Dậy thì sớm là sự phát triển một trong các đặc tính sinh dục thứ phát (trẻ mọc lông mu, lông nách, phát triển ngực…) trước 8 tuổi hoặc có vòng kinh đầu trước 9,5 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai (phát triển tinh hoàn).

Dậy thì sớm được chia thành 3 nhóm: dậy thì sớm trung ương, dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm không hoàn toàn.

Không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm đều cần điều trị. Trẻ phát triển sớm tuyến vú đơn độc vô căn hoặc mọc lông mu sớm vô căn thì chỉ cần theo dõi vì các tình trạng này không gây xuất hiện các đặc điểm khác trước tuổi dậy thì và ít ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ sau này.

Mục tiêu điều trị bao gồm bảo tồn chiều cao cuối cùng của trẻ ở mức chấp nhận được, chiều cao này dựa trên chiều cao di truyền (được dự báo dựa trên chiều cao của bố và mẹ), phòng ngừa chấn thương tâm lý (ví dụ như kinh nguyệt ở lứa tuổi nhỏ), nguy cơ mang thai ở trẻ gái, và giảm những ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Đối với dậy thì sớm trung ương: quyết định điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, tốc độ tiến triển của dậy thì và tiên đoán chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành.

  • Tuổi: trẻ khởi phát dậy thì càng sớm thì tiến trình trưởng thành càng nhanh kéo theo cốt hóa sớm sụn đầu xương làm giảm càng mạnh chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành. Nên nếu tuổi dậy thì của trẻ càng nhỏ thì hiệu quả khi điều trị càng cao. Trẻ dưới 6 tuổi nên được điều trị vì nghiên cứu cho thấy điều trị làm tăng chiều cao trung bình sau trưởng thành từ 9 – 10 cm ở trẻ gái, Trẻ trên 6 tuổi, hiệu quả giảm dần theo sự tăng của tuổi, khi đó cần thảo luận với cha mẹ trẻ, cân nhắc thêm các vấn đề tâm lý của trẻ.
  • Tốc độ tiến triển: nếu dậy thì sớm tiến triển chậm sẽ không ảnh hưởng đến tiềm năng chiều cao của trẻ sau khi trưởng thành. Tiến triển của dậy thì được gọi là nhanh nếu trẻ tăng chiều cao hơn 6 cm/năm, phát triển vú, hệ thống lông mu và cơ quan sinh dục nhanh trong 6 tháng.
  • Tiên đoán chiều cao: dựa vào chiều cao hiện tại của trẻ và cha mẹ trẻ, tốc độ phát triển chiều cao và tuổi của xương. Có nhiều các ước lượng chiều cao của trẻ, bác sĩ sẽ ước lượng chiều cao trẻ theo độ cốt hóa của xương trên X quang xương bàn tay, tuy nhiên đối với các bậc phụ huynh có thể ước lượng dựa theo chiều cao của cha mẹ theo công thức (chiều cao cha + chiều cao mẹ ± 13)/2 với cộng đối với trẻ trai và trừ đối với trẻ gái.

Thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương là thuốc đồng vận GnRH (là chất có tác dụng như hormone GnRH của người) với các chế phẩm như leuprolide, triptorelin, histrelin...Các bậc phụ huynh thường lo lắng về tính an toàn của thuốc đồng vận hormone GnRH? Theo các nghiên cứu, thuốc an toàn đối với trẻ vì thuốc không ảnh hưởng lâu dài trên trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục của trẻ. Cụ thể là trẻ sẽ dậy thì bình thường sau khoảng thời gian trung bình 16 tháng kết thúc điều trị . Điều trị với thuốc đồng vận hormone GnRH không ảnh hưởng chức năng tuyến sinh dục khi trưởng thành. Thời gian điều trị thường đến khi trẻ 11 tuổi, đó là tuổi dậy thì bình thường ở hầu hết các trẻ hoặc dựa trên tuổi xương.

Theo dõi điều trị: trẻ nên được đánh giá mỗi 3-6 tháng để kiểm tra các dấu hiệu dậy thì, tốc độ tăng trưởng. Tuổi xương nên được theo dõi mỗi 6-12 tháng. Nếu điều trị hiệu quả, trẻ sẽ ngưng phát triển vú và tinh hoàn, chiều cao và tuổi xương sẽ giảm tiến triển. Lông mu có thể vẫn tiến triển vì thuốc không có hiệu quả trên triệu chứng này.

hình ảnh

Hình: Theo dõi chiều cao của trẻ sau điều trị thuốc đồng vận GnRH

Đối với dậy thì sớm ngoại biên không đáp ứng với liệu pháp điều trị bằng thuốc đồng vận GnRH. Điều trị dậy thì sớm ngoại biên là điều trị theo từng nguyên nhân.

Đối với dậy thì sớm không hoàn toàn như phát triển tuyến vú sớm hoặc mọc lông mu sớm vô căn không cần điều trị nhưng cần theo dõi, tái khám lại một cách mỗi 3-6 tháng để chắc chắn rằng trẻ không tiến triển thành dậy thì sớm thực sự.

Tài liệu tham khảo

  1. Garibaldi L, Chemaitilly W (2011), "Disorders of Pubertal Development", In:Kliegman R, Stanton B, Geme J, Schor N, Behrman R, editors, Nelson


    Textbook of Pediatrics, 19e ed, Elsevier.
  2. Harrington J. (2021), “Definition, etiology, and evaluation of precocious puberty”, Uptodate, last update 2021
  3. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (2019),  “Tổng quan về dậy thì sớm”, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Tanaka T. (2005). "Results of long-term follow-up after treatment of central precocious pubertywith leuprorelin acetate: evaluation of effectiveness of treatment and recovery of gonadal function", The Journal of clinical endocrinology and metabolism, 1371