"Con bị điểm thi kém là món quà tuyệt vời nhất của cha mẹ", lần đầu tiên nghe câu này, nhiều phụ huynh hơi sốc.
Trên đời này, chẳng cha mẹ nào không mong con mình thi đạt điểm cao, phải 9, 10. Nhiều khi con điểm 5 là đã làm to chuyện. Do đó, khi nghe đến câu con thi bị điểm kém là món quà của cha mẹ, nhiều phụ huynh thật sự “nuốt không trôi”.
Nhưng nghe giải thích thì thấy cũng rất đáng suy ngẫm đó mọi người. Em thấy thấm nhất là đoạn: “Không phải cây con nào cũng có thể mọc thành cây cao chót vót. Không phải đứa trẻ nào cũng có thể trở thành rồng, thành phượng”.
Nhỏ ép con học, già chịu cảnh xót xa
Cha mẹ nào mà không muốn con đạt điểm xuất sắc, đứng đầu lớp càng tốt. Nhưng khi đứa con lớn lên, người mẹ mới nhận ra sự thật quá xót xa, có khi con bị điểm kém đôi khi còn tốt hơn.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ
Không phải cứ học giỏi là tốt, còn phải dạy dỗ đạo đức cho con nữa. Bà Ly (tên nhân vật đã thay đổi) có một đứa con trai duy nhất. Lúc nhỏ, bà Ly luôn dạy con phải học thật tốt, toàn đạt điểm xuất sắc. Lớn lên, con bà quá giỏi, được ra nước ngoài du học.
Cuối cùng nhận được một công việc rất tốt ở nước ngoài. Con trai còn lấy vợ ngoại quốc, sau đó định cư ở Pháp. Họ hàng, chòm xóm khen bà nức nở vì khéo dạy con, bà cũng nở mày nở mặt tự hào.
Nhưng bà dạy con học xuất sắc mà quên mất dạy đạo nghĩa làm người. Vợ chồng bà Ly đã già, ông bị bệnh gọi con về nhưng nó bảo để nó gửi tiền chứ không về được.
Rốt cuộc phải đi nhờ con hàng xóm đưa ông đi bệnh viện. Hơi mắc cỡ là con trai hàng xóm từng bị bà chê vì học dở, xong 12 đã nghỉ. Hiện anh này cũng là ông chủ của một cửa hàng phụ kiện xe. Khi nghe chuyện, anh lập tức nhiệt tình đưa ông bà đi, còn giúp làm thủ tục, đóng viện phí.
Về sau, cứ mỗi lần thấy nhà hàng xóm có con trai hiếu thảo, cháu nội chạy quanh sân, bà Ly rất ghen tị. Bà thường nghĩ mọi chuyện có lẽ sẽ tốt hơn nếu hồi đó con không học giỏi. Ở cái tuổi bên kia sườn dốc, bà thỉnh thoảng lại ước ngày trước con học kém thì bây giờ đỡ phải sống cảnh thui thủi, cô đơn.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: tvbsnews
Bất cứ khi nào nhìn thấy những đứa trẻ bị la mắng, phạt roi vì điểm kém, bà lại thấy khó chịu. Đâu phải cây con nào cũng mọc thành cây cao chót vót, đâu phải đứa trẻ nào cũng là rồng là phượng.
Nếu điểm của con không tốt như mong muốn, đừng ghét nó, đừng ép buộc nó. Vì biết đâu, một lúc nào đó cha mẹ già sẽ thấy cảm ơn vì con từng bị điểm kém.
Đừng để mất Tết vì điểm học kỳ I1
Đó là chuyện của một gia đình nhỏ, còn đây là thực tế đang xảy ra với nhiều gia đình đây mọi người.
Một số trường đã cho kiểm tra xong học kỳ I, dù chưa có điểm chính thức nhưng thi xong, tự các em đã biết được sương sương kết quả.
Trên diễn đàn học tập dành cho học sinh, tràn ngập các lời than nghe mà thương của các em. Có em đang buồn vì từ học sinh giỏi, có nguy cơ sẽ rớt hạng xuống học sinh khá, tệ hơn là trung bình.
Có em thì kêu trời không thấu vì “tạch” hết các môn. Sợ nhất có lẽ không phải điểm số thấp mà là biểu cảm của cha mẹ khi biết chuyện. Nhiều em lo sắp tới chắc mất cả tết vì điểm thi học kỳ I thấp lè tè.
- Ôn bài kỹ lắm mà làm không được.
- 2,5 sinh… mất Tết.
- Rớt môn hết rồi trời ơi.
Ảnh chụp màn hình
Cũng có phụ huynh thấu hiểu, vào bình luận một câu: “Học online, thi trực tiếp, mong các ba mẹ đừng áp lực bé”. Lý giải việc thi kết quả kém là do học sinh lớp 7, 8, 10, 11 tại TPHCM chỉ mới đi học trực tiếp từ 4/1/2022.
Thời gian học chỉ vài tuần là thi trực tiếp tại lớp khiến nhiều em theo không kịp. Thi tại lớp hình thức làm bài khác với trực tuyến (đa số là bài trắc nghiệm) nên cũng ảnh hưởng nhiều đến điểm số.
Con thi bị điểm kém thì không chỉ con mà cha mẹ cũng buồn, vì lo cho con, vì thất vọng. Nhưng mong phụ huynh hãy mở lòng hơn. Học kỳ vừa qua đã quá khó khăn với các con khi phải học trực tuyến.
Để có cái Tết ấm êm thì thôi chuyện cũ mình bỏ qua, học kỳ I chưa tốt thì học kỳ II mình phấn đấu hơn. Như câu nói vui “còn thở là còn gỡ”, Tết này bao dung con để cả nhà ăn Tết trọn vẹn, ấm cúng nhé cha mẹ.
*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân, thông tin tham khảo DDN