Nhiều công ty lớn chào mời về làm việc nhưng cha mẹ nhất quyết bắt con về quê thi công chức để sống ổn định, quan trọng là gần nhà.
Có một kiểu tình thương của cha mẹ gọi là kiểm soát. Cha mẹ cho con tất cả mọi thứ nhưng đổi lại con phải hoàn toàn nghe theo sắp đặt của cha mẹ. Nhưng không phải sự sắp đặt của cha mẹ lúc nào cũng mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con.
Vô tình đọc được câu chuyện của nam sinh vừa tốt nghiệp mà thấy tiếc cho em. Tuổi trẻ chí hướng cao xa nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi về quê, sống một cuộc đời bình dị ngày nào như ngày nấy. Cũng chỉ vì cha mẹ ép con trai về quê làm việc cho gần nhà, dù con tốt nghiệp đại học danh giá. Bao nhiêu công sức học hành tự nhiên uổng phí.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: parentingcw
Theo câu chuyện em đọc được trên sohu, Tần Tảo năm nay 23 tuổi, hiện đang sống một cuộc sống mà mình không thích vì phải theo ý cha mẹ. Tần Tảo năm đó trúng tuyển vào đại học danh giá hàng đầu. Mẹ Tảo nói cả đời này, bà chưa bao giờ tự hào như vậy.
Tuy gia đình gốc nông dân, ở nông thôn nhưng cha mẹ Tảo rất nhạy bén làm ăn. Mở được mấy cửa hàng kinh doanh ở phố chợ nên điều kiện gia đình rất tốt, nói thẳng ra là giàu có. Dù cha mẹ ít chữ, không dạy con học được nhưng học phí, tiền sách vở chưa bao giờ thiếu thốn.
Tần Tảo rất ngoan, điểm số luôn nằm trong top tốt nhất lớp. Lên đại học, Tần Tảo theo chuyên ngành môi trường. Khi tốt nghiệp, nhiều công ty lớn có lời mời Tảo về làm, tương lai vô cùng rộng mở. Nhưng điều không ngờ nhất là cha mẹ kiên quyết ép con trai về quê.
Với họ, con trai về quê thi công chức, sớm ổn định cuộc sống là được. Dù sao nhà họ cũng không thiếu tiền. Tần Tảo đương nhiên không đồng ý, vừa nghĩ tới về quê sống đã thấy rất chán. Lần này, người cha vốn luôn yêu thương con đã trở mặt, lập tức nói con không về là bất hiếu.
Người mẹ thì nói trong nước mắt: “Con ơi, mẹ chỉ có mình con, giờ mẹ già rồi, nuôi con cánh cứng cáp rồi con bay đi, mẹ có con mà như không có sao?”. Tần Tảo thuyết phục mẹ là làm việc ở thành phố lớn, sau đó rước ông bà lên ở cùng. Sự nghiệp con cũng sẽ rất phát triển.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ
Nhưng người mẹ gạt ngang bảo con trai ngớ ngẩn, ở thành phố lớn khó sống lắm. Trong khi con trai ở quê, cha mẹ lo cho con hết, không bị áp lực tài chính, cuộc sống dễ dàng. Tần Tảo đã từng thử cãi lại cha mẹ, đến thành phố làm việc vì cảm thấy nam nhi phải tự gây dựng sự nghiệp.
Nhưng mới được 3 tháng, cha gọi bảo mẹ nhập viện vì xuất huyết não. Tần Tảo sợ tới mức lên máy bay về nhà liền, vào cửa thì thấy mẹ nói chuyện cười đùa với hàng xóm. Hóa ra, cha mẹ lừa con trai trở về nhà. Tức giận, Tảo định bỏ đi tiếp nhưng cha ngăn lại, mẹ khóc nháo “con bước ra khỏi cửa, mẹ không sống nữa cho con xem”.
Cuối cùng, Tần Tảo hoàn toàn khuất phục trước sự kiểm soát của cha mẹ, đành ngoan ngoãn ở quê, thi công chức, làm nhân viên bình thường ở một cơ sở giáo dục. Người mẹ lại tự hào nói chẳng bỏ công mẹ nuôi nấng con trai, giờ có thể nương tựa tuổi già, sẽ không để con đi đâu nữa.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: zh
Nghe xong câu chuyện của Tần Tảo, nhiều người cho rằng cha mẹ làm thế là đúng. Giờ Tần Tảo còn trẻ, vẫn háo thắng nên cứ thích ở thành phố lớn. Nhưng cha mẹ là người sống lâu năm, nhìn ra được sự cạnh tranh, áp lực rất lớn. 10 người bỏ quê lên phố thì 9 người đã ngậm đắng nuốt cay hối hận.
Nhưng cũng có người thấy cha mẹ làm thế là quá uổng phí tài năng của con trai và không tôn trọng con. Suy cho cùng, Tần Tảo chỉ mới 23 tuổi, vẫn còn quá trẻ và có đủ thời gian để thử sức. Nếu giờ không cố gắng, ắt sẽ để lại nhiều hối tiếc khi về già.
Chưa kể, con trai ông bà tốt nghiệp trường đại học hàng đầu, còn được công ty lớn mời về làm việc, cần gì lo chuyện không trụ được ở thành phố lớn. Hiếu thuận với cha mẹ là bổn phận con cái. Nhưng không phải là cái cớ để cha mẹ ép con sống theo ý mình.
Con cái có cuộc sống riêng, không phải là tài sản riêng của cha mẹ. Do đó, bất cứ quyết định nào liên quan đến cuộc đời con, cha mẹ cũng nên lắng nghe con. Cứ ép uổng khiến con cái sống không vui, đó đâu phải là điều cha mẹ muốn.