Con trai thành đạt, báo hiếu mẹ già một cuộc sống đủ đầy, sung túc, nhưng một bữa cơm ăn cùng con trai lúc cuối đời, bà lại không có được.
Có người từng nói “tốc độ thành công của bản thân phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ”, đời người điều đáng tiếc nhất chính là đợi đến ngày con có thể báo hiếu, cho cha mẹ cuộc sống tốt đẹp hơn thì cha mẹ đã không còn trên thế gian này nữa.
Nhưng có những người cũng đã kịp thành công, kịp báo hiếu, kịp cho cha mẹ một cuộc sống sung túc, hưởng phúc tuổi già nhưng đến cuối cùng, cha mẹ lại qua đời cô độc, bên cạnh xấp tiền con gửi về phụng dưỡng. Để cha mẹ ra đi trong sự lạnh lẽo, thiếu hơi ấm tình thân, chữ hiếu như vậy có lẽ chưa tròn, hay nói đúng hơn, chữ hiếu không thể dùng tiền mua được.
Như sự việc ở một làng quê nghèo em vừa xem, con trai thành đạt trách mẹ tiêu hoang, đến lúc mẹ qua đời chỉ còn vài chục nghìn trong túi. Rồi sau đó anh tự mình bật khóc khi biết số tiền chục triệu hàng tháng gửi về mẹ đã mang đi đâu. Một câu chuyện khiến người ta nhoi nhói trong tim.
Ảnh minh họa, nguồn: kknews
Anh Quang (tên nhân vật đã được thay đổi) đã ngoài 30 tuổi, có sự nghiệp thành công với công ty đang phát triển ở thành phố. Từ nhỏ lớn lên ở quê, anh sống tình cảm và hiếu thảo, cũng biết mẹ vất vả nuôi mình khôn lớn, nên giờ thành đạt anh cố gắng cho mẹ cuộc sống sung túc nhất.
Hàng tháng anh gửi 17 triệu về cho mẹ tiêu cho thoải mái, anh còn gửi nhiều quà cáp, quần áo về cho mẹ già. Vùng nông thôn chỉ có mấy chục hộ, nên việc anh hiếu thảo, chu cấp tiền chục triệu cho mẹ già sớm đồn khắp làng, ai cũng ghen tị với mẹ anh vì có đứa con ngoan, giỏi.
Tuy nhiên, dù bề ngoài trông bà rất hạnh phúc, đáng ngưỡng mộ nhưng chỉ có mẹ anh Quang biết rằng bà thực sự không thấy hạnh phúc. Có đứa con tài giỏi thế này, bà thực sự rất vui nhưng có điều con trai bà quanh năm đều bận, ít khi về thăm. Mấy năm nay rồi, số lần con về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà mỗi lần con về, nói chưa được dăm ba câu lại bận rộn bỏ đi, mâm cơm đầy ắp mẹ già nấu chờ con cháu về ăn cùng cũng chẳng kịp ăn, nguội lạnh.
Ảnh minh họa, nguồn: wemp
Mấy năm trước, vì quá nhớ thương con, mẹ anh Quang có một thời gian tay xách nách mang lên thành phố ở với con. Nhưng dù bà có lên thành phố, con trai vẫn bận rộn đi sớm về khuya, cả ngày chẳng thể gặp nhau. Buổi sáng con trai vội vã đi làm, buổi tối muộn con mới về, bà đã vào phòng ngủ. Chưa kể ở thành phố lớn này, cửa đóng then cài, hàng xóm không qua lại, bà chẳng biết nói chuyện cùng ai. Bà cũng không biết dùng điện thoại thông minh hay máy tính cho đỡ buồn. Cuối cùng, buồn quá chịu không thấu, bà lại khăn gói về quê.
Vậy là anh Quang lại hàng tháng gửi hàng chục triệu về cho mẹ, nghĩ mẹ ở quê được sống sung túc, còn có hàng xóm, vậy cũng tốt. Có mấy lần bà bị ốm gọi anh Quang về vì quá nhớ con trai, nhưng cứ mỗi lần bà gọi điện thoại, anh lại kêu bận, cúp máy ngang. Cứ mỗi lần bà ốm, anh lại kêu thư ký chạy về thăm thay mình, gửi bà nhiều đồ tẩm bổ.
Lâu ngày, vì mong nhớ con trai, bệnh tình của mẹ anh Quang ngày thêm nghiêm trọng. Lại thêm người già cứng nhắc, cả làng khuyên nhưng bà cứ nghĩ bệnh già thôi, nhất quyết không đi bệnh viện. Không có con trai bên cạnh, bà còn thiết tha gì nữa, cuối cùng, bà qua đời trong cơn bạo bệnh.
Ảnh minh họa, nguồn: kknews
Anh Quang hay tin vội vã trở về nhưng mẹ còn đâu nữa. Trong lúc tổ chức lễ tang cho mẹ, anh phát hiện trong túi của mẹ chỉ còn vài chục nghìn. Anh quá bất ngờ, tháng gửi về 17 triệu, ở quê có cái gì đâu mà xài nhiều như vậy, đến khi mất mẹ chỉ còn vài chục nghìn thôi sao. Mẹ tiêu vào cái gì mà hết tiền, tới nỗi không có tiền đi khám bệnh, ra đi với ít tiền lẻ thế này.
Nhưng sự thật sau đó khiến anh Quang nín lặng. Thôn trưởng đến chia buồn cùng anh, cũng kể về những ngày cuối đời bà. Trong lúc con trai bận rộn kiếm tiền, mẹ anh đã già đi trông thấy, mỗi lần gọi điện tìm con là con bận, cả năm qua, trưởng thôn bấm số cho bà gọi con, tính ra còn chưa được 48 tiếng đồng hồ.
Người già mà, tiêu có bao nhiêu tiền đâu, chỉ muốn có con cháu bên cạnh thôi. Còn số tiền anh gửi về đó, bà đã quyên góp hết cho làng. Bà muốn xây dựng một nhà dưỡng lão để những ông bà già trong làng không có con cháu có thể đến đó trò chuyện, sinh hoạt cho bớt cô đơn.
Nghe đến đây anh Quang nước mắt như mưa, anh nghĩ về vài chục nghìn trong túi mẹ, nó cũng ít ỏi như thời gian anh dành cho mẹ lúc tuổi già. Anh day dứt và hối hận khôn nguôi, nhưng mẹ già mãi mãi chẳng còn để cho anh sửa sai và tận hiếu.
Tiền có thể cho cha mẹ già cuộc sống sung túc nhưng không thể thay thế hơi ấm tình thân. Già cả rồi, tiêu được bao nhiêu, ăn được bao nhiêu nữa, tiền chục triệu cũng thành thừa thải. Thương cha, thương mẹ, thì về thăm cha mẹ nhiều hơn, ở cạnh cha mẹ nhiều hơn, tiền ít chẳng sao, có con ở cạnh là đủ đầy.