Nhiều người lần đầu làm mẹ chưa biết cách chăm sóc dây rốn cho con sau sinh, vô tình khiến con bị đau, bị viêm.

Một trong những thắc mắc của những mẹ lần đầu sinh con là dây rốn khi nào rụng. Mẹ phải chăm sóc đoạn dây rốn còn lại của con thế nào cho nó mau rụng đi và được khô ráo. Dưới đây là những thông tin về dây rốn, thời gian rụng và cách chăm sóc dành cho những mẹ đang thắc mắc.

Khi nào dây rốn trẻ sơ sinh rụng đi?

1. Dây rốn là gì?

Dây rốn là bộ phận cực kỳ quan trọng đối với thai nhi. Dây rốn không chỉ kết nối mẹ và bé mà còn là con đường cung cấp dinh dưỡng, oxy cho thai nhi. Dây rốn cũng là đường dẫn chất thải từ thai nhi ra ngoài.

dây rốn trẻ sơ sinh

Khi bé chào đời, dây rốn không còn cần thiết nữa nên sẽ được cắt đi gần hết, đoạn dây rốn nhỏ được chừa lại chờ tự rụng

Dây rốn có chiều dài khoảng 50 cm. Tuy là bộ phận quan trọng nhưng khi bé chào đời, dây rốn không còn cần thiết nữa nên sẽ được cắt đi gần hết. Chỉ còn một đoạn dây rốn nhỏ được chừa lại chờ tự rụng.

2. Quá trình cắt rốn cho em bé mới chào đời

Dây rốn dài khoảng 50 cm nhưng sau khi em bé ra đời không cần đến nữa, dây rốn sẽ bị cắt đi gần hết. Quá trình cắt rốn diễn ra rất nhanh, nữ hộ sinh sẽ kẹp dây rốn bằng một cái kẹp nhựa, độ dài đoạn bị kẹp cách rốn khoảng 3 – 4 cm.

Sau đó, đặt thêm một kẹp khác gần về phía nhau thai. Đoạn dây rốn giữa hai kẹp sẽ bị cắt, tầm 2, 3 cm rốn còn lại dính với bụng sẽ giữ lại. Dây rốn không có dây thần kinh nên mẹ không cần lo sẽ làm đau con khi cắt đi.

Cắt dây rốn ngày nay được xem như một việc thiêng liêng, chính người bố hoặc mẹ cũng có thể tự tay cắt dây rốn cho con mình tùy dịch vụ sinh.

3. Thời điểm dây rốn rụng sau sinh

Đây là thắc mắc của rất nhiều mẹ, họ muốn biết rốt cuộc phải mất bao lâu để phần dây rốn còn lại (còn gọi là cuống rốn) mới rụng đi hoàn toàn. Dây rốn ở đoạn cuống lúc đầu có màu vàng hoặc sáng bóng. Khi khô đi, chuyển dần sang nâu, xám hoặc xanh.

dây rốn ở đoạn cuống ban đầu có màu vàng

Dây rốn ở đoạn cuống lúc đầu có màu vàng hoặc sáng bóng, khi khô đi, chuyển dần sang nâu, xám hoặc xanh

Không có thời điểm chính xác dây rốn sẽ rụng mà nằm trong khoảng từ 5 – 15 ngày sau sinh. Thấy nhiều nhất là rụng rốn ở khoảng 8 – 10 ngày sau khi chào đời. Lúc này đoạn dây rốn đã biến thành màu đen, khô và rụng đi.

Cũng có một số trường hợp trẻ sơ sinh sẽ rụng sớm hoặc trễ hơn. Bố mẹ không nên tự ý tác động, tự kéo dây rốn ra khỏi bụng sẽ khiến bé bị thương. Trường hợp hơn 3 tuần mà dây rốn chưa rụng hết hoàn toàn, bố mẹ nên đưa con đi bác sĩ ngay.

Sau khi dây rốn rụng đi có thể thấy chảy ra một ít máu hoặc còn lại một lớp vảy, hoặc ít dịch vàng nhạt. Điều này là bình thường và sẽ ngưng nhanh ngay sau đó. Không bao lâu sau khi dây rốn rụng mất, mẹ sẽ thấy bé có một cái rốn như người bình thường.

4. Dây rốn rụng xong bao lâu mới lành hẳn?

Để rốn bé lành hẳn thì thường cần 7 đến 10 ngày sau khi dây rốn rụng xong. Trong khoảng thời gian chờ rốn lành hoàn toàn, bố mẹ cần chú ý chăm sóc, giữ khu vực rốn của bé khô ráo, tránh viêm nhiễm.

Ngoài ra, bố mẹ cần chịu khó quan sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu không ổn như chất dịch màu vàng, màu trắng, sưng đỏ quanh rốn, chảy máu đầu dây rốn, chạm đến rốn con là khóc.

Chăm sóc dây rốn cho trẻ sơ sinh

1. Cách chăm sóc để dây rốn con mau rụng, khô ráo

  • Trước khi dây rốn rụng

Theo thời gian được báo ở trên, cần từ 5 – 15 ngày để dây rốn rụng. Trong thời gian dây rốn vẫn còn ở bụng của con, bố mẹ phải biết cách chăm sóc đúng. Điều quan trọng phải nhớ là càng giữ cho dây rốn khô ráo thì càng nhanh rụng.

vệ sinh dây rốn sạch sẽ cho trẻ

Dùng tăm bông mềm, khăn mềm lau rốn khi có dịch hoặc rỉ máu

Lưu ý khi dây rốn chưa rụng:

Giữ dây rốn khô bằng cách gấp bỉm xuống dưới rốn, để hở rốn ra, được tiếp xúc với không khí.

Không bịt kín dây rốn vì sẽ khiến rốn khó khô ráo, bị ẩm ướt, bị vi khuẩn xâm nhập gây viêm.

Tránh dùng cồn 70 độ, xà phòng vệ sinh rốn. Khi tắm phải nhớ tránh để rốn bị ướt.

Dùng tăm bông mềm, khăn mềm lau rốn khi có dịch hoặc rỉ máu.

Không dùng tay lôi kéo, nắm dây rốn, tác động cho nó nhanh rụng. Phải nhớ để dây rốn rụng tự nhiên.

  • Sau khi dây rốn đã rụng hết

Thường từ 7 đến 10 ngày sau khi dây rốn rụng sạch hoàn toàn, rốn bé mới khô ráo và lành hẳn. Đây cũng là giai đoạn cần được chăm sóc kỹ lưỡng, tránh làm ướt chỗ rốn chưa lành hẳn của bé.

Trong thời gian rốn vẫn còn ẩm ướt, có thể dung khăn mềm thấm nước lau nhẹ để vệ sinh. Cần để rốn tiếp xúc với không khí cho nhanh ráo, ưu tiên mặc đồ mát, thông thoáng. Không để bỉm chèn lên rốn, không tự ý băng kín rốn lại. Không ngâm lâu rốn bé khi tắm, tắm xong phải lau thật khô ngay.

2. Biến chứng cần chú ý

Dù rốn là một vị trí nhỏ trên cơ thể bé nhưng rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là trong giai đoạn trước và sau khi rụng dây rốn hoàn toàn. Nếu không chăm sóc kỹ rất dễ bị viêm nhiễm. Nếu gặp phải 1 trong 3 trường hợp dưới đây, các mẹ nên đưa con đi bác sĩ.

  • Thoát vị rốn

Đôi khi, rốn lồi ra ngoài là dấu hiệu của thoát vị rốn, xảy ra khi ruột và chất béo bị đẩy qua các cơ dạ dày dưới rốn. Tuy nhiên, mẹ không thể tự ý đoán bừa mà cần đi bác sĩ để xác định. Thoát vị rốn không gây đau đớn, thường sau vài năm sẽ điều chỉnh lại.

  • Bị viêm rốn

Trước và sau khi dây rốn rụng xuống hoàn toàn, trẻ rất dễ bị viêm nhiễm ở vị trí này. Nhất là khi dây rốn không được giữ khô ráo, rất dễ nhiễm trùng, nặng có thể nguy hiểm tính mạng.

Các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm rốn phải chú ý gồm chảy mủ, bị đỏ hoặc đổi màu, chảy máu dai dẳng, có mùi hôi. Một số triệu chứng khác gồm rốn bị đau, rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm có pha mủ. Hoặc dây rốn không chịu rụng hết sau 3 tuần.

Biểu hiện ở trẻ đang bị viêm rốn là sốt, bỏ bú, quấy khóc khi mẹ chạm vào rốn. Trẻ ngủ li bì, phần dây rốn còn lại và vùng quanh rốn sưng phồng, ra mủ và bị hôi.

  • U hạt rốn

Một trong những trường hợp cần đi bác sĩ là bị u hạt rốn. Thường xảy ra sau khi dây rốn rụng, xuất hiện mô màu đỏ chỗ chân rốn kèm dịch vàng. U hạt này có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài tuần sau khi cuống rốn rụng.

Việc chăm sóc dây rốn trẻ sơ sinh không thể xem nhẹ. Một khi viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính mạng, mẹ cần lưu ý thật kỹ.

Xem thêm bài nguồn tại:

https://www.healthline.com/health/parenting/baby-belly-button

https://raisingchildren.net.au/newborns/health-daily-care/hygiene-keeping-clean/umbilical-care

https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/umbilical-cord-symptoms

Xem thêm bài viết liên quan:

Chăm sóc rốn trẻ mới sinh sao cho đúng cách?

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng an toàn tại nhà

5 thứ tuyệt đối không nên đụng chạm khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh