tự hormone GnRH người. Vậy cách nào mà thuốc này ức chế quá trình dậy thì sớm trung ương, trong khi hormone GnRH người là hormone khởi phát dậy thì ở trẻ?

Trong giai đoạn đầu khi tiêm thuốc đồng vận GnRH sẽ kích thích tuyến yên tạo ra LH và FSH. Tuy nhiên trong giai đoạn sau lại có hiện tượng điều hòa xuống làm giảm tiết hormone từ tuyến yên, do đó có tác dụng ức chế dậy thì sớm. Vì lý do này mà có thể trong 3 tháng đầu bậc phụ huynh có thể thấy trẻ vẫn dậy thì tiến triển như tăng chiều cao, phát triển vú, tinh hoàn… Tuy nhiên hiện tượng này sẽ tự hết và trẻ sẽ ngưng dậy thì sau đó. Thuốc không có ảnh hưởng lên sự sản xuất androgen của tuyến thượng thận nên lông mu vẫn phát triển.

Như vậy sau khi ngưng thuốc đồng vận GnRH có ảnh hưởng đến quá trình dậy thì tự nhiên của trẻ không? Thì câu trả lời là không. Vì thuốc không ảnh hưởng lâu dài lên trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục nên trẻ dậy thì bình thường sau khoảng thời gian trung bình 16 tháng kết thúc điều trị và thuốc không ảnh hưởng chức năng tuyến sinh dục của trẻ khi trưởng thành.

Tài liệu tham khảo

  1. Garibaldi L, Chemaitilly W (2011), "Disorders of Pubertal Development", In:Kliegman R, Stanton B, Geme J, Schor N, Behrman R, editors, Nelson


    Textbook of Pediatrics, 19e ed, Elsevier.
  2. Harrington J. (2021), “Definition, etiology, and evaluation of precocious puberty”, Uptodate, last update 2021
  3. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (2019),  “Tổng quan về dậy thì sớm”, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Tanaka T. (2005). "Results of long-term follow-up after treatment of central precocious pubertywith leuprorelin acetate: evaluation of effectiveness of treatment and recovery of gonadal function", The Journal of clinical endocrinology and metabolism, 1371