Một số phụ huynh cứ nghĩ cô giáo là bảo mẫu riêng của con mình, hở chút là trách cô giáo, đẩy hết trách nhiệm cho cô giáo, quá nản.
Em hay thấy các mẹ lên mạng bảo thương các cô giáo lắm, nhất là cô giáo mầm non. Ở nhà chăm một đứa thôi mẹ đã mệt thở không ra hơi, đằng này các cô lại chăm một lúc mấy chục bé. Biết rằng đó là công việc của các cô, chuyên môn sư phạm của các cô nhưng cũng phải nể phục sức chịu đựng của các cô lắm ạ.
Nhưng đâu phải phụ huynh nào cũng hiểu cho nỗi vất vả, cố gắng của các cô giáo mầm non. Một số phụ huynh còn trách móc cô giáo, đổ lỗi cho cô giáo không dạy dỗ con họ đàng hoàng. Nói “con hư tại mẹ” thì lại bảo nói quá chứ thực tế nó là vậy.
Như người mẹ mới đây đã làm sai còn đi bóc phốt cô giáo lên mạng. Khổ thân cô giáo mầm non, mới vào dạy bé 2 tuần mà mẹ đòi con phải ngoan, phải giỏi liền thì làm khó cô quá. Trong khi con mình nó lại chậm hơn con người ta, làm mẹ còn không rõ con ra sao mà cứ đổ thừa cho cô, hết nói nổi.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ
Thường thì phụ huynh sẽ thương các cô giáo lắm, vì đơn giản, nếu mình thương cô giáo thì cô giáo cũng thương lại con mình. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết tôn trọng cô giáo. Ngược lại, họ nghĩ rằng mình bỏ tiền ra thì cô giáo phải chịu trách nhiệm với con mình. Hễ cô giáo làm gì không vừa ý là mắng thẳng mặt, không nể nang.
Em tình cờ đọc được chuyện người mẹ bóc phốt cô giáo mầm non trên mạng. Nay em xin chia sẻ lại, các vị phụ huynh vào xem rồi cho em xin ý kiến. Rốt cuộc, khi trẻ cư xử không đúng cách, không có nề nếp ở trường, đó là trách nhiệm của phụ huynh hay vấn đề cô giáo.
Chuyện bóc phốt này là của một người mẹ xứ Đài, chị có một đứa con năm nay 3 tuổi vừa cho đi mẫu giáo ở trường B.K. Con chị là một đứa bé có vấn đề chậm ngôn ngữ, nói thẳng là nói chậm đó mọi người.
Ngoài ra bé còn không kiểm soát được hành vi, thiếu kỹ năng cơ bản nghiêm trọng. Bé vẫn chưa đủ lớn như các bạn cùng lứa và vẫn khó hòa nhập với cuộc sống mẫu giáo. Sau 2 tuần quan sát bé, cô giáo có đem chuyện này nói lại với mẹ, cũng chỉ mong mẹ biết tình hình con ra sao.
Giáo viên chỉ ra rằng bé nhà chị có 4 vấn đề lớn, bao gồm không có khả năng tự chăm sóc và không biết biểu hiện cảm xúc. Ngay cả gật đầu, lắc đầu trả lời cũng không thể làm được. Bé tự ý rời khỏi lớp học và chạy đến các lớp học khác để chơi. Bé không tự ăn, ngay cả khi giáo viên thay phiên nhau bón cho ăn cũng không chịu ăn. Chỉ cần không vừa ý là sẽ làm ầm ĩ lên.
Sau khi nghe cô giáo nói, người mẹ không tiếp thu còn trực tiếp trách cô giáo không biết dạy trẻ. Chị lên mạng phốt trường rùm beng lên, chỉ trích cô giáo không tốt. Rõ ràng lúc vào học chị đã báo là con có vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ. Chị cũng đã dặn nếu con quấy khóc thì phải cho chơi đồ chơi.
Giờ thì cô giáo đi bảo con không hòa nhập được, vậy ý cô là con chị có vấn đề à. Thậm chí cô giáo còn nhắc mẹ ở nhà nhớ tập cho con ngoan ngoãn ngồi ăn cơm. Không nên cho bé chạy tới chạy lui khi ăn.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: kknews
Theo ý chị, mấy chuyện dạy ăn ngoan là cô giáo phải dạy. Chuyện con chạy ra khỏi lớp sang lớp khác chơi cũng là lỗi của cô giáo. Con chị chạy đi thì cô giáo cứ đưa về lại lớp là được, đâu phải lỗi con chị.
Chị cho rằng mình đưa con đến học, chỗ nào con không ổn là cô phải dạy. Với chị, con chị 3 tuổi còn bé, chưa biết gì. Cứ mặc bỉm đấy thì có sao, không tự ăn được cũng có sao đâu, hở ra là khóc ầm lên cũng hợp lý, chạy ra khỏi lớp cũng dễ hiểu. Có gì để cô phải nói con chị tệ như vậy.
Rõ ràng chị đưa con đi học là để được cô giáo dạy cho con mấy cái này, giờ cô giáo báo ngược lại cho mẹ làm gì. Tất cả đều là lỗi của cô.
Rồi rồi, trăm sai ngàn sai là cô giáo hết, tại cô giáo tất cả. Con chị không sai thì thôi chị mang về tự dạy, tự giữ đi. Cô giáo đã thương, quan sát con rất kỹ, còn báo lại cho mẹ tình hình của con. Tưởng sẽ được sự phối hợp từ phụ huynh để rèn con từ nhà đến trường, cho con nhanh ngoan. Ai ngờ, gặp phải phụ huynh ngang ngược.
Trong khi trước đó cô giáo có nói rõ là bé nhất quyết không chịu bỏ bỉm. Cô rèn cho tự đi vệ sinh cũng không chịu. Mệt mỏi hơn là cô thay bỉm cho cũng không chịu luôn. Cô dỗ dành cỡ nào cũng giãy giụa, nên cô lo con bị đau, không cố ép con được. Cô giáo đi hỏi mẹ có cách nào thay bỉm con bớt nháo không thì mẹ lại bảo cô không giỏi.
Em đọc xong cái vụ này tự nhiên thấy bất bình dùm cô giáo luôn ạ. Thử nghĩ mà xem, con đi học mới 2 tuần mà cô đã quan sát tỉ mỉ. Cô còn cố gắng dạy con ăn, đi vệ sinh, chịu đựng mấy màn quấy khóc, chạy rong của con. Cô còn chịu khó hỏi mẹ xem có cách nào thay bỉm con không khóc, con bớt giãy.
Cô giáo thì quan tâm con mình vậy đó còn người mẹ thì cứ nghĩ theo kiểu cô đang chê con mình tệ, cô lười dạy con mình. Hên lắm mới gặp được cô giáo chịu khó quan sát bé và trao đổi với phụ huynh đó mẹ. Vậy mà mẹ cứ kiểu thích phốt, thích trách móc mới chịu.
Tinh thần hợp tác với cô giáo để dạy dỗ con mình thì chẳng thấy đâu. Như người mẹ có nói là từ đầu đã biết con mình chậm phát triển ngôn ngữ. Đã vậy thì càng phải lắng nghe và tích cực trao đổi với các cô để tìm ra cách dạy tốt nhất cho con. Bởi người ta hay nói con hư tại mẹ, phụ huynh mà cứ thích làm khó cô giáo thế này thì sao con mình học tốt được.
Không chỉ em mà hầu như ai đọc được vụ phốt này cũng bức xúc thay cho cô giáo. Có người vào nói thẳng là mẹ sai rồi đó, trường mẫu giáo là nơi các bé cùng học, không thể đòi hỏi các cô chỉ chăm lo một mình con chị được. Ai cũng phải đóng tiền như nhau, làm gì có chuyện con chị phải được ưu tiên hơn.
Đồng thời, chị nên nghĩ kỹ đi, cô giáo chứ không phải bảo mẫu tư nhân mà cứ phải theo làm đúng ý mỗi chị được. Chuyện con chị không hòa hợp được ở lớp, lại còn không chịu bỏ bỉm, không biết tự ăn là do bé có vấn đề chậm thật. Chị phải nhìn vào vấn đề của con mình chứ không nên đổ lỗi cho cô giáo.
Cũng có người khuyên chị nên đi khám cho con ngay đi. Điều trị sớm thì con nhanh trở lại bình thường. Chứ chuyện chậm phát triển, chậm nói thì không thể bắt các cô rèn cho là được đâu. Nếu trường hợp bệnh lý chậm phát triển thì phải nhờ đến bác sĩ chứ chẳng đùa được đâu.
Thay vì ở đó chỉ trích cô giáo, chị nên dành nhiều sự quan tâm cho con mình hơn. Còn nếu thật sự thấy cô giáo có vấn đề thì tốt nhất chuyển trường. Chứ chị lên phốt cũng đâu được gì.
Nói chung là nhiều người vào góp ý cho chị lắm, đa số chẳng ai đứng về phía chị cả vì rõ ràng là chị không có thái độ đúng với cô giáo. Hơn nữa, giờ mạng xã hội phát triển, hở chút lên phốt mà chưa phân phải trái đúng sai là vô tình bôi nhọ người khác đó ạ.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: cunman
Sẵn nói về chuyện bé 3 tuổi nhà chị này bị chậm phát triển ngôn ngữ hay chậm phát triển trí tuệ thì phải chịu. Còn với những bé bình thường khác, việc chưa tự ăn, chưa tự đi vệ sinh mà cứ phải đi bỉm thì mẹ cũng nên rèn dần cho con trước khi đi nhà trẻ đi ạ. Dưới đây là 3 sự chuẩn bị nhất định phải có cho con trước khi vào mẫu giáo, mẹ nào cần thì có thể tham khảo ạ.
- Chuẩn bị 1: Học các kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản
Đi học mẫu giáo sẽ không như ở nhà, có người theo chăm con từng li từng tí. Do đó, trước khi đi mẫu giáo, mẹ phải tập một số kỹ năng cần thiết cho con. Bao gồm một số việc cơ bản như tự xúc ăn bằng thìa, từ mặc quần áo, tự mang giày dép. Con phải tập tự đi vệ sinh khi muốn, tự ngủ trưa. Nếu có thể bỏ bỉm và con đi vệ sinh tự chủ được thì càng tốt.
Những kỹ năng này, nếu mẹ không tập cho con từ sớm, con sẽ bị choáng ngợp khi vào nhà trẻ. Vì tất cả mọi thứ con phải tự làm, cộng thêm 3 tuổi chưa thể diễn đạt rõ ràng. Nếu gặp khó khăn ở lớp, con sẽ dễ quấy khóc, không chịu đi học, sinh ra tâm lý e ngại, sợ hãi.
- Chuẩn bị 2: Nâng cao kỹ năng ngôn ngữ
Thường thì lúc 3 tuổi, bé có thể nói một số câu cơ bản, nhưng vẫn có một số bé nói chậm, nói không rõ ràng và không biết cách diễn đạt. Bên cạnh đó, một số bé đã quen kiểu ở nhà, chỉ cần đưa tay ra là ông bà, cha mẹ làm cho, không cần nói.
Nhưng ở lớp mẫu giáo thì hoàn toàn khác, thường chỉ 2, 3 cô giáo mà chăm một lúc mấy chục bé. Cô rất khó để có thể theo sát từng bé một và kịp thời nhìn ra con muốn gì. Do đó, muốn con đi học mẫu giáo vui vẻ, mẹ phải rèn kỹ năng ngôn ngữ cho con trước.
Không cần con phải nói lưu loát như người lớn, nhưng những câu đơn giản phải biết nói. Ví dụ con muốn đi vệ sinh, con đói, con đau bụng, con khó chịu, bạn giành đồ chơi con, con muốn uống nước, nóng/lạnh (đối với thức ăn, nước uống)…
- Chuẩn bị 3: Xây dựng tâm lý
Chuẩn bị tâm lý là khía cạnh quan trọng nhất đối với trẻ 3 tuổi trước bước ngoặt xa mẹ đầu đời. Lúc này, trẻ không còn là những em bé sơ sinh cần được chăm sóc 24/24. Con sẽ phải tự mình làm rất nhiều thứ. Trẻ không chỉ học cách đối mặt với môi trường xa lạ mà còn phải tự nâng cao sức chịu đựng tâm lý.
Việc chuẩn bị tâm lý không đầy đủ sẽ dẫn đến nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, ghét đi học, bám chặt lấy mẹ vì sợ bị bỏ. Việc người lớn cần làm là nói tốt về nhà trẻ, không được hù dọa về nhà trẻ, cô giáo. Nếu được, có thể đưa bé đến xem trường vài buổi để làm quen.
Hy vọng với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng của phụ huynh, các bé 3 tuổi sẽ đi mẫu giáo trong niềm vui tươi, hạnh phúc. Cũng mong các vị phụ huynh tự mình trau dồi cách ứng xử, giao tiếp tốt với giáo viên. Đừng vì quá thương con mà làm những chuyện quá đáng với các cô giáo như bóc phốt hay đổ lỗi. Làm thế thì chỉ có con mình thiệt thòi nhiều nhất.