Nỗi khổ ức chế khi kèm con học bài không của riêng ai, nhưng giận tới mức “nựng” lõm cái tường thì lần đầu mới thấy.
Đến hẹn lại lên, cuộc chiến dạy con lại sắp bắt đầu rồi ạ, không biết các phụ huynh đã chuẩn bị tinh thần đủ vững vàng chưa. Chứ còn gia đình của ông bố em xem trên QQ, không chỉ phải luyện tinh thần thép mà cần gia cố nhà cửa gấp.
Chứ ai mà tin nổi, bố dạy con làm bài tập giận tới nỗi làm cả mảng tường nứt lõm. Kiểu này mà để bố kèm con hết năm học, có khi chẳng còn cái nhà nguyên vẹn mà ở quá. Bình tĩnh bố ơi.
Ảnh: sohu
Em nghe bảo 22/8 này các bé lớp 1 sẽ bắt đầu tựu trường, các khối khác thì có thể là 29/8. Tuy nhiên, một số nơi, nghe các mẹ bảo là đã nhập học luôn rồi ạ. Mấy tuần đầu thì chắc chỉ vào nhận lớp, làm quen các bạn, cô giáo thôi. Không biết có mẹ nào đã bắt đầu kèm con học hay chưa.
Năm trước, cũng chuyện dạy con làm bài tập mà khiến biết bao phụ huynh dở khóc dở cười. Có mẹ còn úp hẳn đầu vào tủ lạnh cho đỡ tức. Bố thì tự cột tay lại để đỡ “nựng” con quá trớn. Dạy lũ nhỏ học đúng điên cái đầu ạ, tăng xông, truyền nước đủ kiểu.
Mới đây, một ông bố đã “mở bát” dạy con học, kết quả, một mảng tường đã bị lún vì cơn giận khó kiềm chế. Chuyện này xảy ra ở xứ Trung, nghe kể ông bố tốt nghiệp đại học top đầu, nhưng con thì không được giỏi như bố. Có một bài tập đơn giản mà dạy đi dạy lại 7, 8 lần con vẫn không hiểu.
Ảnh: sohu
Quá bất lực và ức chế, bố vung tay làm tường bị nứt, lõm. May là có cái tường cho bố xả chứ không chắc bố xả vào con hay tự làm mình bị tổn thương thì có khổ không. Ông bố còn gầm lên bảo: “Bố từng vào top học sinh giỏi nhất cả nước, con được một góc của bố thôi thì đã mừng rồi”.
Có người bảo chính vì bố mẹ quá giỏi lại gặp con chậm hiểu, điều đó còn bất lực, khổ sở hơn bố mẹ bình thường dạy con học. Bản thân ông bố IQ cao, tốt nghiệp đại học danh giá chẳng thể chấp nhận nổi rằng mình không dạy nổi một đứa bé tiểu học.
Bất lực hiện ra trên mặt bố, tay thì "nựng" thủng tường một mảng. Ảnh: sohu
Để lý giải vì sao bố học giỏi mà con học lẹt đẹt, chậm hiểu, có 3 nguyên nhân được đưa ra:
1. Đứa trẻ không chú ý
Dạy trẻ con nản nhất là tâm hồn mấy anh chị nhỏ treo đẩu đâu, bố mẹ giảng khản cổ mà con cứ lơ mơ bởi vì có nghe vào tai mấy đâu. Tức muốn tăng xông luôn đó mọi người, em nghĩ trường hợp này là nhà nào cũng gặp nè. Nhiều lúc mới ngồi vào bàn 2 phút đòi đi uống nước, 5 phút đòi đi vệ sinh. Bố mẹ chỉ có thể niệm chú bình tĩnh, chứ không con ăn roi mệt nghỉ.
Để khắc phục chuyện này, bố mẹ cần rèn cho con tính tập trung. Dọn sạch mấy thứ linh tinh quanh bàn học của con, chỉ để lại sách vở, bút thước. Khi con học, hạn chế tiếng ồn, không xem ti vi, điện thoại để con tập trung.
2. Con không theo kịp lời bố mẹ
Bố mẹ thì hiểu và biết hết rồi nên giảng cứ nhanh như lắp tên lửa. Con thì vẫn là tư duy của đứa trẻ nên nhiều khi nghe không kịp. Do đó, dù bố mẹ có giảng chục lần, con vẫn không hiểu nổi vì có theo kịp tốc độ bắn rap của bố mẹ đâu.
Do đó, một khi dạy con học thì bố mẹ nên nói chậm thôi và nói đơn giản theo cách dễ hiểu nhất. Hãy đặt mình vào vị trí của con, giảng giải dễ hiểu, tốt nhất là chính bố mẹ nên xem qua trước sách giáo khoa của con. Bám theo các khái niệm trong sách của con để dạy. Chứ dạy theo cách hiểu của người lớn là sai với cô giáo mà con cũng chẳng hiểu nổi.
3. Tâm lý phụ huynh có vấn đề
Nhiều khi chẳng phải do con học kém hay dạy con học cực khổ đâu mà do tâm lý phụ huynh tự làm quá mọi chuyện lên. Một số phụ huynh đánh giá quá cao con của mình hoặc họ tự tin mình học giỏi nên sẽ dạy được con giỏi. Nhưng thực tế sẽ rất phũ phàng, đâu phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là thần đồng.
Ảnh: sohu
Thực tế, có một hiện tượng gọi là “hồi quy trí thông minh”. Tức là bố mẹ có thông minh tới đâu thì con cái cũng chỉ ở mức trung bình như người khác. Không nhất thiết con cái sẽ thừa hưởng hết trí tuệ từ bố mẹ.
Thay vì bắt con thay đổi thì chính bố mẹ nên thay đổi trước, chuẩn bị tâm lý kỹ trước khi dạy con, phải thật bình tĩnh. Bố mẹ đừng bao giờ đánh giá quá cao trẻ, nghĩ rằng trẻ rất thông minh, nói ra là hiểu ngay.
Khi bố mẹ hạ thấp kỳ vọng với con tự nhiên chuyện dạy con sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Nếu đã giảng bài nhiều lần mà con vẫn không hiểu, đừng lo lắng và hờn dỗi, cũng đừng đổ lỗi cho con. Cũng đừng như ông bố dạy con trên đây, tức giận đến mức lủng luôn cái tường, đã đau tay lại còn gây hỏng tài sản, nhà cửa.
Hiệu quả của việc dạy kèm không nằm ở trình độ học vấn của bố mẹ, cũng không phải ở trí thông minh của con cái. Mà là ở việc con cái có chú ý học hay không, phương pháp của phụ huynh có phù hợp hay không.
Hy vọng năm học mới, phụ huynh sẽ đủ bình tĩnh khi dạy con học. Còn nếu không chắc chắn thì thôi gia cố nhà cửa trước đi ạ. Chứ con học xong một năm là nhà cửa lún, nứt tùm lum là toang.