Con trai báo quá báo, bố nó còn sống sờ sờ ra đó mà nỡ nào ghi vào bài tập “dù bố đã mất nhưng mẹ vẫn rất yêu bố”.
Nhiều lúc đọc bài văn, bài đặt câu của con nhỏ mà dở khóc dở cười luôn các mẹ. Vừa tức muốn cho nó một trận nhưng nghĩ lại thấy hài nên thôi bỏ qua. Bao nhiêu chuyện trong nhà, nói xấu bố mẹ là con nó đưa vào bài tập hết. Báo bố báo mẹ chưa đủ, báo lây qua cô giáo luôn, xém chút làm cô lỡ lời.
Em xem trên trang nước ngoài một câu chuyện hề hước về bài tập của trẻ con. Nghĩ sao mà bố còn sống nhăn, con trai lại kể bố đã qua đời. Làm cô giáo tưởng thật, suýt chút đi chia buồn với gia đình. Mẹ thằng bé thì mếu luôn vì con trai chơi lớn, cứ kể chuyện bố mất lâm li bi đát như thật vậy.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: bwnet
Trước khi kể câu chuyện cười ra nước mắt cho các mẹ nghe, em muốn nhắn nhủ nhẹ đến các mẹ. Dạy con trẻ làm văn, nhất là ở tiểu học thì không nên dạy con viết hoa mỹ, mùi mẫn đâu. Vì trẻ con sẽ lại nghĩ văn là có thể viết bịa, viết dối, miễn hay là có điểm thì toang.
Như câu chuyện em được xem đây, đứa trẻ làm bài đặt câu có chữ “đứng”, “mặc dù… nhưng”. Cứ ngỡ trẻ con sẽ đặt những câu vô cùng đơn giản như “em đứng trước sân nhà” chẳng hạn. Nhưng không, con trai nhà chị này có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, hứa hẹn là biên kịch trong tương lai.
Thằng bé đặt câu thế này nè mọi người: "Bố đã qua đời và mẹ thường đứng trong phòng của bố". "Mặc dù bố đã mất nhưng mẹ vẫn rất yêu bố". Không biết bé trai tự nghĩ ra hay bí quá lấy luôn câu thoại phim nào đó. Lúc mẹ đọc bài thì dở khóc dở cười, rất lo cô giáo sẽ hiểu lầm.
Mà đúng là cô giáo hiểu lầm thật mọi người, cứ nghĩ bố thằng bé không còn nên định chia buồn với gia đình. Báo cô quá nha nhóc con, cô mà đi chia buồn thật thì có phải xấu hổ, lỡ lời không.
Mẹ cũng có đi giải thích với cô, lúc nói mẹ cứ cười, bố nó vẫn còn sống, cũng không phải bi kịch mẹ đơn thân nuôi con một mình gì đâu cô. Đêm nào bố nó chẳng ngủ cạnh nó. Cô giáo cũng hết biết nói sao với học trò nghịch ngợm này.
Về nhà, mẹ còn tò mò cố hỏi xem con có bao giờ viết mẹ lên bàn thờ ngắm gà chưa. Ai ngờ thằng bé bảo con không, vì con biết mẹ sẽ đọc bài tập của con. À thì ra vì lo mẹ sẽ cho ăn roi nên con nó chỉ viết bố qua đời thôi. Mẹ vẫn sẽ bình an trong bài tập của con nhé.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: ccshsedu
Cư dân mạng khi đọc được câu chuyện người mẹ chia sẻ lại cũng bật cười, bảo suýt chút giống cô giáo, định vào nói lời chia buồn. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ được chú ý đó là con nói mẹ xem bài tập của con nhưng bố thì không. Tức là bình thường, có lẽ bố hơi không để ý đến chuyện học hành của con.
Không biết đến lúc bố biết con trai cho mình qua đời sớm thế này thì biểu cảm ra sao. Sự thờ ơ của bố đối với bài tập của con vô tình thành cái cớ để con viết hươu viết vượn mà không lo bị ăn roi. Nhưng cũng phản ánh việc bố chưa đủ quan tâm đến con.
Môi trường trẻ tiếp xúc tương đối đơn giản nên chủ đề sáng tác hầu hết lấy cảm hứng từ xung quanh. Bài vở phản ánh cuộc sống hàng ngày của trẻ, ai quan tâm con, hay xem bài tập của con là biết ngay.
Hôm trước em còn xem được câu chuyện cười về học sinh viết văn, nhưng đổi lại là bố khảo bài cho con. Con nó viết “mẹ giống như hổ, suốt ngày dùng que gõ con”. Ông bố tái mặt bảo thôi con đừng viết nữa, kẻo mẹ con gầm lên. Chắc bố phải đi kiếm túi cứu thương để sẵn, chứ mẹ con đọc được là xong.
Dạy con học hài hước lắm các mẹ, tuy là nhiều lúc tăng xông phát cáu, nhưng cũng có lúc cười xỉu. Nhất là khi con viết văn, đặt câu, đọc mà cười đau bụng luôn. Vấn đề là phải cố rút kinh nghiệm, trước mặt con nhớ làm mẹ hiền, bố tốt, chứ con nó viết bố mẹ vào bài văn chả ra làm sao thì xấu hổ với cả làng luôn.