Do vấn đề sức khỏe nên dạo gần đây mình phải uống khá nhiều loại thuốc khác nhau. Chỉ có điều, mình hay bận đến mức không có thời gian ăn. Hoặc là chán chẳng muốn ăn uống gì cả. Bởi thế, mình thường xuyên nhịn đói, chỉ uống thuốc đúng giờ thôi.
Hôm bữa bạn mình có qua chơi. Nó thấy mình chưa ăn gì đã uống thuốc thì mắng mình một trận tả tơi, te tua luôn. Nó bảo mình là, sao chưa ăn gì đã uống thuốc. Làm như thế chẳng khác nào tự đầu độc dạ dày, không biết thương dạ dày à. Rồi cứ như vậy bảo sao yếu, suốt ngày ốm đau. Nói chung là mình bị mắng quá trời luôn.
Cơ mà mình thực sự không biết là việc uống thuốc mà không ăn gì lại hại sức khỏe. Không đói thì làm gì ăn được đâu. Mặc dù cũng có mấy lần mình uống thuốc xong thì bị say thuốc, chân tay bủn rủn, muốn xỉu luôn. Nhưng lúc đấy thực sự mình nghĩ là do mình yếu chứ liên quan gì thuốc. Giờ nghe bạn nói vậy, nghĩ lại rất có thể mấy lần đấy là vì mình không ăn gì đã uống thuốc thật.
Mang thắc mắc này đi tìm hiểu, thông qua báo chí mình thấy có chuyên gia giải đáp rồi á các mẹ. Thông tin cụ thể, mình chia sẻ ở bên dưới. Mẹ nào đang có suy nghĩ như mình thì tham khảo xem nha.
Nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ để uống cho chuẩn. Ảnh minh họa, nguồn: VNN
Chuyên gia nói gì
Theo DS. Huỳnh Ngô Minh Trang (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM), để trả lời câu hỏi này, bạn cần phải hiểu lý do tại sao cần uống thuốc trước khi ăn hoặc sau khi ăn.
Có một số loại thuốc sẽ gây tác dụng phụ đến đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, khó tiêu, loét hoặc viêm dạ dày… Những loại thuốc này gồm allopurinol, thuốc bổ sung kẽm, aspirin, diclofenac, ibuprofen, prednisolone, dabigatran… Vì thế, việc uống thuốc lúc ăn hoặc sau khi ăn là nhằm hạn chế những tác dụng phụ này.
Bên cạnh đó, có những loại thuốc cần uống trong lúc ăn hoặc sau bữa ăn để đảm bảo công dụng của thuốc. Khi ăn, nhiều quá trình sinh lý thay đổi bao gồm tăng lượng máu đến ruột, tiết dịch mật, giảm PH ruột và tăng nhu động ruột. Một số thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn với những thay đổi này như ritonavir, itraconazole…
Một số loại thuốc dành cho người bị đái tháo đường thì cần uống quanh bữa ăn nhằm duy trì khả năng giảm đường huyết sau ăn nhưng lại phải đảm bảo đường huyết không bị hạ quá mức. Còn những loại thuốc chứa enzyme tiêu hóa thường được dùng ở người bị viêm tụy mạn tính cũng nên dùng lúc ăn để đảm bảo khả năng tiêu hóa tốt.
Chuyên gia giải thích. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu
Đối với các bệnh lý hệ tiêu hóa như ợ nóng, khó tiêu, trào ngược thì cần uống thuốc quanh bữa ăn. Lý do là vì các bệnh này thường tiết axit dạ dày trong lúc ăn khiến bệnh nặng hơn. Vì thế, uống vào lúc này là nhằm hạn chế lượng axit tiết ra. Nhờ đó mà giảm triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có những loại thuốc có thể uống ở bất kỳ thời điểm nào, không kể trước khi ăn, trong khi ăn hay sau bữa ăn.
Nói chung, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả của các sản phẩm mình sử dụng.
Những thông tin này là chuyên gia chia sẻ trên báo chí. Mình đọc xong thấy có lý. Tóm lại là cứ nghe lời dặn của bác sĩ mà uống. Duy chỉ có một điểm là, dù uống bất cứ loại thuốc nào, bạn cũng không được bỏ bữa. Kể cả những loại bác sĩ nói là uống trước bữa ăn nhưng uống xong thì tầm 15 – 20 phút trở đi bạn nhất định phải ăn chút gì đó. Đừng dại mà nhịn đói kẻo lại hại thân thể mà có khi còn kéo theo đủ thứ bệnh vào người.