Đau xương chậu khi mang thai là tình trạng thường gặp của nhiều mẹ bầu nhưng vì không hiểu về nó, nhiều mẹ lại lo lắng quá mức.
Có tới 80% phụ nữ cho biết họ bị đau xương chậu khi mang thai vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ, cảm giác đau nhói thường xuyên nhất ở hông hoặc đùi. Triệu chứng này có thể bắt đầu muộn trong tam cá nguyệt đầu tiên và tiếp tục kéo dài đến sau sinh.
Nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai
Đôi khi nguyên nhân gây đau xương chậu của mẹ bầu chỉ đơn giản là do chuột rút, đầy hơi hoặc táo bón khi mang thai. Nguyên nhân sâu xa hơn thường liên quan đến sự phát triển thai nhi, cụ thể:
Tam cá nguyệt thứ nhất
Đau xương chậu trong tam cá nguyệt đầu tiên thường là do cơ thể mẹ đang thích nghi và nhường chỗ cho em bé. Đồng thời điều này cũng có thể liên quan đến các vấn đề tiêu hóa có xu hướng khó khăn hơn khi mang thai, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Nhiều mẹ bầu bị đau xương chậu khi mang thai
Tam cá nguyệt thứ hai
Khi nhau thai phát triển sẽ tạo ra mức độ gia tăng của một loại hormone gọi là relaxin. Hormone này làm giãn các dây chằng của mẹ, bao gồm cả những dây chằng giữ xương của khung chậu lại với nhau. Các dây chằng bị giãn có thể khiến xương chậu bị đau nếu chúng kéo căng quá mức.
Tam cá nguyệt thứ ba
Càng vào những tháng cuối, việc tăng cân của mẹ bầu cũng có thể góp phần gây ra đau xương chậu. Khi bụng to lên, xương chậu của mẹ bị đẩy về phía trước và đường cong lưng dưới của mẹ trở nên rõ ràng hơn.
Đau xương chậu khi mang thai thường biểu hiện rõ nhất khi mang thai 3 tháng cuối
Điều này có thể gây căng thẳng nhiều cho các cơ của dây chằng trong và xung quanh xương chậu. Trên thực tế, đau lưng dưới và đau vùng chậu thường có mối liên hệ với nhau.
Mẹ bầu nào có nguy cơ bị đau xương chậu khi mang thai?
Mẹ có thể dễ bị đau xương chậu hơn nếu:
- Bị đau vùng chậu trong lần mang thai trước
- Đã từng mang đa thai
- Có tiền sử chấn thương vùng chậu, như chấn thương lưng hoặc gãy xương chậu
- Thường xuyên thực hiện các hoạt động gắng sức như nâng, vặn và cúi người
- Thừa cân hoặc cân nặng thai nhi quá lớn cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đau xương chậu.
Đau xương chậu khi mang thai khi nào thì đi khám?
Khi đi kiểm tra về vấn đề đau xương chậu khi mang thai, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, hỏi về các triệu chứng của mẹ và khám sức khỏe. Nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ ( MRI ) để xác định chính xác nguyên nhân gây đau vùng chậu của mẹ bầu.
Đi khám khi bị đau xương chậu khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn
Nếu mẹ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây kèm theo đau vùng xương chậu, mẹ đi khám bác sĩ ngay lập tức:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Chảy máu âm đạo
- Ngất xỉu hoặc choáng váng
- Đau bụng dữ dội
- Gặp khó khăn khi di chuyển
- Rò rỉ chất lỏng từ âm đạo
- Em bé ít hoạt động hơn
- Đi tiêu ra máu
- Tiêu chảy nhiều lần
Phương pháp khắc phục triệu chứng đau xương chậu khi mang thai
Đau xương chậu khi mang thai có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng. Có rất nhiều phương pháp điều trị, mặc dù có thể không giảm hẳn cơn đau xương chậu khi mang thai cho mẹ bầu nhưng có thể hạn chế tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Có nhiều phương pháp hỗ trợ giảm đau xương chậu khi mang thai
Một vài phương pháp mà mẹ bầu có thể áp dụng như:
Đeo dây đai khi mang thai
Những phụ kiện này sẽ giúp áp lực cơ thể xuống xương chậu của mẹ nhẹ nhàng hơn, chúng có thể phát huy hiệu quả khi mẹ kết hợp với các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
Sử dụng gối chuyên dụng
Gối bà bầu chuyên dụng sẽ giúp nâng đỡ bụng và hông của mẹ bầu, nhờ vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho dây chằng vùng chậu, đồng thời giúp mẹ có một giấc ngủ ngon hơn.
Vật lý trị liệu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số bài tập trị liệu đặc biệt có thể hữu ích trong việc giảm đau vùng chậu. Lúc này, mẹ sẽ được học các động tác kéo giãn để giảm đau cùng các bài tập để tăng cường sức mạnh sàn chậu và lưng, giúp xương chậu của mình ổn định hơn.
Châm cứu
Một số mẹ bầu thấy rằng châm cứu giúp giảm đau xương chậu khi mang thai. Khi được thực hiện bởi một bác sĩ được cấp phép và có kinh nghiệm, châm cứu được coi là an toàn cho các bà mẹ đang mong đợi.
Xem thêm bài viết liên quan tại đây:
Đau vùng xương chậu sau khi sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục