Hôm trước em xem trên trang Công lý xã hội có phiên tòa ly hôn với một yêu cầu ‘không giống ai’ của chính đương sự. Nhiều khi ngoài đời có những điều không ngờ luôn các mẹ ạ.

>>> Vợ chồng Bill Gates ly hôn: Dư luận nghi vấn không do đổ vỡ mà để né thuế hôn nhân

Theo tin em đọc được, chị Nguyễn Hiền Dịu, sinh năm 1981, ngụ ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, và anh Trà Hữu Tình, sinh năm 1979, ngụ ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau kết hôn vào năm 2002. Do hoàn cảnh gia đình 2 bên nghèo, đồng cảm với nhau nên chị Dịu về nhà chồng làm dâu cũng được gia đình bên ấy tạo rất nhiều điều kiện chứ không đến nỗi vất vả. 

Rồi vợ chồng chị Dịu và anh Tình lần lượt sinh 3 đứa con khiến cuộc sống của họ thêm nặng gánh. Thế rồi ba mẹ chồng chị Dịu bàn nhau cắt hơn 19.000m2 đất mặt nước để cho 2 vợ chồng chị nuôi tôm có tiền lo cho cuộc sống. Trong khi anh Tình hàng ngày cặm cụi ở đầm tôm, chị Dịu ở nhà lo việc nhà cùng cha mẹ chồng, dù vậy, họ không để chị phải làm lụng vất vả. Nhiều phụ nữ trong xóm bảo số chị sướng, làm dâu không phải vất vả.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn. 

Dường như thời gian thử thách con người, anh Tình thì càng ngày càng siêng, còn chị vợ ngày càng lộ bản chất lười nhác. Nhàn cư vi bất thiện, chị Dịu bắt đầu có nhiều thời gian rảnh nên tìm thú vui tiêu khiển bằng các trò đánh bài, la cà ăn nhậu, bỏ bê con cái lẫn việc nhà. Nhiều lần anh Tình nói nhỏ nhẹ mà không nghe, chị vẫn chứng nào tật đó, vì chuyện này mà 2 vợ chồng cãi nhau, đến nỗi ba mẹ chồng góp ý cũng chẳng được. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm nên họ quyết định ly thân từ năm 2016.

Sau thời gian ly thân, nhận thấy cũng chẳng còn tình cảm với nhau nữa nên vợ chồng chị quyết gửi đơn ra Tòa án nhân dân huyện Năm Căn để yêu cầu ly hôn.

Hôn nhân là quyền định đoạt của cá nhân mỗi người cho nên ba mẹ chồng chị Dịu không có ý kiến. Bất ngờ nhất là trong đơn yêu cầu ly hôn, chị Dịu yêu cầu cha mẹ chồng phải trả phí làm dâu 14 năm số tiền 300 triệu đồng.

Yêu cầu hy hữu này khiến Tòa vô cùng bối rối vì trước đến giờ, đây có lẽ là vụ án đầu tiên đương sự yêu cầu phí làm dâu, tuy nhiên, yêu cầu này hoàn toàn đáp ứng điều kiện khởi kiện nên Tòa buộc phải thụ lý.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, có quy định mới đó là “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.”

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Anh Tình đồng ý yêu cầu của chị Dịu về ly hôn. Con chung do chị Dịu nuôi. Và trong thời gian ly thân từ năm 2016, gia đình 2 bên và chính quyền địa phương hàn gắn nhiều lần nhưng không thành. Anh cũng đồng ý cấp dưỡng cho 3 người con mỗi người 700 ngàn đồng/tháng cho đến khi các con đủ 18 tuổi.

Phần tài sản chung, Tòa xác định gần 19.000m2 đất do anh Tình đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện Năm Căn cấp năm 2004 là tài sản do ba mẹ cho riêng nên không đồng ý chia nó vào phần tài sản chung của vợ chồng.

Về việc chị Dịu yêu cầu ba mẹ anh trả phí làm dâu 300 triệu đồng thì anh không có ý kiến vì đó là quyền của ba mẹ.

Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu đó, ba mẹ chồng có ý kiến: Về yêu cầu ly hôn của con dâu, ba mẹ chồng đồng ý. Ông bà cũng tính rằng từ khi cưới đến lúc ly hôn của 2 vợ chồng là 14 năm, chị sinh được 3 người con và thời gian mang thai lẫn chăm sóc mỗi con là 3 năm, tính tổng cộng 9 năm và thêm khoảng 5 năm nữa vợ chồng con trai không ở với nhau thường xuyên. Thêm nữa thời gian chị làm dâu thì chỉ dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, nấu cơm nhưng không thường xuyên vì 2 vợ chồng lục đục. Vả lại làm dâu là nghĩa vụ theo phong tục của địa phương, cũng là nghĩa vụ của người phụ nữ Việt Nam, nên ai cũng phải tuân thủ, vì thế ba mẹ chồng chị Dịu không đồng ý yêu cầu trả phí làm dâu của chị.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Kết quả phán quyết:

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Năm Căn cho rằng yêu cầu của chị Dịu về việc buộc ba mẹ chồng trả phí làm dâu 300 triệu đồng là không có căn cứ, do đó quyết định bác yêu cầu này.

Về tài sản chung thì do mảnh đất có diện tích gần 19.000m2 của anh Tình đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nguồn gốc của ba mẹ chồng cho thời kỳ hôn nhân của 2 vợ chồng nên đủ yếu tố là tài sản chung và Tòa đồng ý phân chia ½ tài sản. Theo yêu cầu thì chị Dịu sẽ lấy bằng giá trị tiền mặt còn phần đất sẽ giao cho anh Tình quản lý.

Phán quyết của Tòa sơ thẩm về việc phân chia tài sản khiến anh Tình không đồng ý nên kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Còn chị Dịu cũng không đồng ý về phán quyết không trả phí làm dâu, định kháng cáo song nhiều người khuyên can nên chị chấp nhận với phán quyết trước đó mà không kháng cáo.

Và tất nhiên, tại Tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đưa ra căn cứ, chị Dịu chấp nhận nuôi 3 con là gánh trách nhiệm thay anh Tình, vì thế anh phải chia sẻ. Thêm nữa diện tích đất đó dù anh đứng tên nhưng là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, có công sức của vợ chồng, đủ căn cứ là tài sản chung nên phải chia đôi tài sản.

Tương tự với Tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm đồng ý chia đôi mảnh đất kia, ưu tiên cho chị Dịu lấy phần giá trị, y án phần không đồng ý yêu cầu trả phí làm dâu của chị Dịu.

Khi phiên tòa kết thúc, mọi người thở phào nhẹ nhõm, chị Dịu cũng nhận rằng phận làm dâu là phải trách nhiệm hy sinh, còn hôn nhân không thành thì cũng phải chấp nhận, xem như giành lại tình cảm cho 3 người con. Anh Tình cũng chấp nhận điều đó, vì duyên vợ chồng đã hết, chỉ còn tình nghĩa, và cha con, chấp nhận làm lụng trên mảnh đất nuôi tôm đấy để có tiền nuôi 3 đứa con đến khi trưởng thành.

Bản án kết thúc cuộc hôn nhân chẳng mấy vui vẻ, chấm dứt câu chuyện tranh chấp giữa ba mẹ chồng với nàng dâu, nhưng đó cũng là câu chuyện có thể chấp nhận được bởi hôn nhân tan vỡ âu cũng chỉ là lựa chọn cuối cùng khi mọi nỗ lực hàn gắn nó đều không thành.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay và Internet. 

Qua vụ việc có một số lưu ý cho những ai có ý định ly hôn:

#1. Cần tìm hiểu những yêu cầu lạ kiểu như trả phí làm dâu, bồi thường tuổi thanh xuân… có căn cứ pháp luật về hôn nhân và gia đình để yêu cầu không. Việc này để tránh mất thời gian của các đương sự trong việc giải quyết vụ án ly hôn, lại tránh mất thêm án phí và lệ phí Tòa án.

#2. Về việc chia tài sản – đây có thể nói là vấn đề quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong các vụ án ly hôn. Không phải ai cũng hiểu hết về vấn đề phân chia tài sản này đâu. Nhưng ở đây em chỉ đề cập đến tình huống thường gặp nhất trong vụ này, đó là ba mẹ 2 bên cho vợ chồng con tài sản để làm ăn. Vậy thì lúc ly hôn chia thế nào đối với tài sản này.

Muốn biết chia như thế nào không chỉ dựa trên lời nói mà phải dựa trên bằng chứng về cách thức cho tài sản đó. Để tránh xảy ra các tranh chấp làm mất thời gian của đôi bên thì cần phải có hợp đồng tặng cho. Thời điểm này phải xác định rõ là tặng cho chung hay riêng, vì nó quan trọng làm cơ sở để phân chia tài sản theo yêu cầu hoặc khi ly hôn sau này.

Như đối với vụ việc trên, dù anh Tính nói vậy nhưng còn phải xem trước đó, ba mẹ anh cho mảnh đất 19.000m2 là cho chung hay riêng, có hợp đồng hay không. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có điều khoản có lợi cho người yếu thế đó là khi có tranh chấp tài sản mà không chứng minh đó là tài sản riêng được thì đó là tài sản chung của vợ chồng và phải chia khi ly hôn. Thêm nữa, không nhất thiết lúc nào tài sản cũng phải chia đôi vì còn tính đến nhiều yếu tố như hoàn cảnh, lỗi, công sức đóng góp của đôi bên...