Chuyện nấu cơm vốn không khó nhưng ngày nay lại càng giản đơn hơn khi xuất hiện nồi cơm điện. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng mọi người chỉ thường chú ý đến vẻ bề ngoài của nó mà không để mắt đến phần ruột bên trong, là nơi tiếp xúc trực tiếp với cơm. Trong khi phần ruột này thường được phủ một lớp chống dính Teflon trên bề mặt, nhằm đảm bảo khả năng chống dính cho nồi cơm điện và sử dụng một thời gian sẽ bong tróc ra. Nhiều thông tin cho rằng sử dụng nồi cơm khi lớp phủ bị bong tróc có nguy cơ gây ung thư và thực hư ra sao thì mời mọi người cùng tìm hiểu nhé.

Thực tế, các nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ khi cho ra đời những chiếc nồi cơm điện, phục vụ bữa ăn hàng ngày cho mỗi gia đình, đặc biệt yếu tố sức khỏe được đặt lên hàng đầu nên mọi người cứ yên tâm sử dụng nhé. Chất chống dính Teflon không dễ phân hủy, vì nhiệt độ nấu nướng của nồi không bao giờ vượt quá 250 độ C.

Trên thực tế, chất chống dính Teflon chỉ thay đổi khi ở nhiệt độ cao từ 300 đến 400 độ C và khi đi vào cơ thể người cũng khó mà hấp thụ. Thông thường nếu lỡ có dung nạp, chất chống dính Teflon cũng sẽ bị đào thải theo đường tiêu hóa nên không hẳn là gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người đâu ạ.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Tuy nhiên, mọi người cần phải xem mức độ bong tróc chất chống dính Teflon của nồi cơm điện nhà mình. Nếu như bong tróc chưa đáng kể thì có thể sử dụng tiếp. Còn nếu thấy chất chống dính Teflon bong tróc nhiều thì mọi người đừng tiếc tiền mua nồi mới nha. 

Nguyên nhân vì việc sử dụng tiếp sẽ khiến cho cơm nóng không đều, dinh dưỡng cũng giảm đi, ăn không ngon và sau đó việc chùi rửa cũng khá vất vả do cơm bám dính nhiều. Đáng nói hơn là nếu lớp sơn chống dính bị bong tróc nghiêm trọng và lớp nền nhôm bên trong bị lộ ra ngoài, lúc này ăn cơm sẽ rất nguy hiểm, việc hấp thụ các nguyên tố nhôm trong thời gian dài có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cao, đổ bệnh thì khổ lắm.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Sau khi mua nồi cơm điện mới thì mỗi khi nấu xong, mọi người hãy vệ sinh theo 4 bước sau để giữ vẻ sạch đẹp cho nó từ ngoài vào trong, dùng bền lâu và không ảnh hưởng đến sức khỏe nhé.

Bước 1: Để đảm bảo an toàn cần rút phích cắm điện trước khi vệ sinh nồi.

Bước 2: Dùng khăn hoặc miếng bọt biển để lau bên trong, chú ý lau nhẹ nhàng mà kỹ càng để không làm tróc lớp chống dính được phủ bên trong lòng nồi. Trường hợp còn mùi thì ngâm lòng nồi trong nước ấm độ khoảng 30 phút, xong lau khô.

Bước 3: Dùng giấy nhám mịn vệ sinh mâm nhiệt và bên trong phần vỏ nồi, lúc này cũng chú ý chà xát nhẹ tay để loại bỏ bụi bẩn hay hạt cơm còn dính, sau đó lau sạch bằng vải mềm. 

Bước 4: Đối với bên ngoài của phần vỏ nồi, mọi người cũng dùng khăn mềm khô lau qua, như vậy vừa sạch vừa không lo ảnh hưởng chỗ cắm điện.

Lưu ý, trong quá trình vệ sinh nồi, mọi người phải nhớ kỹ 2 điều. Thứ nhất, tuyệt đối không cọ rửa thân nồi bằng nước hay nhúng ngập nồi trong nước vì dễ gây chạm điện và hư hỏng nồi. Thứ hai, không được dùng miếng chùi bằng kim loại để chùi lồng nồi tránh tình trạng nồi sẽ bị trầy xước và mất lớp phủ chống dính nha.