Ối giời, quý cô bác anh chị ơi, giá xăng sắp tăng lên nữa rồi đó. Không biết đến khi nào mới có dấu hiệu dừng lại nữa đây?
Theo đúng lịch là vào ngày 11/6/2022 tới đây sẽ tiếp tục điều chỉnh giá xăng, có lẽ mọi người vẫn đang hồi hộp ngóng tin giá xăng sẽ lên hay xuống phải không?
Báo Thanh Niên sáng nay em mới đọc được, giá dầu thế giới hôm nay lại tiếp tục leo dốc, vọt lên 124 USD/thùng. Qua thống kê cho thấy giá dầu đã tăng hơn 2% so với phiên giao dịch trước và đây là mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Vì lẽ đó, dự kiến đợt điều chỉnh ngày mốt 11/6/2022, giá xăng có thể tăng thêm gần 1.000 đồng/lít, nghĩa là sẽ vượt mốc 33.000 đồng/lít.
Lãnh đạo của một công ty đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay giá xăng thế giới đến nay đã cao hơn giá trong nước từ 700 – 900 đồng/lít, còn giá dầu cao hơn từ 1.500 – 2.000 đồng/lít.
Trang Reuters vừa chia sẻ rằng lượng dự trữ dầu thô và tồn kho xăng cùng sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh trong tuần qua, nhưng theo các nhà phân tích phán đoán giá dầu thô vẫn sẽ tiếp tục theo đà tăng trưởng dựa trên quy luật cung cầu, thêm nữa thị trường hiện vẫn đang kỳ vọng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại vào mùa hè này.
Thực tế, nguồn cung dầu thô trên thế giới vẫn còn eo hẹp do mâu thuẫn tại Ukraine còn kéo dài và chưa có hồi kết. Cách đây vài ngày, Ngân hàng Thế giới đã báo cắt giảm 1/3 kế hoạch tăng trưởng toàn cầu vì lo ngại về động thái ‘đặc biệt’ của Nga đối với Ukraine sẽ làm tăng thêm thiệt hại cùng với ảnh hưởng từ sau đại dịch này, nên kinh tế nhiều quốc gia sẽ đối diện với sự suy thoái.
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng giá dầu rất có thể sẽ sớm chạm mốc 150 USD/thùng trong vòng vài tháng tới, đây hẳn là tin không vui đối với nhiều người dân bởi họ biết rằng một khi giá xăng tăng sẽ còn rất nhiều thứ khác ‘té nước theo mưa’ tăng lên khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng không kém.
Đứng trước tình hình này, theo báo Tuổi trẻ đưa tin nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội (đại diện cho người dân) đặt ra vấn đề rằng giá xăng đã đội đỉnh, bao giờ mới giảm thuế?
Hàng loạt các câu hỏi liên quan được đặt ra rằng vì sao Malaysia trợ giá để có giá 13.000 đồng/lít xăng hay là Đức miễn thuế nhiên liệu trong 3 tháng, vậy thì tại sao ở Việt Nam mỗi lít xăng vẫn phải cõng trên vai 30% thuế phí các loại đẩy giá xăng lên cao ngất. Kể từ tháng 3/2022 năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định trước Quốc hội rằng nếu giá xăng dầu tăng cao thì sẽ tiếp tục dùng công cụ thuế phí, nhưng thử hỏi bao giờ mới được xem là giá cao?
Rồi khi có ý kiến giảm thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính lại lo ngại rằng chúng sẽ chảy sang Lào và Campuchia? Chả nhẽ chúng ta lại đánh đổi việc giảm thuế để có lợi cho hơn 100 triệu người dân cùng nền kinh tế với một nhóm những kẻ tuồn hàng theo đường biển ngược ra quốc tế?...
Hơn ai hết người dân mong muốn nhà chức trách sớm có phản hồi cụ thể thay vì chỉ trả lời chung chung rằng sẽ cân nhắc, rà soát và đề xuất bởi người dân không thể chờ hơn nữa với tình hình hiện nay, đều nóng lòng mong nhà chức trách dùng công cụ thuế để kìm giá xăng dầu, giúp giữ ổn định cuộc sống khó khăn sau ảnh hưởng dịch bệnh.
Đọc tới đây, một số bà con than thở rằng nếu giá xăng không được điều chỉnh phù hợp chắc họ phải chuyển hướng đi xe đạp cho tiết kiệm quá. Song rất khó đối với những ai có nhu cầu di chuyển xa khi dùng phương tiện thô sơ như thế này, nên việc điều chỉnh kìm giá xăng dầu với đa số vẫn rất cần thiết.