Không phải đứa trẻ nào bị thương cũng là bên chịu thiệt thòi, bố mẹ cần tỉnh táo bênh vực con mình khi con không sai.
Không biết có phụ huynh nào lúc nhỏ từng trải qua sự ấm ức khi bố mẹ không tin mình không? Em thì từng trải qua rồi, rõ ràng đứa bé kia ra tay trước nhưng khi em bụp lại thì nó khóc toáng lên đi mách mẹ. Đúng kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Nhưng mẹ không tin vì đứa kia nhỏ con hơn em, mẹ nghĩ em ỷ lớn đè nhỏ. Bà cứ quay sang mắng em hư, còn rối rít xin lỗi mẹ con nhà hàng xóm. Lúc đó thấy oan lắm, cứ đứng khóc rống lên vì cảm giác mẹ thương đứa bé kia hơn, chắc mình con nhặt con rơi gì rồi.
Bởi lẽ đó, xem xong câu chuyện chia sẻ của nhà này mà em tức dùm đứa nhỏ. Con bị bắt nạt mẹ chỉ biết cúi đầu xin lỗi cho qua chuyện. Trong khi đứa nhỏ nói con không có lỗi, bạn gây sự trước. Vậy mà mẹ cứ không tin con mình, quá buồn.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: kknews
Lý do khiến mẹ không tin con là vì chị thấy đứa bé kia bị thương. Nên chị nghĩ con mình làm con người ta bị thương, tất nhiên con mình có lỗi. Thế là cúi đầu xin lỗi rối rít phụ huynh và đứa bé kia.
Rồi mẹ đứa bé kia cũng y chang, thấy con mình bị thương thì mặc định con nhà người ta có lỗi. Cũng tiếng to, tiếng nhỏ đủ chuyện. May là ông bố xuất hiện kịp thời, con như tìm được cứu binh, lập tức chạy đến kể hết mọi chuyện với bố.
Ông bố nghiêm mặt hỏi đứa bé kia có thật không thì nó vẫn chối. Ông bảo ở đây có camera mà, xem lại là biết thôi. Thì ra là con của anh đang cầm một chiếc áo thì đứa bé kia xông đến giành.
Giành không lại còn ngã ra nên bị thương. Đến lúc này đứa bé kia mới khai thật là nói dối vì sợ mẹ la. Cũng may cho đứa trẻ, hôm nay không có bố ra tay đòi lại công bằng thì phải ấm ức chịu tội oan rồi.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: netease
Không phải cứ bị thương là trở thành bên đúng
Thông qua sự việc con bị bắt nạt mẹ cúi đầu xin lỗi, thật sự có quá nhiều điều để suy nghĩ. Không phải lúc nào bên bị thương, người có vẻ yếu đuối đều là những kẻ bị hại.
Tất cả những người làm cha làm mẹ nên rút kinh nghiệm từ cách xử lý của bố và mẹ đứa bé trong sự việc. Cậu bé kia bị thương khiến ai cũng buồn, nhưng đây không phải là lý do để bắt ép đứa bé bị giành giật đồ nói lời xin lỗi.
Đánh giá một sự việc không thể nhìn cái trước mắt hay bề ngoài, còn phải tìm đến căn nguyên gốc rễ. Dạy con cũng vậy, không phải ai bị thương cũng trở thành bên đúng.
Dạy con cần có sự công bằng và sáng suốt. Là bố mẹ, điều đầu tiên và quan trọng là phải lắng nghe và tin tưởng con cái của mình.
Hãy để con cái dám nói sự thật với bố mẹ
Qua sự việc hai đứa trẻ, không khó để thấy, một đứa chọn cách nói dối vì sợ mẹ. Đứa bé còn lại chọn cách mạnh dạn nói thật với bố vì tin tưởng bố. Đó chính là sự khác biệt trong cách giáo dục.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: ppfocus
Bố mẹ biết lắng nghe con cái thì dù có phạm lỗi, con cũng sẽ mạnh dạn thú nhận. Ngược lại, bố mẹ chỉ thích nghe điều hay, điều tốt, nổi giận vô lý khi con nói điều mình không muốn nghe, thì còn đứa trẻ nào dám lên tiếng nữa.
Bên nhà đứa bé còn lại, ngay lúc gặp bố, bé liền nói tất cả với bố. Vì bố tạo được cho con sự tin tưởng và cảm giác an toàn. Tuy nhiên, có nhiều trẻ cảm giác bố mẹ không tin mình, không có chỗ dựa, nên chấp nhận xin lỗi dù con không sai.
Hậu quả của việc không tin vào con mình là khi lớn lên, đứa trẻ sẽ không còn đặt niềm tin vào bố mẹ nữa. Vì vậy, mong mỗi phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm hiểu kỹ khi có chuyện xảy ra với con.
Trẻ con giành giật đồ là chuyện nhỏ, nhưng con cái mất cảm giác an toàn với bố mẹ là chuyện lớn. Thật sự thấu hiểu được cảm giác lúc đó của đứa bé khi người mẹ chỉ biết cúi đầu xin lỗi. Khoảnh khắc mẹ không tin và đi xin lỗi dù con không sai, niềm tin của con vào mẹ đã sứt mẻ đi rất nhiều.
Thông tin tham khảo DDN