Trong siêu thị, một đứa trẻ khoảng chừng 5 tuổi đã nghịch ngợm trộn lẫn hai loại trà xanh và trà đen lại với nhau nhưng người bố vẫn một mực bênh vực.
Tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ thường đứng ra bảo vệ con cái trước đám đông, tuy nhiên không phải trường hợp nào biện pháp này cũng áp dụng được. Nhiều bậc cha mẹ hay đặt ra câu hỏi: “Tại sao trẻ em thích trốn tránh trách nhiệm và không chịu nhận lỗi của mình?”. Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục đã đặt câu hỏi ngược lại rằng người lớn trong gia đình đã bao giờ làm gương và thẳng thắn chỉ ra lỗi sai cho con khi chúng còn nhỏ hay không?
Và với tình huống ông bố đưa con đi siêu thị dưới đây sẽ là ví dụ cụ thể cho thấy tầm quan trọng trong việc dạy con cái chịu trách nhiệm trước hành vi sai trái của mình quan trọng như thế nào trong cuộc đời của trẻ.
Đoạn video này được ghi lại tại một trung tâm mua sắm ở tỉnh Huệ Châu, trong quầy hàng bán trà, một đứa trẻ khoảng chừng 5 tuổi đã nghịch ngợm trộn lẫn hai loại trà xanh và trà đen lại với nhau.
Nguồn hình: Sohu
Lúc này nhân viên quản lý đã phát hiện và giải thích rằng: “Cửa hàng đã có yêu cầu không được dùng tay để chạm trực tiếp vào trà, cháu bé không chỉ vi phạm nguyên tắc trên mà còn trộn lẫn hai loại trà với nhau, bây giờ cũng không thể tách từng loại trà ra được nữa nên mong anh sẽ mua lại hai loại trà này để bù đắp phần nào đó tổn thất cho cửa hàng”.
Người bố nghe xong liền tức giận, cho rằng con còn nhỏ, thiếu hiểu biết, con trai mình không cố ý nghịch ngợm, tại sao lại bắt anh phải chịu trách nhiệm?
Nguồn hình: Sohu
Nhân viên quản lý tiếp tục nói: “Thực sự đối với cửa hàng chúng tôi, mặt hàng trà này cũng không phải ít tiền, tuy nhiên chúng tôi chỉ yêu cầu anh chịu một phần trách nhiệm nhỏ, tổng cộng chỉ có 200 ngàn đồng”
Người bố vẫn không nhún nhường mà còn tiếp tục lý sự cùn hơn, anh cho rằng cửa hàng này có vấn đề, tại sao biết trẻ em thường hay nghịch ngợm mà lại trưng bày trà ở vị trí rất thấp, đây là lỗi thiết kế của gian hàng, tại sao lại bắt bố con anh phải trả tiền.
Sau đó, các nhân viên quản lý tiếp tục giải thích: "Mặc dù vấn đề này là lỗi của một đứa trẻ, nhưng với tư cách là người cha đưa con đi mua sắm nhưng không quản lý được những vấn đề nghịch ngợm của con thì anh phải chịu trách nhiệm".
Sau một hồi tranh cãi cùng sự góp ý của nhiều người xung quanh, cuối cùng ông bố cũng chấp nhận bồi thường đúng số tiền mà cửa hàng yêu cầu rồi bỏ đi với thái độ không phục.
Tất nhiên về hành động của đứa trẻ, nhiều người có thể tha thứ bởi vì trẻ em rất tò mò, chúng thường muốn khám phá những điều chưa biết. Cũng có thể vì màu sắc của các loại trà trông rất đẹp mắt nên cậu bé đã không kiềm chế được sự tò mò của mình.
Tuy nhiên người lớn lại luôn nghĩ rằng dù sao con nít vẫn là một đứa trẻ, vì vậy họ áp dụng thái độ giảm nhẹ, vô hình chung tạo thành tâm lý làm sai nhưng không dám chịu trách nhiệm ở các con.
Về vấn đề này, cư dân mạng cũng bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau, một số người cho rằng: “Nếu con tôi như thế này, tôi sẽ nói với nhân viên gọi điện cho chủ cửa hàng để con cảm nhận được tầm quan trọng của vấn đề. Sau đó bắt con phải xin lỗi cửa hàng, nếu được tha thứ thì phải biết để rút kinh nghiệm. Trẻ con bây giờ rất thông minh, bố mẹ phải cho trẻ hiểu rằng nếu làm sai thì phải gánh chịu hậu quả, đừng để khi con cái lớn lên mới dạy dỗ thì đã quá muộn”.
Đồng quan điểm này, một vị phụ huynh khác cũng cho biết: “Tôi ghét một số phụ huynh nói rằng con mình còn nhỏ và thiếu hiểu biết, toàn là bao biện, có hàng nghìn đứa trẻ, tại sao con nhà người ta lại không nghịch ngợm như vậy? Đây là trách nhiệm của cha mẹ không giáo dục con cái, con cái có lỗi, cha mẹ hãy can đảm nhận trách nhiệm để làm gương cho con cái”.
Từ câu chuyện này, có thể thấy rằng mỗi gia đình nên làm gương và giáo dục trẻ tự chịu trách nhiệm. Đừng sợ mắc sai lầm khi còn nhỏ, mấu chốt là cách đối mặt và cách giáo dục, đừng dạy sai con từ những điều nhỏ nhặt, bỏ ra 200 ngàn đồng để giáo dục một đứa trẻ ngoan cũng không phải quá nhiều.