Sau đợt dịch kéo dài, nhìn lại giá cả trước và sau dịch thấy tăng chóng mặt. Mấy chị em nội trợ cứ kháo nhau làm sao để chi tiêu hợp lý trước cơn bão giá và thu nhập chẳng những không tăng mà có khi lại giảm nữa.
Không riêng gì người tiêu dùng đâu, người kinh doanh cũng lo ngại khi giá cả các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đồng loạt tăng giá trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cứ nghĩ thử xem, khi giá cả tăng quá cao, nhưng thu nhập không tăng mà có khi giảm, việc chi tiêu sẽ trở nên e dè hơn. Cả người bán lẫn người mua đều thiệt hại.
Mới đây trên trang Zing News em đọc được một bài đánh giá thị trường rất hay. Theo bài đăng, chị Thảo ở thành phố Thủ Đức than vãn, cầm tờ 500.000 đồng đi siêu thị thấy chẳng mua được bao nhiêu, về nhà coi lại mới thấy cái gì cũng tăng giá: Mồng tơi trước có giá từ 20.000 - 25.000 đồng, nay lên hơn 30.000 đồng/kg, cải ngọt nay giờ có giá 44.000 đồng/kg, hành lá 81.800 đồng/kg, ngò rí 60.000 đồng/kg, súp lơ xanh 65.000 đồng/kg, cà rốt 34.000 đồng/kg, đậu cô ve 39.900 đồng/kg... đặc biệt thịt heo cũng ở mức giá khá cao.
Tại các chợ truyền thống, giá cả các mặt hàng trên cũng tương đương siêu thị. Nhiều tiểu thương cho biết giá xăng dầu tăng, cộng thêm yếu tố thời tiết mưa bão, rau khó nhập về khiến giá cả tăng lên.
Một số người cho rằng, có nhiều tác động khiến giá thực phẩm tăng, nhưng cốt lõi vẫn là do giá xăng dầu rồi đến phân bón, vật tư nông nghiệp tăng phi mã. Đó là chưa nói đến do dịch bệnh kéo dài phải áp dụng lệnh giãn cách, nhiều hoạt động cản trở khiến nguồn cung hạn chế.
Nhìn chung trên thị trường hiện nay một số loại rau gia vị tăng cao, dao động ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn các loại rau củ khác giá cũng tăng từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Các loại rau củ quả ở Đà Lạt đang khan hàng và một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc tăng hơn trước. Lý giải cho điều này có thể vì người nông dân chần chừ không dám xuống giống, không dám sản xuất nhiều vì lo sợ dịch bệnh một lần nữa bùng phát. Ngoài ra, giá phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng gấp 2 – 3 lần kết hợp với giá xăng tăng cao thời gian qua làm ảnh hưởng đến giá nông sản.
Đứng trước thực trạng người mua vì giá cả tăng, thu nhập giảm nên phải ‘thắt lưng buộc bụng’, người bán thì cũng chẳng bán được vì người tiêu dùng còn e dè, thiết nghĩ Nhà nước cần có động thái kiểm soát giá cả để giữ mức cân bằng và thúc đẩy phát triển.
Chia sẻ trong bài đăng trên Zing News, TS. Nguyễn Quốc Việt là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, do áp lực tăng lạm phát khiến các chi phí tăng cao. Điều này phần nào cũng đã nằm trong cảnh báo sau đại dịch. Kết thúc quý III/2021, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn thấp, quá trình phục hồi kinh doanh có độ trễ nhất định nên dự báo lạm phát cuối năm của Việt Nam là không cao, vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát được.
Mặc dù vậy, nếu xét theo tình hình hiện tại, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng cao do dịch bệnh, thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn sẽ tạo áp lực và rủi ro lạm phát là rất lớn vào năm 2022. Chưa kể, xu thế tăng giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới khó có thể đảo chiều vào nửa đầu năm 2022.
Theo Bộ tài chính, quỹ bình ổn xăng dầu không còn dư địa để hỗ trợ nữa. Vì thế, thời gian tới người dân rất cần cơ quan chức năng giảm các loại thuế và phí tính trên giá xăng dầu để hỗ trợ tăng cường. Ví dụ: thuế giá trị gia tăng rất cần phương án giảm ở một số lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh để hỗ trợ phục hồi sản xuất và kích cầu trong nước.
Rõ ràng đời sống người dân giai đoạn này hết sức khó khăn, kinh tế dù đang dần hồi phục nhưng vẫn còn khá chậm. Việc tìm ra giải pháp để đảm bảo cân bằng cung cầu và giá cả nguyên liệu xăng dầu cùng các mặt hàng thiết yếu là hết sức cấp thiết.
Điều duy nhất mà nhiều người nên làm lúc này là cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, đảm bảo tiêu xài vừa với túi tiền của mình, chuẩn bị trước tâm thế và đón đầu với vấn đề lạm phát cùng giá cả tăng cao để từ đó có kế hoạch cân đối thu chi trong gia đình.