Thiệt qua giờ chia sẻ chuyện rau chợ đầu mối dán nhãn VietGAP ‘hô biến’ thành rau sạch đạt chuẩn, em thấy nhiều bà con là người tiêu dùng phẫn nộ lắm. Họ cho rằng mình đã bị gạt suốt thời gian dài và siêu thị làm thế riết rồi họ chẳng còn dám tin tưởng.

Lòng tin đã mất, thế còn vấn đề sức khỏe thì ai dám đảm bảo và chịu trách nhiệm đây? Đó mới là vấn đề tiếp theo mà dư luận đang quan tâm.

hình ảnh


Ảnh: Rau củ 'dán mác tiêu chuẩn sạch' len lỏi vào các siêu thị. Nguồn: Khoa học và Đời sống. 

Trước đó, khi xảy ra vụ việc, một đơn vị đã bảo rằng sẽ bồi thường cho người tiêu dùng, nhưng em thắc mắc cơ sở nào để họ làm được việc này? Bởi đối với hầu hết người tiêu dùng đi siêu thị ở Việt Nam hiện nay, dù được nhận hóa đơn sau khi mua hàng xong nhưng có mấy ai giữ lại hóa đơn này?

Hơn nữa, em biết là rất nhiều người tiêu dùng hiện nay đang bị nhập nhằng hoặc nhầm lẫn khái niệm rau sạch với rau sạch đạt chuẩn. Đa số chỉ đánh giá bằng cảm quan bên ngoài như rau không còn đất cát, được làm sạch... nhưng thực chất theo các tiêu chuẩn còn có nhiều yếu tố bên trong như rau không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không còn tồn dư Nitrat, không tồn tại sinh vật gây hại hay kim loại nặng... Mỗi tiêu chuẩn đặt ra sẽ có những yêu cầu khác nhau mà ít ai để ý hoặc quan tâm sau về vấn đề này.

Sáng nay, em đọc báo Tuổi trẻ mới hay tin rằng sau khi nắm được vụ việc, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản đã có yêu cầu Ban An toàn Thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh cùng Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn các tỉnh vào cuộc điều tra. Đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được nêu tên.

Song song đó cũng sẽ tích cực kiểm tra và thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm để yêu cầu truy xuất rõ nguồn gốc, xuất xứ và thu hồi, xử lý lượng hàng hóa vi phạm (nếu có).

Vậy chế tài dành cho hành vi đánh tráo nguồn gốc xuất xứ, chỉ cần dán nhãn VietGAP là có thể ‘hô biến’ rau chợ đầu mối thành rau sạch đạt chuẩn là gì?

Về nguyên tắc, theo em tìm hiểu, căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tùy hậu quả của hành vi mà có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với hàng hóa vi phạm là thực phẩm, mức phạt áp dụng sẽ là gấp đôi, tức người vi phạm phải bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, có thể còn bị tịch thu phương tiện công cụ, máy móc in nhãn (nếu có), buộc tiêu hủy tang vật gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nộp lại số lợi bất hợp pháp đã thu được và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 193  của Bộ luật hình sự hiện hành với án phạt ‘ủ tờ’ từ 02 năm đến 20 năm hoặc chung thân và áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Riêng đối với pháp nhân thương mại vi phạm sẽ áp dụng hình thức phạt tiền từ 1 tỷ đến 18 tỷ và đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

hình ảnh


Ảnh trái: Nhiều mẫu rau quả ở chợ đầu mối TP.HCM bị phát hiện có dư thuốc BVTV vượt mức cho phép. Nguồn: Vietnamnet. Ảnh phải: Rau chợ đầu mối được 'phù phép' thành rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trước khi phân phối cho một số siêu thị. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Vậy đấy bà con ạ, đối với nhiều người có thể chế tài như thế này không nặng và cứ chịu hình phạt xong rồi quay lại tiếp tục vi phạm, cho nên quan trọng nhất vẫn là ở khâu kiểm soát chất lượng đầu vào. Chỉ khi lực lượng chức năng làm chặt chẽ khâu này thì may đâu người tiêu dùng mới an toàn mua hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn như những gì mà các siêu thị, cửa hàng cam kết.