Dậy thì sớm – nguy cơ thấp lùn khi trưởng thành
Dậy thì sớm (DTS) được định nghĩa là sự xuất hiện một trong các đặc tính sinh dục thứ phát (tăng kích thước ngực, xuất hiện kinh nguyệt ở trẻ gái, tăng kích thước tinh hoàn, dương vật ở trẻ trai, hay sự phát triển hệ thống lông ở vùng sinh dục, nách, tăng tiết chất nhờn, mụn trứng cá …) trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai.
Trong quá trình dậy thì, các nội tiết tố sinh dục kích thích sự trưởng thành ở các đầu xương và làm trẻ cao nhanh. Tuy nhiên, sự phát triển chiều cao đạt đỉnh chỉ trong khoảng 2 năm, sau đó khi cốt hóa sụn đầu xương hoàn toàn, trẻ sẽ ngừng cao sớm hơn, gây hạn chế chiều cao ở trẻ khi trưởng thành. Một số nghiên cứu cho thấy chiều cao khi trưởng thành ở trẻ DTS không được điều trị dao động từ 151-156 cm ở trẻ trai và từ 150-154 cm ở trẻ gái, tức là trẻ mất khoảng 20 cm ở trẻ trai và 12 cm ở trẻ gái so với chiều cao bình thường của người trưởng thành .
Thuốc nội tiết kìm hãm dậy thì sớm: Giúp con được dậy thì đúng tuổi!
DTS có nhiều nguyên nhân, trong đó 80% trẻ DTS là DTS trung ương vô căn (tức quá trình dậy thì do kích thích xung từ não bộ đến tuyến sinh dục và đã loại trừ nguyên nhân do tổn thương hệ thần kinh trung ương). Phương pháp điều trị DTS trung ương vô căn hiện nay là dùng thuốc nội tiết đặc hiệu để ức chế các đặc tính sinh dục phụ của quá trình dậy thì, với mục tiêu chính là bảo đảm chiều cao trưởng thành trong giới hạn bình thường.
Thuốc nội tiết kìm hãm DTS trung ương vô căn hiện nay tại Việt Nam và nhiều nước khác là đồng vận GnRH, với hoạt chất là triptorelin. Tại Việt Nam hiện có hai chế phẩm: triptorelin 3,75 mg (giá khoảng 2,5 triệu/lọ, tiêm bắp mỗi 28 ngày, liều lượng mỗi lần tiêm phụ thuộc vào cân nặng của trẻ và do bác sĩ chuyên khoa chỉ định) và triptorelin 11,25 mg (giá khoảng 7,7 triệu/lọ, tiêm bắp mỗi 3 tháng). Hiện tại thuốc có trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế và gia đình cần tuân theo các quy định chuyển tuyến khám và điều trị của bảo hiểm y tế.
Thuốc đồng vận GnRH đã được nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả điều trị đối với sự tăng trưởng của trẻ. Hiệu quả điều trị phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi khởi phát DTS và thời điểm bắt đầu điều trị. Đối với những trẻ gái khởi phát DTS trung ương trước 6 tuổi, điều trị giúp tăng chiều cao trung bình từ 9 đến 10 cm, trong khi đối với những trẻ mắc DTS trung ương từ sáu đến tám tuổi, chiều cao tăng trung bình từ 4 đến 7 cm . Đối với trẻ trai, một nghiên cứu ước tính rằng điều trị bằng đồng vận GnRH bắt đầu ở độ tuổi trung bình là 7,6 tuổi cải thiện chiều cao khoảng 6,2 cm
Bên cạnh việc cải thiện chiều cao của trẻ, điều trị DTS trung ương còn làm chậm tiến triển dậy
thì ở trẻ, ở trẻ gái sẽ giảm tăng trưởng kích thước ngực, ngưng phát triển lông mu, ngưng kinh nguyệt, ở trẻ trai giảm phát triển lông mu và ria mép, ngưng tăng kích thước tinh hoàn và dương vật, trẻ sẽ có tốc độ phát triển tương tự như trẻ đồng trang lứa, từ đó hạn chế những rối loạn tâm lý ở trẻ khi khác biệt với các bạn, cũng như giảm nguy cơ trẻ bị lạm dụng tình dục.
Về tác dụng phụ, trẻ được tiêm thuốc đồng vận GnRH có thể bị đau nhức vùng tiêm, nhiễm khuẩn vùng tiêm, đau đầu, bốc hỏa, đau bụng, phản vệ nhưng tỉ lệ không thường gặp. Thuốc đồng vận GnRH cũng được chứng minh là không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ. Khi ngừng điều trị, trung bình trẻ có tiến trình dậy thì bình thường trong vòng 12 tháng.
Nguồn tham khảo
1. Carel JC, Lahlou N, Roger M, Chaussain JL. Precocious puberty and statural growth. Hum Reprod Update. 2004;10(2):135-47. doi: 10.1093/humupd/dmh012. PubMed PMID: 15073143.
2. Kim YJ, Kwon A, Jung MK, Kim KE, Suh J, Chae HW, et al. Incidence and Prevalence of Central Precocious Puberty in Korea: An Epidemiologic Study Based on a National Database. J Pediatr. 2019;208:221-8. doi: 10.1016/j.jpeds.2018.12.022. PubMed PMID: 30857777.
3. Cassio A, Cacciari E, Balsamo A, Bal M, Tassinari D. Randomised trial of LHRH analogue treatment on final height in girls with onset of puberty aged 7.5-8.5 years. Arch Dis Child. 1999;81(4):329-32. doi: 10.1136/adc.81.4.329. PubMed PMID: 10490438; PubMed Central PMCID: PMCPMC1718086.
4. Mul D, Bertelloni S, Carel JC, Saggese G, Chaussain JL, Oostdijk W. Effect of gonadotropin-releasing hormone agonist treatment in boys with central precocious puberty: final height results. Horm Res. 2002;58(1):1-7. doi: 10.1159/000063209. PubMed PMID: 12169774.
5. Harrington; J, Palmert; MR. Treatment of precocious puberty Uptodate2021.
6. Martinerie L, de Mouzon J, Blumberg J, di Nicola L, Maisonobe P, Carel J, -C:, “Fertility of Women Treated during Childhood with Triptorelin (Depot Formulation) for Central Precocious Puberty: The PREFER Study”, Horm Res Paediatr 2020;93:529-538.