Với những cặp vợ chồng trẻ, sau khi có con mà có sự giúp đỡ của ông bà 2 bên là may mắn ít có
Bởi lẽ sau 6 tháng người mẹ phải quay lại với công việc, trong khi con thì còn bé, không đủ yên tâm để đi gửi nhà trẻ. Trong nhiều gia đình, vấn đề mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khi chăm sóc cháu có thể ảnh hưởng đến hòa khí trong nhà, vợ chồng cơm không lành canh không ngọt.
Nhiều người phụ nữ mong muốn được mẹ đẻ chăm sóc trong thời gian ở cữ và sinh con. Ở với bà ngoại, mẹ hoàn toàn yên tâm khi biết rằng con luôn được bà chăm sóc tốt nhất. Mẹ mệt mỏi về nhà có thể nằm ườn ra nghỉ ngơi mà không sợ bị đánh giá, bị phán xét. Nhưng có 1 điều những cô con gái chưa bao giờ hỏi bản thân mình: Liệu bà ngoại có muốn đến ở cùng nhà con gái hay không.
1. Một mẹ già bằng 3 osin
Cô Hằng là một phụ nữ độc lập, có đầu óc sắc sảo. Sinh ra trong một gia đình đông con, từ nhỏ cô đã quyết tâm phải học thật giỏi để không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như những gia đình xung quanh mình. Rồi cô cùng vào đại học, ra trường, sớm ổn định gia đình với một đồng nghiệp ở thành phố. Gia đình chồng là giáo viên, không hề dòm ngó xuất thân “phèn chua” của cô con dâu mà ngược lại còn hết sức kính nể bố mẹ Hằng đã nuôi dạy con nên người.
Sau khi lấy chồng, Hằng ra riêng chứ không ở cùng nhà chồng vì đó là yêu cầu của cô đối với anh trước khi cưới. 1 tháng sau cô phát hiện mình đã có em bé, lại là đứa trẻ đầu tiên của gia đình chồng. Cả nhà chồng Hằng vui như Tết, bố mẹ Hằng ở quê cũng mát mặt. Nhưng 2 tuần sau thì không thấy nhịp tim thai nữa. Hằng buồn lắm nhưng may có mẹ đẻ thường xuyên gọi điện an ủi, nhà chồng cũng nhẹ nhàng khuyên bảo nên cô cũng nguôi ngoai. 3 tháng sau, Hằng lại có tin vui, lần này cô gọi về quê, nhất quyết xin mẹ lên ở cùng mình để dưỡng thai. Cô lấy lý do dù sao bố mẹ giờ cũng đã nhàn, nhà anh chị ở xung quanh, có thể chăm sóc bố. Mẹ Hằng thương đứa con gái út nên đồng ý lên ở cùng vợ chồng con gái. Dù sao cái Hằng cũng là niềm tự hào của gia đình bà, thậm chí là niềm tự hào của cả xóm. Ai cũng xuýt xoa Hằng vừa giỏi giang vừa may mắn. Lấy chồng thành phố, lại sớm có nhà riêng, được nhà chồng cưng chiều. Đi đâu bà Nguyên mẹ Hằng cũng nở mũi khoe con.
2. Nỗi khổ bà ngoại chăm con gái
Người ta hay nói xa thơm gần thối, bà Nguyên lên ở cùng con gái để chăm sóc con dưỡng thai, 2 mẹ con cũng vui vẻ được thời gian đầu. Bà Nguyên vốn người nhà quê, đầu óc lại không nhanh nhạy nên nhiều lần con rể nhăn mặt. Khi thì quên không khóa ga, lúc thì vào nhà mà lại bỏ dép trước cửa để người ta lấy mất. Dẫu sao mọi sự quan tâm đều dồn vào đứa cháu trong bụng Hằng, nên cả 3 người đều tắc lưỡi cho qua.
Khi cháu ngoại ra đời, bà Nguyên trông cháu như trông con mọn vì Hằng sinh mổ, trở mình là đau. Mẹ chồng Hằng sang năn nỉ bà Nguyên ráng chăm con cháu giúp mình, vì cô em chồng Hằng cũng sắp sinh. Mới có mấy tháng mà bà Nguyên trông gầy hơn hẳn, vừa thức đêm chăm cháu, vừa nấu ngày 3 bữa cơm cữ, chưa kể chiều tối còn phải nấu mâm riêng cho con rể. Việc trong nhà bà không hề nề hà, có khi thằng con rể đi đâu về khuya lơ khuya lắc, bà đang dỗ cháu ngủ cũng chạy ra dọn cơm. Nó ăn xong lạnh tanh không nói gì, vào phòng nựng con. Bà Nguyên cũng phải ra dọn rửa.
Nhưng buồn nhất là con gái bà, ngày nào Hằng cũng cằn nhằn mẹ, hôm thì cái tã còn dính dơ, hôm thì bà vội ẵm cháu mà không rửa tay. Có lúc sáng mẹ nhiều việc không kịp đi chợ sớm, Hằng nhìn mâm cơm là món của ngày hôm qua thì ngao ngán nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con ăn thế này sao mà có sữa cho cháu bé, mẹ không thương con sao? Tiền chợ con đâu có đưa thiếu?
Bà Nguyên đành dỗ con, rồi tranh thủ cháu ngủ thì chạy ra chợ mua thêm miếng cá miếng thịt. Đúng là tiền thì ngày nào Hằng cũng đưa, nhưng về nhà tiền dư bà đưa lại hết. Tính Hằng tủn mủn từ lúc lên thành phố trọ học, mọi chi tiêu đều phải ghi ra giấy. Bà Nguyên không biết chữ nhưng nhớ dai, đi chợ ngày nào cũng phải báo cáo cho con.
3. Mẹ nào phải người giúp việc
Khi em bé được 6 tháng thì cũng rơi vào dịp Tết. Năm nay Hằng xin nhà chồng cho cả nhà về ngoại năm đầu, chồng Hằng thuê xe riêng chở cả nhà về. Bà Nguyên vui lắm vì cả nửa năm chưa về nhà. Gặp bà ai cũng khen bà trắng ra, cũng may xung quanh có mấy cô con dâu về chăm nhà cửa bếp núc phụ nên nhà cũng tinh tươm. Có điều chồng bà không có bà ở nhà thì lại đổ nhậu, sức khỏe cũng yếu.
Ở chơi vài ngày, cả nhà con gái phải về thành phố, Hằng nhìn mẹ bảo:
- Ơ kìa sao mẹ không chuẩn bị đồ về với con?
- Mẹ tưởng mẹ về luôn chứ mẹ lên với con làm gì nữa?
- Trời ơi sau Tết con đi làm thì ai giữ bé Bi? Mẹ lên trông phụ cháu vài tháng nữa chứ giờ con không biết gửi đâu.
Chồng bà Nguyên mắng Hằng hỗn, bảo vợ tao về mới vài ngày mày đã hành. Cô con gái phụng phịu, chàng rể quý thì tránh mặt đâu mất, không khí ngày xuân như chùn xuống. Bà Nguyên đành phải nói chồng vài câu, thôi thì cũng vì con vì cháu, bà hứa đi chừng vài tháng sẽ về.
Cái vài tháng ấy của bà Nguyên kéo dài ngót nghét cũng 6 năm. Khi đứa lớn thôi nôi thì Hằng lại cấn bầu, bà Nguyên cắn răng ở lại chăm con chăm cháu. Nói cắn răng là vì bà tuy là mẹ của Hằng nhưng không khác gì osin. Việc lớn việc nhỏ đều bà làm, thậm chí 2 đứa cháu cũng ngủ với bà ngoại chứ không chịu ngủ với bố mẹ. Từ một người đàn bà quê mùa, giờ đây bà cũng biết mò mẫm đường đi đón cháu, biết lên mạng đặt rau đặt thịt về nấu khi 2 vợ chồng Hằng về trễ. Hằng ở với mẹ đẻ từ lúc cấn bầu tới lúc sinh con, rồi con lớn, chưa bao giờ phải lo mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, càng rảnh rang để chăm lo sự nghiệp.
Của đáng tội, người ở còn có tiền tháng chứ bà Nguyên thì không. Hằng nói mẹ cũng đâu cần chi xài gì. Có lúc gần Tết bà muối mặt hỏi tiền, Hằng dấm dẳng đưa 2 triệu. Sáu năm trôi qua, không lần nào bả dám hỏi tiền con nữa. Chắc không ai tin điều này, bà Nguyên khổ tâm nhưng không dám kể cùng ai. Chẳng lẽ lại đi nói xấu con gái mình. Chồng bà mất vì bệnh gan khi bé Bi 1 tuổi, từ đó Hằng cũng bảo bà không cần phải về nhà làm gì, ở với con trên thành phố cho sướng.
Sung sướng ở đâu bà Nguyên không biết chứ 6 năm qua bà chịu đựng vì 2 đứa cháu nhỏ quen tay quen chân. Nhà chị gái bà dưới quê đi Đà Lạt chơi, rủ bà đi cùng, Hằng cũng khó chịu. Bà Nguyên “được” đi nhưng cứ 5 phút Hằng gọi 1 lần hỏi cái này cái kia để đâu. Chị gái khoe con dẫn đi bắn tàn nhang trên mặt, bà Nguyên thỏ thẻ bảo Hằng khi nào có đi spa thì dẫn bà đi theo làm cái dịch vụ đó, bà tự trả tiền vì mấy chục năm bà vẫn tự ti với đám đồi mồi 2 bên má. Con gái nhìn bà hỏi:
- Trời mẹ già rồi để vậy đi.
Còn nhiều chuyện nói ra khiến bà Nguyên vô cùng tủi thân. Hằng đi công tác nhưng lắp camera ở nhà, có gì không vừa ý là gọi về, kể cả trong chuyện chăm sóc con nhỏ, Hằng làm thì ít nhưng mẹ làm không vừa ý thì nhăn nhó. Có hôm mẹ chồng và chị chồng sang thăm, bà Nguyên chưa kịp ngồi nói chuyện thì Hằng quay sang bảo:
- Mẹ đi gọt con trái bưởi mời má với chị giúp con với.
Mẹ Hằng và bà sui đều sượng trân, trước mặt mẹ chồng mà Hằng cũng không giữ ý tứ cho mẹ đẻ, xem bà khác nào người ở. Mẹ chồng giả lả bảo thôi để mẹ và chị xuống bếp làm. Bà Nguyên nhiều lúc nghĩ chẳng biết vì sao mình lại tự làm khổ bản thân mình. Ở nhà tuy không thoải mái như nhà con gái nhưng xung quanh có nhà con trai, con dâu, cháu nội. Nhà cửa thì sáng nào con dâu cả cũng sang dọn dẹp. Thằng con thứ thì tối qua ngủ chái trước những hôm bà về nhà, sợ mẹ giữa đêm có chuyện không ai hay. Mấy đứa cháu thì có bà ở nhà là sà về, cũng vui không kém. Ở nhà mình bà cũng đâu thua kém ai, cũng không phải làm lụng vất vả, mảnh vườn con con sau nhà tháng nào cũng có người qua hỏi thăm xin thuê đất trồng cây, bà vẫn ậm ừ vì muốn để mấy cây mận, cây ổi chỗ đó cho cháu sang chơi có cái mà hái. Bà dự định năm nay 2 đứa cháu ngoại lớn thì nói với Hằng là bà về quê ở hẳn. Dẫu sao ở đó cũng có nhà cửa, có hàng xóm, có gia đình. Bà quyết là phải làm cho được, dù lần nào nói ra Hằng cũng nhăn nhó, trách mẹ không thương mình, rồi bà lại xiêu lòng.
Vậy nhưng cuối cùng bà cũng làm được, mọi chuyện xuất phát từ đôi dép mang trong nhà.
Ảnh minh họa Sohu
4. Chủ động chăm con cho con gái là điều tôi hối tiếc nhất
Mấy tháng trước Hằng đặt ở đâu trên web nước ngoài chục đôi dép, bà Nguyên nghe bảo là hàng hiệu, hàng xịn. Đem về nhà thì Hằng chia cho mẹ chồng, chị chồng, em chồng, đồng nghiệp vài đôi. Còn đúng 1 đôi để trong nhà. Bà Nguyên tưởng con gái mua cho mình nên lấy ra mang thì Hằng bảo không phải. Sau đó chẳng biết nghĩ gì lại bảo:
- Thôi, mẹ với con mang chung đi.
Bà Nguyên cũng chẳng nghĩ gì, nhưng sang tháng thì con trai cả gọi lên, bảo mẹ về ký giấy tờ giúp con. Thì ra miếng đất ngày xưa ông bà cho con có chút vấn đề, giờ ông không còn nên bà về điểm chỉ, vì không biết chữ. Trước ngày về quê, chẳng hiểu bà Nguyên nghĩ gì lại xếp hết đồ vào túi. Thành phố đang giãn cách, trù trừ ở lại có khi chẳng về quê được. Đôi dép hiệu bà và con gái mang chung, nhưng thật ra chỉ có mình Hằng mang đi dạo là chủ yếu, bà cũng đem ra chà rửa sạch sẽ. Tính bà là vậy, quần áo cả nhà bà cũng giặt ủi phơi phóng đàng hoàng. 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh bà cũng cọ sạch sẽ.
Vậy mà về nhà chưa được nửa buổi, con dâu thứ của bà chạy sang hớt hải:
- Mẹ, mẹ, con Út nó gọi kiếm mẹ nè. Nó nói mất cái gì đó.
Bà Nguyên ngạc nhiên cầm điện thoại con dâu đưa. Mấy năm nay dưới quê muốn kiếm bà thì gọi cho Hằng, còn khi bà về quê thì liên lạc qua số con dâu con trai bà. Giọng Hằng lanh lảnh:
- Mẹ, đôi dép con đâu rồi? Mẹ đem về dưới rồi hả? Sao mẹ lấy mà không nói con gì hết?
- Mẹ chà rửa sạch sẽ đem phơi ngoàn ban công trên lầu 2. Con ra xem thử.
- À à vậy hả, để con lên xem, mà mẹ cũng tranh thủ đi công việc cho nhanh chứ việc thì nhiều mà chiều 2 đứa nhỏ cứ đòi ăn cơm bà nấu.
Chưa kịp nghe mẹ trả lời thì Hằng đã cúp máy. Từ đó đến nay cũng đã 4 tháng trôi qua bởi thành phố liên tục xiết chặt chỉ thị, bà Hằng cũng không dám liều. Con gái ngày nào cũng bù đầu, trách mẹ lúc nào về nhà không về, về ngay trước đợt giãn cách. Mấy tháng nay, vợ chồng Hằng làm việc ở nhà chăm 2 con, đứa lớn năm nay lại vào lớp 1, chuyện quần áo bếp núc, chuyện dạy con học online cứ rối bù. Hằng có nhờ vài người quen tìm giúp người, nhưng họ cũng chỉ ở được 1 tuần là cao. Bởi dù không có mâu thuẫn như mẹ chồng nàng dâu thì họ cũng sợ cái tính bủn xỉn, xét nét của Hằng.
Chẳng có người mẹ nào không xót con gái, ngày con gái đi lấy chồng cũng là lúc mẹ đau lòng nhất, sợ con gái lấy chồng không được hạnh phúc. Ngày con gái sinh con, mẹ cũng đau đớn nhất, sợ con buồn con tủi nên mới chủ động giúp con chăm cháu. Nhờ đợt giãn cách này mà bà Nguyên cũng có dịp về quê nghiền ngẫm, có lẽ bà đã biết rằng điều hối hận nhất trong suốt cuộc đời mình chính là tự nguyện chăm sóc cháu ngoại cho con.