Mang bầu đã mệt rồi mà đi làm còn bị công ty hành lên hành xuống ‘đuổi khéo’, nếu không vì ‘cơm áo gạo tiền’ chắc nhiều chị em cũng nghỉ cho rồi.
Mới đây em đọc được bài trên Dân trí về chị gái nọ ở Bình Thuận, năm nay 37 tuổi kể thấy thương lắm. Lớn tuổi nhưng chắc vỡ kế hoạch nên chị mang bầu đứa thứ 3. Đến tuần thứ 25 vì sức khỏe không tốt nên chị cứ phải xin đi về sớm hoặc nghỉ thêm giữa giờ. Thời gian này công ty ít việc, lại thêm chuyện chị cứ xin bớt giờ làm, quản lý mới bảo chị hay là tự nguyện xin nghỉ để có thời gian chăm sóc 2 đứa nhỏ và dưỡng thai. Chị nghe nhưng không biết là họ có đúng ý muốn như vậy hay là ‘đuổi khéo’ mình. Nhưng về bản thân chị khi nghe lời khuyên đó cảm thấy bị tổn thương dễ sợ.
Cùng chung hoàn cảnh với chị này, bạn em ngày trước cũng thế, vừa cấn bầu thôi đã bị công ty hành lên hành xuống. Dù họ không thẳng thừng đuổi mình nghỉ việc vì họ biết rằng làm như thế là sai luật, có thể bị phạt thậm chí là bị kiện phải bồi thường đến mức ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của công ty. Chị em nào chịu đựng được còn cố gắng vượt qua, chứ chị em nào yếu mềm không trụ nổi đành phải rút lui xin nghỉ cho xong.
Nghĩ phụ nữ mình nhiều khi cũng thiệt thòi quá ha chị em. Đi học ra rồi đi làm mục đích cũng là để kiếm tiền, xây dựng mái ấm gia đình, nuôi dạy con cái. Vừa phải mang trong mình trọng trách làm mẹ - mang thai sinh con, vừa phải đi làm kiếm tiền nữa. Gặp sếp thấu hiểu tạo điều kiện để vượt qua không sao, chứ gặp người không hiểu sẽ khiến chị em thêm vất vả, mệt mỏi. Chưa kể, nghỉ hết 6 tháng thai sản đó đến khi quay trở lại làm việc chưa chắc mình được yên vị ngay tại chỗ làm đó, có thể bị xê dịch, điều chuyển, nếu cảm thấy không hợp thì tự khắc xin nghỉ. Lúc đó, mình thiệt chứ công ty họ lại mừng. Thế đấy, đó là nỗi lòng chung của chị em phụ nữ chúng mình.
Cũng bởi vì biết chị em thiệt thòi đủ thứ khi đi làm, nên em thấy quy định của pháp luật về lao động hiện giờ có nhiều ưu đãi cho chị em mình lắm. Chị em nếu nắm rõ thì có thể tận dụng hết quyền lợi của mình và đặc biệt là còn có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình nữa. Để em kể sơ qua cho chị em nắm nha:
#1. Trong thời gian hành kinh, được nghỉ thêm 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 03 ngày trong 01 tháng mà vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động đã ký. Nếu chị em không nghỉ thêm 30 phút này mà vẫn làm việc bình thường thì công ty phải trả thêm khoản tiền lương tương ứng với thời gian này.
#2. Trong trường hợp chị em có bầu được nghỉ khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần 01 ngày, nếu chị em ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thì mỗi lần khám thai được nghỉ 02 ngày. Thời gian nghỉ này được hưởng chế độ thai sản theo luật định. Mỗi ngày nghỉ được bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước nghỉ việc hưởng chế độ chia cho 24 ngày. Những ngày nghỉ này không tính ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
#3. Khi sinh con, chị em được nghỉ 6 tháng và hưởng chế độ thai sản bằng 06 tháng lương bình quân đóng BHXH của các tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ, cộng với trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2,98 triệu đồng cho mỗi con, tương đương 02 tháng lương cơ sở.
#4. Hết 6 tháng thai sản, chị em đi làm lại, nếu vẫn còn mệt thì có thể xin nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản. Tùy tình trạng lúc sinh mà chị em có thể được nghỉ hưởng chế độ từ 05 đến 10 ngày và mỗi ngày được nhận 447.000 đồng, tương đương với 30% mức lương cơ sở hiện hành.
#5. Sau khi nghỉ xong, chị em đi làm lại thì trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được tiếp tục được nghỉ thêm 60 phút mỗi ngày để cho con bú mà vẫn hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động đã ký. Tương tự với thời gian nghỉ hành kinh, thời gian nghỉ 60 phút này nếu chị em không có nhu cầu nghỉ mà vẫn làm việc bình thường thì sẽ được nhận thêm khoản tiền lương làm thêm giờ tương ứng với 60 phút này.
Không chỉ có chị em phụ nữ đi làm được hưởng lợi không đâu nha, mà theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty nếu thuê nhiều phụ nữ làm việc còn được giảm thuế và hưởng một số chính sách ưu đãi khác nữa.
Quay trở lại với chuyện của chị gái mang bầu kể trên, một bạn nữ khác cùng hoàn cảnh cũng thắc mắc, liệu rằng khi mình mang bầu, công ty có quyền đuổi mình không vì hiện nay, lúc ký hợp đồng lao động, một số công ty yêu cầu nhân viên nữ không được phép mang thai trong năm đầu hoặc trong vòng 2 – 3 năm đầu?
Thực ra thỏa thuận đó chỉ có thể ‘dọa’ người lao động thiếu hiểu biết thôi chị em ạ. Vì về nguyên tắc theo luật định, công ty không có quyền sa thải người lao động vì lý do mang thai và cũng không được quyền đuổi việc hoặc xử lý kỷ luật chị em phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, công ty không được sử dụng lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 07 trở đi hoặc từ tháng thứ 06 trở đi nếu làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm, đi công tác xa...
Chưa hết, nếu như trong lúc chị em đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hợp đồng lao động hết hạn thì được ưu tiên ký hợp đồng lao động mới.
Trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm tùy vào mức độ và hậu quả nghiêm trọng của hành vi mà có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
* Đối với mức phạt hành chính: Các hành vi sa thải hoặc xử lý kỷ luật chị em phụ nữ mang thai hoặc không ưu tiên ký hợp đồng lao động mới trong trường hợp hợp đồng lao động của chị em mang thai hết hạn thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Đồng thời công ty phải nhận chị em mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, các trường hợp không cho chị em nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày cũng áp dụng mức phạt nêu trên và buộc phải trả tiền lương ứng với thời gian nghỉ này cho chị em phụ nữ. Căn cứ quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
* Đối với mức xử lý hình sự: Nếu vì hành vi này mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người sử dụng lao động sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sa thải người lao động trái pháp luật với án phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 03 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người này còn phải bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thêm nữa, theo luật, thỏa thuận lao động nữ không được phép mang thai trong những năm đầu làm việc là thỏa thuận trái pháp luật, do đó không có giá trị về mặt pháp lý để được áp dụng và có thể bị tuyên vô hiệu. Nếu vụ việc này được đưa ra Tòa giải quyết thì phần thắng chắc chắn thuộc về người lao động.
Nhiều chị em dù biết vậy nhưng vì ‘cơm áo gạo tiền’ không muốn đôi co làm mất thời gian và phiền phức của đôi bên nên cố gắng làm. Mình càng cố gắng thì mình càng thiệt thòi thôi chị em ạ.
Sa thải hoặc cho lao động nữ đang mang thai, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ việc là một trong những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động.
Ngoài các chế tài xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên, theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành, người sử dụng lao động còn phải có trách nhiệm nhận lao động nữ đó trở lại làm việc và trả lương cùng với việc đóng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày lao động nữ đó không làm việc và ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nếu công việc hoặc vị trí đó không còn nữa mà lao động nữ đó vẫn muốn tiếp tục làm việc tại công ty thì hai bên phải thỏa thuận để sửa đổi và bổ sung (nếu có) hợp đồng lao động. Ngược lại, nếu lao động nữ không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản phải trả gồm tiền lương, tiền đóng các khoản bảo hiểm, 02 tháng lương theo hợp đồng lao động đã ký, người sử dụng lao động còn phải trả thêm khoản trợ cấp thôi việc theo quy định để chấm dứt hợp đồng lao động.
Còn nếu người sử dụng không muốn nhận lại lao động nữ đó và người này chấp nhận thì ngoài các khoản mà người sử dụng lao động phải trả theo quy định nói trên, còn phải thỏa thuận thêm khoản bồi thường ít nhất 02 tháng lương để chấm dứt hợp đồng lao động.
Trái lại, trong trường hợp không bị công ty ép nghỉ việc nhưng vì sức khỏe lúc bầu bì không cho phép để có thể tiếp tục làm việc thì chị em hoàn toàn có thể đơn phương xin nghỉ việc hoặc tạm hoãn hợp đồng.
Đối với trường hợp này, chị em không cần phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước. Thời điểm nghỉ sẽ tùy thuộc vào xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Chị em nắm rõ hết tất tần tật các quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đi làm thì không lo mình bị thiệt thòi đâu ạ. Bởi trong trường hợp bị xâm phạm quyền lợi, chị em cứ thu thập đầy đủ chứng cứ để yêu cầu Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội nơi công ty đặt trụ sở giải quyết hoặc có thể khởi kiện ra Tòa để đòi quyền lợi cho mình. Em không nói tất cả, nhưng đa số các vụ tranh chấp về lao động phần thắng thường về người lao động và đặc biệt, người lao động sẽ không phải chịu án phí, đây là một trong những quy định để bảo vệ quyền lợi của người lao động hiện nay.