Di chúc và thừa kế tài sản là vấn đề muôn thuở nói không bao giờ hết, bởi nếu không động đến thì thôi, chứ động đến không khéo có khi nó khiến cả nhà tan tác và mất hết tình nghĩa cũng không chừng. Vậy nên không chỉ cần biết cách cư xử khéo léo, mà chúng ta còn cần phải nắm một số điều cơ bản để tránh phát sinh những rắc rối không đáng có.

Mới đây, có anh chàng nọ thắc mắc rằng ba mẹ anh có 3 con và tất cả đều đã trưởng thành, lập gia đình riêng. Cách đây 8 năm, ba mẹ anh lập di chúc bằng văn bản tại Văn phòng công chứng, trong đó chia căn nhà cho anh cả, còn anh và em út sẽ hưởng 2 miếng đất còn lại. Sau đó không lâu, ba rồi tới mẹ anh lần lượt qua đời, lúc này 3 anh em mới làm hồ sơ khai nhận di sản thừa kế do ba mẹ để lại. Biết chuyện, chú ruột của anh xen vào kể là hồi nằm bệnh viện, ba anh có làm ‘di chúc miệng’ để lại căn nhà cho em út, chứ không phải anh cả.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Vì lấn cấn vấn đề này nên 3 anh em chưa biết sẽ chia tài sản thế nào? Rồi anh thắc mắc đứng giữa tình huống có cùng lúc 2 di chúc gồm di chúc miệng và di chúc bằng văn bản thì sẽ được giải quyết thế nào? Di chúc nào sẽ có hiệu lực đây?

Nhiều người cứ nghĩ rằng trong vô vàn di chúc được lập ra trước khi mất thì di chúc nào được lập sau cùng, di chúc đó sẽ có giá trị pháp lý được áp dụng, song thực tế không phải vậy. Theo nguyên tắc chung, di chúc nào được lập ra sau cùng và hợp pháp về mặt hình thức lẫn nội dung thì di chúc đó mới có giá trị pháp lý. Cụ thể:

* Về hình thức: Di chúc phải được lập thành văn bản, bao gồm các nội dung cơ bản như ngày tháng năm lập, họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản... Di chúc bằng văn bản không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu có nhiều trang thì phải đánh số và ký tên hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Chỉ khi không thể lập bằng văn bản được thì mới lập di chúc miệng, cụ thể đó là khi tính mạng bị đe dọa. Nếu sau 03 tháng kể từ khi lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn và sáng suốt thì di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ, không còn giá trị pháp lý.

* Về nội dung: Khi lập di chúc, người lập phải còn minh mẫn, sáng suốt, không bị dối gạt, đe dọa hoặc cưỡng ép. Phần nội dung của di chúc không được vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội.

Đối với di chúc miệng, để được xem là hợp pháp thì ngoài các yếu tố nói trên, di chúc này phải được lập trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi lập, người làm chứng cần ghi chép lại tất cả rồi cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau đó, bản ghi chép ấy cần được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong vòng 5 ngày làm việc.

Quay lại với tình huống thực tế nêu trên, theo Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phương chia sẻ vì di chúc bằng văn bản của ba mẹ có trước di chúc miệng của ba nên sẽ được xem xét trước. Sau đó, mới xét tới di chúc miệng của ba. Trong trường hợp này, anh cần hỏi lại chú ruột về di chúc miệng xem có thỏa mãn yêu cầu điều kiện nói trên không. Cho dù di chúc miệng của ba đáp ứng yêu cầu thì em út cũng chỉ được hưởng 1/2 căn nhà ấy vì đó là tài sản của ba mẹ, phần còn lại của mẹ thì anh cả vẫn được hưởng theo di chúc bằng văn bản nếu di chúc ấy được xem là hợp pháp.

Ngược lại, giả sử di chúc miệng được lập trước di chúc bằng văn bản, điều đó có nghĩa là người lập di chúc vẫn còn sống và minh mẫn, nên di chúc miệng sẽ không còn giá trị, thay vào đó di chúc bằng văn bản sẽ có hiệu lực. Trong trường hợp này, anh cả vẫn được hưởng căn nhà và 2 thửa đất còn lại thuộc về anh và em út. Việc kê khai di sản thừa kế vẫn tiến hành bình thường trong phạm vi nơi có bất động sản.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Nói tóm lại, di chúc miệng sẽ thay thế di chúc bằng văn bản khi có đủ điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật như đã phân tích. Tuy nhiên, dù là di chúc nào đi chăng nữa, ý chí để lại thừa kế tài sản cho ai cũng cần phải lập thành văn bản và có xác nhận chứng thực rõ ràng. Nắm được điều cơ bản này sẽ giúp chúng ta không phải mất thời gian để thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế cũng như phát sinh các tranh chấp không đáng có.

Ngoài ra, mọi người cũng cần lưu ý thêm rằng có 5 đối tượng được chia thừa kế tài sản, bất kể di chúc có để lại cho họ hay không, bao gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi và con từ đủ 18 tuổi trở nên nhưng không có khả năng lao động.