Dậy thì sớm là sự phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát như lông mu, lông nách, mụn trứng cá, tăng kích thước tinh hoàn, dương vật, xuất tinh… trước 9 tuổi ở nam. Khác với trẻ nữ với những dấu hiệu dậy thì khá rõ ràng như phát triển ngực, dấu hiệu dậy thì ở trẻ trai thường khá kín đáo. Do vậy, trẻ trai dậy thì sớm thường được đưa đến khám khá trễ, khi quá trình dậy thì đã tiến xa, gây ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả điều trị. (1)
Vậy làm sao để các bậc phụ huynh nhận biết được dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ nam? Nếu quá trình dậy thì của trẻ khởi phát do các xung nội tiết từ não bộ, dậy thì sớm được phân loại là dậy thì sớm trung ương với dấu hiệu đầu tiên là tăng kích thước tinh hoàn. Thứ tự tiếp theo của quá trình dậy thì là tăng kích thước dương vật và xuất hiện lông mu, và cuối cùng là xuất tinh. Thể tích tinh hoàn bình thường ở một trẻ trước dậy thì là nhỏ hơn 3 ml, trong khi thể tích tinh hoàn từ 4 ml trở lên được xem là dấu hiệu bắt đầu vào tuổi dậy thì. Điều khó khăn ở đây là các bậc phụ huynh sẽ rất khó nhận ra dấu hiệu này từ sớm vì không có dụng cụ đo thể tích tinh hoàn chuyên dụng như các bác sĩ nội tiết nhi. Bên cạnh đó, thế nào là tăng kích thước dương vật? Thực tế là, phần lớn bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám vì quan sát và thấy bộ phận này của trẻ lớn nhanh chứ không thể đo đạc cụ thể. Khi đưa trẻ đến khám, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi sẽ đo chính xác kích thước dương vật và so sánh với bảng giá trị bình thường của kích thước dương vật theo từng độ tuổi. Trung bình ở một trẻ nam mới sinh, dương vật dài khoảng 3,5 cm, ở trẻ 2-3 tuổi trung bình dương vật dài 5 cm và kích thước dương vật trung bình là 6 cm ở trẻ 6-7 tuổi. Tiếp theo dấu hiệu dương vật phát triển, bộ phận sinh dục ngoài dần thẫm màu và lông mu bắt đầu phát triển. So với hai dấu hiệu trên, các dấu hiệu mọc lông mu, lông nách, mụn trứng cá, có mùi cơ thể, mọc râu thường dễ nhận biết hơn và thường là lý do làm ba mẹ lo lắng đưa trẻ đến khám bệnh. Ngoài ra, khi quá trình dậy thì tiến xa hơn, trẻ có thể xuất hiện cương dương vật hay xuất tinh. (2)(3)
Trong quá trình dậy thì, các nội tiết tố sinh dục kích thích sự trưởng thành ở các đầu xương và làm trẻ cao nhanh. Thông thường, một trẻ trước tuổi dậy thì sẽ tăng khoảng 5-6 cm/ năm. Nếu trẻ tăng chiều cao nhanh lớn hơn 6 cm trong một năm, tầm vóc cao hơn hẳn bạn cùng lớp, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi vì có thể trẻ đã mắc bệnh dậy thì sớm. Do đó, thường xuyên theo dõi chiều cao của trẻ, ghi chú lại các mốc phát triển chiều cao cho bé cũng là một cách giúp các bậc phụ huynh nhận biết con mình bị “lớn trước tuổi”.
Ngoài những biến đổi về thể chất, trẻ bắt đầu có chuyển biến về mặt tinh thần như sự ý thức về bản thân, tính tự trọng cao, nhạy cảm với những mối quan hệ bạn bè và xã hội. Ở một cơ thể đang dậy thì, tác động của nội tiết tố tới các bộ phận sinh dục và tâm lý rất mạnh. Trẻ trai có xu hướng thích các quần áo làm từ chất liệu bóng, trơn và thậm chí là có hành động thủ dâm. Khi có biểu hiện dậy thì, trẻ sẽ tò mò với những thay đổi trên cơ thể mình, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể, sự khác biệt giới tính và bắt đầu có sự thu hút với đối tượng khác giới. Trẻ bắt đầu độc lập hơn, ít phụ thuộc vào ba mẹ hơn, thích đi chơi với hội nhóm bạn bè hơn đi theo ba mẹ và có ý thức tự khẳng định mình hơn. Đó là những thay đổi tâm sinh lý ở một trẻ bước vào dậy thì bình thường, còn ở trẻ bị dậy thì sớm, những thay đổi trên càng ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần, việc học tập và hòa nhập xã hội của trẻ. (4)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Nguyễn Phú Đạt (2016), "Rối loạn phát triển dậy thì", Trong: Sách giáo khoa nhi khoa, hiệu đính: Nguyễn Công Khanh, Lê Nam Trà, Nguyễn Thu Nhạn, Hoàng Trọng Kim. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. tr. 1281-1285
(2). Berberoğlu M (2009), "Precocious puberty and normal variant puberty: definition, etiology, diagnosis and current management ", Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 1, pp. 164-174.
(3). Dennis M, Melvin M (2011), "Puberty: Ontogeny, Neuroendocrinology, Physiology, and Disorders", In: Melmed, Polonsky, Larsen, Kronenberg, editors, Williams Textbook of Endocrinology, 13 ed. pp. pp1054-1199
(4). Garibaldi L, Chemaitilly W (2011), "Disorders of Pubertal Development", In: Kliegman R, Stanton B, Geme J, Schor N, Behrman R, editors, Nelson Textbook of Pediatrics, 19e ed, Elsevier.