Gần đây, thông tin về bữa ăn sơ sài dành cho giáo viên của một cơ sở trường mầm non đã gây xôn xao trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt chủ tịch huyện, một số giáo viên không kìm nén được cảm xúc còn bật khóc vì những gì họ đã trải qua.
Thông tin này đã được báo chí chính thống đăng tải, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé.
Cụ thể, vào chiều muộn ngày 17/9, gần 40 giáo viên nhân viên của trường Mầm non Ánh Dương ( ở Bà Rịa Vũng Tàu) đã đến gặp ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, để phản ánh về bữa cơm trưa. Ông Bản nói buổi gặp không có ban giám hiệu và phòng giáo dục, để các cô giáo không áp lực khi chia sẻ.
Tại đây, các giáo viên cho hay, dù phải đóng 30.000 đồng tiền ăn nhưng thực đơn sơ sài với một món chính (chả lụa hoặc măng kho thịt, trứng), cùng ít canh.
Một giáo viên khẳng định đây là sự thật rồi bật khóc. Xung quanh, nhiều đồng nghiệp của chị lấy tay gạt nước mắt.
Chị này cho hay trước đây không ai phàn nàn về bữa ăn, môi trường làm việc, cho đến khi hiệu trưởng hiện tại về trường. Năm học 2022-2023, trường đặt suất ăn công nghiệp nhưng chất lượng không đảm bảo. Đến tháng 9 năm ngoái, trường chuyển sang giao cho nhân viên cấp dưỡng nấu.
"Trường không công khai suất ăn đó bao nhiêu tiền, nhưng thức ăn ngày càng vơi đi", chị nói.
Nhiều giáo viên sau đó cho biết, cả tập thể không ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập. Theo chính sách của tỉnh, họ được hỗ trợ 60.000 đồng một ngày, chuyển thẳng vào lương. Sở dĩ họ không tự túc ăn trưa vì ban giám hiệu thông báo nếu không ăn ở trường sẽ bị cắt khoản này.
"Cuối học kỳ trước, khay cơm chỉ có hai lát chả cá nhỏ và canh, tôi thắc mắc với công đoàn nhưng nhận được sự im lặng", một giáo viên khác kể. Cô này nói bữa ăn bèo bọt, trong khi giáo viên mầm non phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ.
Ảnh chụp một số bữa cơm trưa ở trường theo phản ánh của các cô giáo, ảnh: VNE
Ngoài ra, trong các dịp lễ như 20/11, khai giảng..., nhà trường tổ chức tiệc nhưng các món ăn sơ sài, có khi chỉ là tô bún gà, chả cá. Nhân viên cấp dưỡng cho biết nguyên liệu hiệu trưởng đưa xuống bao nhiêu thì họ nấu bấy nhiêu.
"Lúc đẩy cơm lên cho các cháu, các cô hỏi hôm nay món gì ngon, tôi không dám nói vì các cô biết sẽ không ai ăn nổi", một cấp dưỡng nói. Bà cho biết thêm ở trường có 6 người nấu nướng cho 450 trẻ và 45 giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, họ phải làm thêm nhiều việc như nhổ cỏ, đẩy đất, đào cây, quét rác...
Sau khi sự việc lan truyền trên mạng, tối 15/9, các giáo viên đã được trường hoàn trả số tiền cơm còn thừa trong tháng (11 ngày, 377.000 đồng). Trường chuyển qua đặt cơm bên ngoài, mỗi suất 25.000 đồng.
"Chúng tôi hài lòng với suất ăn hiện tại", nhiều người nói và đề nghị huyện làm rõ sự việc.
Buổi gặp mặt của các giáo viên mầm non và chủ tích huyện, ảnh: VNE
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho biết sẽ không bao che, dung túng cho những việc làm sai trái.
"Ghi nhận sự việc cho thấy ức chế của các cô tương đối lớn. Tôi xin lỗi vì không phát hiện sớm, để các cô bị dồn nén, chịu đựng", ông nói.
Ông Bản yêu cầu Phòng nội vụ thanh tra toàn diện trường Mầm non Ánh Dương, kể từ thời điểm bà Phan Thị Hán Huệ làm hiệu trưởng. Đồng thời, ông cam kết làm tròn trách nhiệm, xử lý sự việc công tâm.
Trường mầm non Ánh Dương nơi xảy ra sự việc, ảnh: NĐT
Sáng 18/9, bà Huệ nói mong muốn cơ quan chức năng làm sáng tỏ những phản ánh của giáo viên.
"Nếu sai, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không sai, những người tố cáo phải xin lỗi tôi".
Năm ngoái, một cấp dưỡng của trường đã tố cáo ban giám hiệu về khẩu phần ăn của trẻ, sau đó bị chuyển làm nhân viên vệ sinh và sa thải. Đầu tháng này, TAND Mầm non Ánh Dươntuyên buộc trường Mầm non Ánh Dương phải nhận người này lại làm việc, bồi thường 88 triệu đồng.
Vì sao đề xuất xếp hạng giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc?
Cô giáo Nguyễn Thùy Dương có 15 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ ở một trường mầm non tại quận Hà Đông (Hà Nội) tâm sự, vì yêu nghề mến trẻ nên không quản ngại nắng mưa đến trường từ 6 giờ sáng và chỉ rời trường khi phụ huynh đón hết học sinh. Lắm hôm, phụ huynh tắc đường, gọi điện có việc về trễ, cô giáo vẫn phải nán lại ở lớp đến 7 giờ tối trông trẻ trong khi con mình cũng bơ vơ ở trường chưa ai đón.
“Giáo viên mầm non phải vừa dạy, vừa dỗ, chăm sóc cùng lúc hàng chục trẻ, trong đó lo cho các con ăn, uống, học hát, học múa, cho uống thuốc khi ốm, nôn trớ, vệ sinh… Áp lực nghề nghiệp cũng rất lớn khi phụ huynh liên tục có ý kiến, đòi hỏi chăm sóc toàn diện thế nhưng mỗi tháng đồng lương vẻn vẹn 6 triệu đồng”, cô Dương nói.
Đồng lương không đáp ứng cuộc sống, nhiều năm liền cô Dương vừa đi dạy vừa bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Cuối cùng, cô quyết định bỏ nghề, tự do kinh doanh.