Có thai mấy tháng thì bụng to là băn khoăn của rất nhiều người, tìm hiểu vấn đề này để có thêm kiến thức thai kỳ nhé mẹ.
Khi mang thai, rất nhiều mẹ cảm thấy hồi hộp, ngóng chờ từng ngày để quan sát xem bụng bầu có xuất hiện hay chưa. Kích thước bụng bầu cũng khiến nhiều mẹ cảm thấy hoang mang, bụng bầu to lên quá nhanh hoặc mãi chẳng thấy đâu chính là nguyên nhân làm cho một số mẹ lo lắng. Vậy có thai mấy tháng thì bụng to? Có những trường hợp nào khiến bụng lộ to hơn so với bình thường? Nếu chưa biết, mẹ có thể tìm hiểu những thông tin bên dưới nhé.
Có thai mấy tháng thì bụng to, mẹ đã biết chưa?
Đáp án cho câu hỏi mấy tháng thì bụng to thực sự không có sự đồng nhất vì sẽ tùy thuộc vào cơ địa, số cân nặng, tình trạng sức khỏe trước khi mang thai và số lần mang thai của mẹ bầu. Có những mẹ thấy bụng lộ lên từ sớm, nhưng có những mẹ mãi cũng chẳng thấy phần bụng đâu, cụ thể kích thước bụng bầu bắt đầu to lên sẽ phụ thuộc chung vào một số trường hợp như sau.
Trong trường hợp mẹ mang thai lần đầu
Với các mẹ mang thai lần đầu, phần bụng sẽ khó lộ lên một cách nhanh chóng. Thông thường, trong cả 3 tháng đầu tiên, chị em gần như không thể quan sát được sự thay đổi rõ rệt của phần bụng, vẫn có thể mặc quần áo như bình thường. Nếu không nói, nhiều người cũng khó phát hiện rằng bạn đang mang thai.
Sau tam cá nguyệt đầu tiên, bụng bầu có thể nhô lên rõ
Từ tháng thứ 4 hoặc thứ 5 trở đi, phần bụng có thể sẽ nhô lên rõ và chị em sẽ quan sát được kích thước vòng 2 của mình đang dần thay đổi. Với những mẹ trước khi mang bầu có thân hình thon gọn, nhẹ cân, quá trình lộ bụng thường sẽ chậm hơn so với những mẹ tròn trịa, đầy đặn.
Trong trường hợp mẹ mang thai lần 2
Với trường hợp các mẹ bầu mang thai lần thứ 2, các mẹ bầu thường dễ dàng nhận thấy kích thước vòng bụng tăng lên một cách nhanh chóng. Bụng bầu sẽ lộ rõ sớm hơn so với lần mang thai đầu tiên.
Lý do là vì trong lần mang thai trước, các cơ bụng đã từng một lần bị kéo căng ra và sau khi sinh xong, dù bụng mẹ có nhỏ lại thì phần cơ này cũng rất khó có thể trở về được lại vị trí cũng như kích thước ban đầu do thiếu sự đàn hồi. Chính vì thế, nếu mang thai lần 2, phần bụng sẽ nhô lên sớm hơn lần trước. Trong trường hợp mang thai nhiều hơn 2 lần thì thời gian lộ bụng cũng sẽ nhanh hơn như vậy.
Trong trường hợp mẹ mang đa thai
Một trường hợp đặc biệt hơn đó là mẹ mang đa thai, khi có sự xuất hiện của nhiều hơn 1 em bé trong bụng, đương nhiên sự gia tăng kích thước bụng bầu cũng sẽ có nhiều khác biệt. Với trường hợp này, tử cung sẽ phải tăng nhanh hơn rất nhiều so với bình thường để đáp ứng được nhu cầu lớn lên của các thai nhi.
Mẹ mang đa thai có thể thấy bụng to lên nhanh hơn
Ngay từ trước khi kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên (sớm nhất là khoảng hơn 2 tháng), mẹ mang đa thai đã có thể thấy rõ bụng đang nhanh chóng to lên. Đây là một điều hết sức bình thường và mẹ không cần lo lắng.
Lưu ý về kích thước bụng bầu khi mang thai
Một số trường hợp có thể khiến bụng bầu lớn nhanh hơn bình thường
Nhiều mẹ bầu thắc mắc có thai mấy tháng thì bụng to, nhưng lại không hiểu rằng đây là vấn đề phụ thuộc vào cơ địa, thể chất, số lần mang thai và đôi khi còn là do sức khỏe của mỗi người nữa. Nếu bị chướng bụng, mẹ cũng có thể cảm nhận được kích thước bụng dường như to nhanh hơn so với bình thường.
Hình dạng tử cung cũng có thể ảnh hưởng tới thời gian bụng nhô lên
Chướng bụng khi mang thai có thể phát xuất từ sự thay đổi hormone trong cơ thể, mẹ chỉ cần chú ý điều chỉnh lại chế độ ăn và không nên quá lo lắng. Bên cạnh đó, hình dạng tử cung cũng ảnh hưởng rất nhiều tới mốc thời gian bụng có thể lộ rõ. Nếu tử cung mẹ ngả về trước, phần bụng sẽ nhanh chóng to lên rất nhanh trong khi nếu thuộc trường hợp tử cung ngả sau, có thể mẹ sẽ phải chờ đợi bụng nhô lên lâu hơn so với người khác.
Chú ý khi kích thước bụng tăng quá nhanh
Bụng bầu tăng kích thước, to lên quá nhanh là một trong những dấu hiệu mẹ nên chú ý. Tuy rằng mức độ tăng kích thước vòng bụng và thời gian tăng sẽ phụ thuộc vào mỗi người, nhưng nếu chỉ trong một thời gian ngắn mà vòng bụng tăng lên nhiều và nhanh, mẹ nên chú ý cẩn thận.
Lý do là vì đó có thể là dấu hiệu của việc mẹ đang tăng cân quá mức trong thai kỳ, dễ gặp phải tình trạng thừa cân hoặc tiểu đường thai kỳ. Bụng bầu quá lớn cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo hiện tượng đa ối nguy hiểm.
Nhiều người khi thấy vòng bụng tăng nhanh thì nghĩ con mình cũng đang phát triển nhanh chóng, điều này có thể không đúng vì đôi lúc vòng bụng tăng chỉ phản ánh số cân nặng của mẹ đang tăng nhanh . Con trong bụng vẫn có thể gặp một số vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Chú ý khi bụng bầu quá nhỏ
Bụng bầu to lớn quá nhanh trong thời gian ngắn không phải dấu hiệu tốt thì việc bụng bầu quá nhỏ cũng là vấn đề đáng được lưu tâm. Trong trường hợp bụng bầu của mẹ nhỏ nhưng khi đi khám, các chỉ số sức khỏe của mẹ và bé đều bình thường thì điều này không hề đáng lo ngại.
Bụng bầu có kích thước quá nhỏ cũng cần lưu ý
Tuy nhiên, bụng bầu có kích thước quá nhỏ còn có thể là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng thiếu ối, thai nhi suy dinh dưỡng, chậm phát triển,… Chính vì thế, mẹ cần chú ý theo dõi kỹ càng các chỉ số liên quan đến sức khỏe, thể chất của con qua từng giai đoạn.
Nói tóm lại, mẹ nên chú ý kiểm soát cân nặng ổn định, không nên ăn quá nhiều, ăn không kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng cân nặng, vòng bụng tăng lên quá nhanh, cũng không nên ăn kiêng, bỏ bữa. Mẹ bầu nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi mang thai, tăng cường bổ sung những thực phẩm lành mạnh, ăn đủ chất, đúng bữa, đi khám định kỳ đúng lịch và lắng nghe những hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ.
Vòng bụng của mỗi thai phụ sẽ có sự phát triển khác nhau. Do đó, mẹ không nên quá lo lắng khi thấy bụng mình to hơn hoặc chưa to bằng các mẹ bầu khác. Chỉ cần theo dõi thai kỳ kỹ càng, chị em có thể cảm thấy yên tâm rằng sức khỏe của bản thân mình và con vẫn đang ổn định. Hy vọng qua những thông tin trên, mẹ bầu sẽ hiểu thêm về sự gia tăng kích thước vòng bụng và giải đáp được thắc mắc có thai mấy tháng thì bụng to lên nhé.
Xem thêm bài viết liên quan:
Mẹ bụng bầu to, thai nhi chưa chắc đã phát triển bằng con của mẹ bầu bụng gọn
Tại sao khi bầu bí, người bụng to người bụng nhỏ?
7 lý do kích cỡ bụng bầu không liên quan gì với kích thước em bé