Tham gia chương trình hẹn hò trên truyền hình, chị gái 42 tuổi được ghép đôi với người đàn ông 40 tuổi (cùng ở Hậu Giang). 

Chị Kim Nhẫn đang kinh doanh tự do. Chia sẻ về bản thân, chị cho biết mình sống tự lập, đã có nhà riêng, công việc ổn định. Chị Nhẫn có tính thương người, thường xuyên dễ mủi lòng với những hoàn cảnh khó khăn và thậm chí bán hàng không lấy tiền hoặc giúp đỡ họ trong khả năng cho phép. 

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Hẹn Ăn Trưa)

Về chuyện tình cảm, chị Nhẫn đã trải qua hai mối tình nhưng đều có kết thúc không trọn vẹn. Trong đó, chị từng quen một anh ngoài Bắc vào Hậu Giang công tác. Khi biết anh đang ly dị vợ, có hai con nhỏ, chị Nhẫn đã chân thành khuyên người này nên hàn gắn với vợ cũ và chị chủ động cắt liên lạc với anh. 

“Em cần một người đàn ông chững chạc, có hiếu với gia đình, tự lập, chung thủy, không vũ phu, có chí cầu tiến”, chị gái 42 tuổi bộc bạch. 

Về phía “đàng trai”, anh Cao Tuấn (40 tuổi), đang là nhân viên nhà kho tại TP.HCM. Về chuyện tình cảm, cách đây 10 năm, anh Tuấn từng quen một cô gái nhưng không có kết thúc đẹp vì đối phương kết hôn theo ý của gia đình. 

“Em nuối tiếc thật sự vì tự ti vào bản thân khi người đàn ông kia nhà có điều kiện. Em muốn tìm một nửa có cảm xúc tương đồng, tim chạm tim, hơi thở chạm hơi thở và sống cả đời với nhau. Ba mẹ em chỉ cần kiếm cho ông bà một nàng dâu là được”, người đàn ông 40 tuổi trải lòng. 

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Hẹn Ăn Trưa)

Điểm đặc biệt của buổi gặp mặt giữa hai người này là màn tranh luận khá “căng” về chuyện tiền bạc. Anh Tuấn đặt tình huống để hiểu rõ hơn về cách quán xuyến chi tiêu của đối phương sau khi kết hôn. Anh hỏi, giả sử chồng làm lương 10 triệu thì vợ sẽ tính chi tiêu trong nhà như thế nào. 

Chị Nhẫn cho rằng, nếu chồng làm lương 10 triệu/tháng thì đưa vợ 7 triệu, giữ lại 3 triệu để “dằn túi” khi ra đường. Chị cũng cho biết 3 triệu không phải là số tiền cố định, nếu thấy chồng xài không đủ thì vợ có thể sẽ đưa thêm. Tuy nhiên, chị mong muốn chồng là người biết chi tiêu khoa học, hợp lý vì còn phải nuôi con, chăm lo cho gia đình. 

“Đối với anh, người giữ tiền là người biết tiêu tiền. Em sử dụng đồng tiền, nó phải phát huy hiệu quả tối đa. Có thể em cầm 20 nghìn đồng nhưng có thể tạo ra bữa cơm gia đình, nhưng với người khác phải dùng 200 nghìn mới có được bữa cơm ngon. Em chia sẻ là bản thân có nhược điểm là tình cảm, cứ thấy tỉ tê là em cho tiền người ta nhưng với anh là phải cân nhắc, cho đúng người”, anh Tuấn chia sẻ quan điểm cá nhân. 

hình ảnh

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Hẹn Ăn Trưa)

Từ những chia sẻ theo hướng giả dụ của “đàng trai”, có thể thấy anh xem trọng vai trò của người giữ tiền trong gia đình và sẽ đánh giá cao người biết vun vén, chi tiêu hợp lý. Điều này cũng không có gì sai bởi sau khi kết hôn, vợ chồng thường đối diện với trăm ngàn vấn đề từ ăn uống, chi phí đi lại, hiếu hỷ, chăm nuôi con, mua/thuê nhà, biếu nội ngoại… Do đó, người giữ tiền chưa chắc là người sung sướng mà trọng trách khá nặng vì phải luôn cân nhắc, đong đếm thu chi trong nhà để tránh thiếu trước hụt sau. 

Trao đổi thẳng thắn giữa anh Tuấn và chị Nhẫn về khoản tiền nong sau khi kết hôn giúp cả hai hiểu nhau hơn cũng như dễ thỏa thuận về sau. 

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Hẹn Ăn Trưa)

“Bà mối” Cát Tường cũng giúp hai người “có phản ứng hóa học” khi yêu cầu “đàng trai” thể hiện sức mạnh bằng việc ẵm “đàng gái” lên. Kết thúc cuộc gặp gỡ, hai người đồng ý trao nhau cơ hội để hẹn hò, tìm hiểu và sẽ đi đến hôn nhân nếu phù hợp.